Thu nhập tăng, hộ nghèo giảm nhiều Quảng Nam là tỉnh miền núi, có 18 huyện, thị xã, thành phố, với 70 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, đồng bào DTTS chiếm 9,4% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, thực hiện Quyết tâm thư
Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III - năm 2019 và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc; công tác chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm.
Nam Trà My nỗ lực thực hiện xóa hơn 1.000 nhà tạm trong năm 2024 |
Nhiều chương trình, dự án được ưu tiên triển khai trên địa bàn miền núi, nhất là 3 Chương trình MTQG cơ bản phát huy được hiệu quả. Trong giai đoạn 2021 - 2024, tổng nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi khoảng 7.828,6 tỷ đồng; có 94 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhận kết nghĩa với 66 xã miền núi; 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa, đỡ đầu 14 xã biên giới.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt 24,13 triệu đồng/năm (tăng gần 8 triệu đồng so với thời điểm năm 2019); tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi giảm còn 22,05% (cả tỉnh còn 5,7%); số xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới là 33/93 xã (cả tỉnh 123/194 xã); có 98,81% thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 84/199 trường học đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 42,21%; 100% đồng bào DTTS được tham gia đóng bảo hiểm y tế…
Công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là xây dựng đội ngũ nhân lực người đồng bào DTTS được thực hiện đồng bộ trong tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm. Đến nay, tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trên toàn tỉnh là 3.751 người, chiếm tỷ lệ 10,5% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Trong đó, có 658 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS đang công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, chiếm tỷ lệ 6,4%; số cán bộ, công chức người DTTS là đại biểu HĐND các cấp là 1.243 người, chiếm tỷ lệ 21%.
Để vượt qua khó khăn, thách thức Để vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao hiệu quả chính sách dân tộc, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển KT-XH, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục quán triệt, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH nhằm chăm lo, cải thiện hơn nữa chất lượng cuộc sống đồng bào các DTTS.
Cùng với đó, Quảng Nam sẽ tạo cơ hội để đồng bào được tiếp cận tốt hơn, công bằng hơn đối với thành quả phát triển KT-XH của đất nước và của tỉnh; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức triển khai thực hiện các chủ trương về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực, phấn đấu vươn lên của đồng bào các DTTS, đoàn kết giúp đỡ nhau giảm nghèo bền vững nhằm ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu chính đáng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng dân tộc.
Tỉnh cũng sẽ chú trọng công tác xây dựng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ là người DTTS đảm bảo số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của già làng, Người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.