Quang cảnh Hội nghị cộng tác viên báo NCGVN năm 2002. Ảnh: An Kiều |
Tôi còn nhớ rất rõ: Đó là vào những tháng đầu tiên năm 1983, một nhà báo lớn tuổi trước đó cùng làm với tôi ở Ban Thư ký tòa soạn báo Nhân Dân, ông Mai Thanh Hải, bỗng về chơi và rủ: “Chị về làm báo Chính Nghĩa với chúng tôi đi. Sức viết của chị, tôi biết, rất cần cho tờ báo đang đổi thay, mà thiếu người…”. Thật tình, ban đầu tôi lưỡng lự… Tôi đã quen lắm công việc ở một tờ báo lớn - báo Nhân Dân, nơi đào tạo ra tôi, nơi tôi viết những bài báo đầu tiên. Nơi có biết bao kỷ niệm những ngày làm báo thời chiến tranh B52, viết dưới tầm đạn pháo. Cũng từ nơi đây, tôi đã đi chiến trường khu 5 làm phóng viên mặt trận, rồi lại trở về, viết về công cuộc dựng xây đất nước. Tôi đã có những bài báo được ghi danh, một cái tên được đồng nghiệp trân trọng… thay chỗ làm việc thật không dễ!
Như là “định mệnh”, thêm một người nữa thuyết phục tôi chuyển về báo Công giáo. Người đó là ông Vũ Quang, lúc đó là Phó Ban Dân vận Trung ương Đảng, phụ trách vấn đề Tôn giáo. (Lúc ấy tờ báo trực thuộc Ban Dân vận). Thời là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, ông Vũ Quang biết tôi qua những bài báo tôi viết về tuổi trẻ và trí thức khá thuyết phục. Ông bảo: “Chị hãy lấy tinh thần tuổi trẻ, sang “trận địa mới” này xem sao…”.
Ưa khám phá, ưa những vùng đất mới, tôi bắt đầu ngả lòng. Và trong sâu thẳm tiềm thức, có một điều sâu sắc nữa: ấy là nỗi nhớ về cha tôi. Cha tôi quê gốc ở một làng Công giáo thuộc xứ Ngọc Đồng, Hưng Yên. Ông lên Hà Nội làm ăn rồi lấy quê vợ (mẹ tôi) làm nơi sinh sống. Nghe như mẹ kể lại, ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê nhà. Ngày ông mất trước giải phóng Thủ đô khoảng vài tuần, mẹ tôi không đưa được ông về chôn trên đất quê hương như lúc sống ông dặn lại. Mãi sau này, khi cải mộ, mới đưa được ông về quê. Tôi lớn lên, nhớ lời cha dặn, đã tìm về thăm quê. Đó là một cái làng Công giáo nghèo với mái nhà thờ cổ kính, sáng sáng chiều chiều vang lên tiếng chuông ngân. Ông bố già lật đật leo lên gác chuông mỗi buổi chiều chạng vạng. Tôi đã ngồi trên hàng ghế nhà thờ rất lâu mỗi bận về quê và chợt nhói lòng khi nghĩ rằng ngày xưa cha tôi đã ngồi đây, nghe tiếng chuông thánh thót và thả lòng nguyện cầu… Thế mà đời cha vất vả, hơn 40 tuổi ông đã mất. Lúc ấy tôi hơn ba tuổi. Tôi nhớ về cha là nhớ về những ký ức người thân kể lại…
Thế là tôi trở thành phóng viên của tờ báo đạo trong ngạc nhiên của rất nhiều người.
Thôi thì cức cho là số phận đi. Từ một tờ báo lớn, đầy đủ mọi phương tiện làm nghề, tôi về làm một tờ báo khó khăn trăm bề. Tôi còn nhớ lúc đó, quan niệm về những người theo đạo chưa được cởi mở như bây giờ. Một lịch sử nặng nề để lại những hiểu lầm từ cả hai phía. Làm báo đạo đã khổ vì báo nghèo, thiếu thốn mọi bề, lại khổ vì những quan niệm lệch lạc. Chúng tôi là những người làm báo chính hiệu với tinh thần công chính, nhưng sự thật qua phức tạp, nhiều khi rất khó nói. Tệ nhất là khi đến các địa phương, người Công giáo thì tưởng phóng viên là công an; còn một số cán bộ, công an địa phương thì lại nghi ngờ nhà báo, có thái độ “coi chừng” không cung cấp sự thật.vv…
Khổ nữa chính là việc báo quá thiếu thốn về cơ sở vật chất: kinh phí khó khăn, chế độ công tác phí quá “khiêm tốn”, nhuận bút thì quá ít ỏi, gần như không bù được một phần nhỏ công sức và lao động của người cầm bút. Tôi còn nhớ: để hỗ trợ cho các chuyến đi công tác, tôi phải nuôi gà, nuôi lợn. Vài tháng kịp bán một lứa gà hay đôi lợn mới tạm đủ bù đắp cho một chuyến đi xa… (tôi thường đi miền Nam)…
Thế mà rồi cuối cùng tôi cũng đã cùng các đồng nghiệp ở tờ báo này vượt qua tất cả. Lòng yêu nghề và đạo đức nghề nghiệp không cho phép chúng tôi chùn bước. Hàng trăm, hay có thể số nghìn tin tức, bài vở đã đến tay bạn đọc. Cả cuộc đời gần 40 năm làm báo, tôi đã có 20 năm có lẻ làm tờ báo này. Có đủ mọi vui buồn nhưng nhìn lại, thật thanh thản khi thấy mình và nhiều đồng nghiệp là những kẻ “vác Thánh giá” một cách âm thầm, lặng lẽ để hoàn thành cái sứ mạng của một người làm báo chân thành, tử tế, góp một chút nhỏ cho phong trào “người Công giáo đồng hành cùng dân tộc”.
Và ở tờ báo này, các thế hệ nhà báo sau chúng tôi vẫn đang tiếp tục cái công việc thầm lặng đó. Chỉ mong tờ báo được nhìn nhận đúng, đầu tư tốt hơn để các nhà báo được hành nghề một cách xứng đáng.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Thị Sửu