Đồng cảm với những khó khăn, vất vả và sự giá buốt mà anh chị em miền núi đang phải trải qua, trong những ngày đầu năm mới Dương lịch 2011, linh mục Phaolô Nguyễn Văn Thảo cùng với các vị trong Hội đồng mục vụ giáo xứ Đồng Đăng, thuộc giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng đã đến thăm viếng, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt lương - giáo, sinh sống tản mát trong những bản làng vùng biên giới.
Đối với bà con nơi đây, vốn đã sinh ra và lớn lên trên vùng đất này nhưng sự lạnh giá của mùa đông luôn thật khắc nghiệt, bởi đời sống vật chất của họ còn quá sức khó khăn. “Chúng tôi đã đến thăm hỏi những gia đình nằm sâu trong các vùng rừng núi, bước vào những căn nhà đơn sơ nghèo nàn, ngước lên những mái nhà tuyềnh toàng trống trải, chúng tôi cảm nhận dường như cái lạnh giá của núi rừng càng thêm buốt giá” - cha xứ Phaolô chia sẻ với chúng tôi.
Nhắc đến xứ Lạng, hẳn mọi người đều nhớ tới một địa danh đã đi vào trong ca dao, thấm sâu trong tiềm thức của người dân trên đất nước Việt Nam này: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có Chùa Tam Thanh/… Ai lên xứ Lạng cùng anh/”. Thật vậy, nơi thị trấn Đồng Đăng, không chỉ có các địa danh đó, nhưng còn có một điểm nhấn bởi sự sinh động của cộng đoàn Giáo dân Công giáo tại đây. Nhiều chục năm không có nhà thờ, nhà xứ, mọi hoạt động tôn giáo bị ngưng trệ, nhưng anh chị em giáo dân nơi đây vẫn không mai một đức tin của mình. Từ năm 1991, khi diện tích đất đai của ngôi nhà thờ cũ được trưng thu để xây dựng Ga Đồng Đăng, bà con giáo dân dù phải tản đi các giáo xứ lân cận vào mỗi dịp lễ Chúa nhật hay Đại lễ, nhưng niềm Tin và lòng Tín Thác vẫn luôn son sắt, nồng nàn. Từ thế hệ này truyền lại cho các thế hệ sau, đời sống đạo vẫn luôn nhiệt thành. Ngôi thánh đường mới được xây dựng và khánh thành, cung hiến vào tháng 10 vừa qua đã thật sự đánh dấu một mốc son, một bước phát triển mới trong hành trình sống Đức Tin, sống tình huynh đệ Kitô nơi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo xứ Đồng Đăng.
Không chỉ duy trì đời sống đạo tốt đẹp, mỗi người anh chị em trong giáo xứ Đồng Đăng còn luôn ý thức và tích cực sống niềm bác ái Kitô giáo, bằng đời sống quảng đại sẻ chia, nâng đỡ những anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt lương - giáo. Đây thật sự là một điều thật đáng quý, làm nên mẫu gương sống “Tốt đạo - Đẹp đời” mà mỗi người tín hữu luôn theo đuổi. Sống đức tin giữa lòng xã hội hôm nay, để đem những giá trị cao quý của tin mừng phục vụ cho lợi ích chung của anh chị em xung quanh, nhất là trở nên dấu chỉ niềm hy vọng, sự đỡ nâng cho những anh chị em có đời sống khó khăn, bất hạnh.
Xuyên qua những làn sương và tiết trời buốt giá vùng biên giới, mọi người đến thăm hỏi, gặp gỡ và cùng chia sẻ tâm tình với nhau. Những giá trị về vật chất tuy có thể không lớn, nhưng giá trị về tinh thần thì thật đáng trên trọng. Cuộc gặp gỡ không chỉ đơn thuần là để trao tặng những món quà vật chất, nhưng cao quý hơn là đem đến cho những người nghèo những hơi ấm của tình người, của sự liên đới, sẻ chia và yêu mến chân thành từ đáy sâu tấm lòng mình.
Ông Aimoai Hứa Đức Minh thuộc giáo xứ Đồng Đăng cho chúng tôi biết: “Năm nào giáo xứ cũng tổ chức những cuộc thăm viếng này, nó đã trở nên một hoạt động thường xuyên. Mọi người đóng góp tùy theo khả năng của mình để thăm và giúp đỡ những người khó khăn. Mùa đông ở vùng núi Đồng Đăng này lạnh lắm, nhưng bà con sinh sống trong các bản làng ở đây thì đa phần đời sống dựa vào nương rẫy, quần áo, chăn màn không đủ ấm nên mùa đông trở nên thật đáng sợ đối với họ. Chúng tôi đến thăm, để đồng cảm, và đem hơi ấm đến cho họ. Qua đó cũng đem lại cho chúng tôi sự ý thức hơn về tình nghĩa, sự cao quý của tình người và sự ấm áp của tình gặp gỡ…”
Giữa cái buốt giá của mùa đông vùng sơn cước miền biên giới, những sự gặp gỡ, thăm hỏi như vậy thật đáng khích lệ. Tất cả làm nên những nét đẹp về tình bác ái, sự quảng đại và yêu thương nơi mỗi người Giáo dân hôm nay, đó là chứng tá sống động cho Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa giữa lòng thế giới hôm nay./.