Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. |
Cụ Giuse Nguyễn Đình Đầu, nhân sĩ- nhà nghiên cứu Sử học đã vĩnh biệt chúng ta. Một trái tim nhân hậu, hiền hòa, dễ mến đã ngừng đập sau 104 năm trên dương thế, để lại cho các con cháu, thân bằng quyến thuộc, các linh mục, tu sĩ cùng anh chị em thành viên trong UBĐKCG TPHCM, đông đảo người tín hữu Công giáo trong Tổng giáo phận, niềm thương tiếc vô hạn, nỗi nhớ khôn nguôi. Chúng ta cùng nhìn lại cả cuộc đời phục vụ của cụ.
Cụ Giuse Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12 tháng 3 năm 1920 (giấy tờ ghi là 1923) tại nhà số 57 phố Hàng Giấy, Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình Công giáo nghèo, thuở nhỏ, cụ theo giúp mẹ kiếm sống và học tại trường tiểu học Pháp-Việt ở cuối phố Huế (Hà Nội). Sau khi học xong bậc Trung học, năm 1939, cụ theo học trường Bách nghệ Hà Nội và tốt nghiệp tại đây vào năm 1941. Trong khoảng thời gian ấy, ngoài việc học, là một thanh niên Công giáo, cụ còn gia nhập Hội Hướng đạo, Hội Truyền bá quốc ngữ, Phong trào Thanh Lao Công (tức “Phong trào Thanh niên Lao động Công giáo”, Jeunnesse Ouvrière Chrétienne - JOC) và trở thành thành viên tích cực của những tổ chức này.
Thánh lễ an táng cụ Giuse Nguyễn Đình Đầu tại nhà thờ giáo xứ Chợ Đũi. |
Cụ từng tham gia Cách mạng Tháng Tám 1945, làm Bí thư Bộ Kinh tế và trực tiếp được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ. Sau đó, cụ sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris) và là sinh viên dự thính Đại học Sorbonne.
Khi phái đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đi dự Hội nghị Genève, cụ đã cùng các vị Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích đến gặp và vận động ủng hộ Việt Nam. Sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cụ lập phái đoàn đại diện cho chính quyền Dương Văn Minh - Nguyễn Văn Huyền đến trại David - Tân Sơn Nhất để đưa đề nghị ngưng chiến vào 29/4/1975. Đại tướng Mai Chí Thọ đã trân trọng gọi cụ là “nhân sĩ yêu nước” tại các cuộc hội thảo khoa học lịch sử.
Là một trí thức Công giáo, những năm khi Công đồng Vatican II diễn ra tại Rôma, cùng với các linh mục tu sĩ, được sự cho phép của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức những đêm canh thức cầu nguyện cho Công đồng, cho các nghị phụ tham dự Công đồng. Sau khi Công đồng bế mạc, cụ đã cùng với các trí thức Công giáo tổ chức nhiều buổi hội thảo, học hỏi về các văn kiện của Công đồng. Cụ sáng lập tờ báo Sống Đạo để cỗ vũ cho việc áp dụng các canh tân về Phụng vụ, Mục vụ, về Giáo hội trong thế giới hôm nay... Cụ từng là thành viên ban tư vấn của Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình về các vấn đề xã hội, cụ nguyên là Ủy viên Đoàn Chủ tịch rồi là Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh từ khi tổ chức này hình thành năm 1983 và liên tiếp nhiều nhiệm kì cho tới khi 90 tuổi… Cụ còn viết báo và cũng từng là một cộng tác viên đắc lực cho nhiều tờ báo Công giáo trước và sau năm 1975.
Với tư cách là nhà nghiên cứu Sử học, cụ Giuse Nguyễn Đình Đầu là tác giả của bộ sách đồ sộ nghiên cứu một cách hệ thống địa bạ triều Nguyễn. Cụ cũng là nhà sưu tập bản đồ cổ quý hiếm ở Việt Nam. Nhân dịp cụ tròn 90 tuổi, năm 2010 tạp chí Xưa và Nay phối hợp cùng Nhà xuất bản Thời Đại đã xuất bản cuốn “Nguyễn Đình Đầu, hành trình của một trí thức dấn thân”, “đây là tập hợp 40 bài viết của tác giả (cụ Giuse) đã đăng trên tạp chí Xưa và Nay như một sự ghi nhận và tri ân của tạp chí với một đồng nghiệp đàn anh tận tụy với nghề và nhiệt tâm đóng góp cho công cuộc nghiên cứu và truyền bá những tri thức lịch sử...”, nhà Sử học Dương Trung Quốc đã khẳng định như vậy.
Với bài viết có tựa đề “Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Công giáo Việt Nam” cho thấy cụ là một người tín hữu suốt đời luôn gắn bó với Giáo hội Công giáo Việt Nam và có lòng yêu nước một cách thiết tha. Ngay từ khi đất nước vừa được độc lập, cụ đã tham gia là Bí thư phụ tá Bộ trưởng kinh tế và được cụ ghi lại trong bài “cụ Hồ đã giải cứu tôi”.
Bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên BTV Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố (nay là Phó Chủ tich Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) thăm cụ Nguyễn Đình Đầu nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/2019) |
Những năm cả nước đấu tranh giành độc lập thống nhất nước nhà, cụ tham gia các hoạt động vì hòa bình, phản đối chiến tranh. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, cụ góp phần mình vào việc hòa hợp hòa giải dân tộc, theo cụ “…trong mọi con người Việt Nam trong những thử thách hiểm nghèo nhất, tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc sẽ giúp ta hành động thuận theo lẽ phải và đại nghĩa”. Đối với người Công giáo Việt Nam, qua cụ, chúng ta có điều kiện hiểu hơn về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và mối quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican với Chính phủ Việt Nam sau năm 1975 cho đến khi có chủ trương “Đổi mới”.
Một trong những vấn đề xã hội được cụ Giuse quan tâm và chi phối những hoạt động của cụ trong suốt cuộc đời làm khoa học là vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo.
Do những công trình nghiên cứu về lịch sử, cụ đã nhận được giải thưởng Trần Văn Giàu (2005), Giải thưởng Nghiên cứu Phan Châu Trinh (2008), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh khen thưởng về những đóng góp trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhiều Bằng khen của Nhà nước ta.
Suốt cuộc đời cụ đã vác Thánh giá theo chân Chúa phục vụ Giáo hội và đất nước. Trong những năm cuối đời, chính ước nguyện theo chân Chúa trong khiêm nhường, tin tưởng, cụ đã được Chúa thương nhận lời cất đi sự đau đớn về bệnh tật phần thân xác. Cụ đã cùng chịu sự thương khó với Đức Kitô cho đến lúc 12 giờ 50 trưa ngày 20/9/2024, Chúa đã đón cụ về nước Người.
Xin vĩnh biệt cụ Giuse rất thân thiết, người cha, người ông, người thân của tang quyến; cũng là người thấy, người lãnh đạo từng đồng hành với chúng tôi trên con đường “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Kính mong cụ hãy mãi an nghỉ trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.