Tin tức - Hoạt động

ÐỔI THAY Ở VÙNG QUÊ XỨ ÐẠO

Cập nhật lúc 10:03 21/06/2010

 

Chúng tôi trở lại những vùng quê xứ đạo, đi trên những con đường làng được bê-tông và nhựa hóa thanh bình, thoáng đãng. Thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn, thuộc vùng sâu, vùng xa khó khăn của huyện Phong Ðiền mở đầu phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư bằng việc vận động và tổ chức cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Chủ tịch MTTQ xã Phong Sơn Hoàng Như Khánh, cho biết: Thanh Tân có 175 hộ với hơn 980 khẩu đều theo đạo Thiên Chúa. Những năm về trước, bà con sống chủ yếu bằng nông nghiệp, ruộng canh tác ít, bình quân đầu người không quá 1,5 sào. Ðời sống luôn gặp nhiều khó khăn nên Thanh Tân từng là một làng nghèo nhất, nhì của huyện. Nhưng giờ đây đã qua những ngày khó khăn khi người dân trong thôn được áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng. Bà con vừa cấy lúa, vừa làm hoa màu và chăn nuôi,  với năng suất lúa đạt 50 tạ/ha.  Trong làng còn có hàng chục người chuyên làm nghề thợ xây, gò hàn, buôn bán dịch vụ và gần 90% số hộ làm nghề nón lá truyền thống lúc nông nhàn.
Ông Hồ Văn Minh, một giáo dân của thôn Thanh Tân bộc bạch: "Ngày trước, tôi từng là hộ nghèo do con đông, tàn tật. Bà con đã quyên góp tiền, của cải, cộng thêm sự hỗ trợ hàng chục triệu đồng của chính quyền địa phương và của Linh mục, Hội đồng giáo xứ để xây nhà tình thương. Rồi gia đình tôi được vay vốn, con cái lớn theo đuổi nghề truyền thống là chằm nón  nên cũng có thêm thu nhập và không còn nghèo khó nữa". Không riêng gì thôn Thanh Tân, trong phong trào phát triển kinh tế đã xuất hiện rất nhiều hộ gia đình công giáo ở Thừa Thiên - Huế đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, hằng năm thu lãi  hàng chục triệu đồng trở lên. Giáo dân ở xứ đạo đều được tuyên truyền và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; được vay vốn xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vườn; đồng thời tạo được việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận lao động trẻ bằng ngành nghề truyền thống.
Theo những người dân ở nhiều khu định cư, khi chưa có cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", thỉnh thoảng lại có  tranh chấp xảy ra. Quanh đi quẩn lại vẫn là những chuyện vườn tược, hàng rào, con gà con lợn, rồi rác thải dẫn đến xích mích. Cuộc vận động đã thuyết phục họ bởi các phong trào hoạt động rất thiết thực và cụ thể đối với cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình. Thôn Dương Sơn, xã Hương Toàn (Hương Trà) là vùng dân cư Thiên Chúa giáo toàn tòng, nơi có nhà thờ chánh xứ và đã được đón nhận danh hiệu Làng văn hóa cấp tỉnh từ năm 2005. Ngày trước, đây là vùng đất trũng thuần nông, năng suất lúa chỉ đạt 80 - 90 kg/sào, đời sống đồng bào công giáo ở Dương Sơn gặp nhiều khó khăn. Cả thôn có 279 hộ với hơn 1.160 khẩu. Khi chính quyền địa phương vận động dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất bà con hưởng ứng tích cực. Nhà nhà đều phát triển chăn nuôi lợn và bình quân mỗi hộ có thu nhập hơn 26 triệu đồng/năm. Thậm chí có nhiều hộ xây dựng trang trại theo mô hình đa canh, thu nhập lên đến 250 triệu đồng/năm.
 

 

 

Giáo dân ở giáo xứ Dương Sơn đi lễ tại nhà thờ Chánh Xứ.

 Nhưng cũng từ đó nảy sinh ra vấn đề môi trường. Bác Nguyễn Lâu, Trưởng ban công tác mặt trận thôn cho hay: "Cũng có lúc người dân nuôi lợn để chất  thải ảnh hưởng đến môi trường, rồi vứt rác bừa bãi, nhưng bây giờ đi từ đầu làng đến cuối xóm, trong thời tiết nắng nóng gần 40 độ, mà không thấy "bốc mùi". Bác Lâu nói thêm, ở đây chỉ cần linh mục nói là người dân răm rắp nghe. Chẳng hạn, nếu nhà có đám tang thì không để quá ba ngày, không mê tín dị đoan, không được vứt rác và chất thải bừa bãi. Lần đầu vi phạm thì linh mục nhắc nhở tại cộng đoàn, nếu vẫn tiếp tục tái phạm thì đưa ra khỏi cộng đoàn. Nói mạnh vậy, nhưng chỉ cần nhắc nhở là mọi người nghe ngay. Nhất là từ năm 2000, Dương Sơn đã xây dựng quy ước làng văn hóa, với những quy định cụ thể trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình và xã hội, việc cưới, việc tang, an ninh trật tự, vệ sinh xóm làng... thì bà con đều thực hiện theo phương châm "nhà nhà hòa thuận, xóm làng yên vui".
Mấy năm về trước, tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp, nhất là số thanh thiếu niên lầm lỗi, uống rượu say gây rối trật tự, đánh nhau gây thương tích, nạn trộm cắp, cờ bạc, vi phạm an toàn giao thông thường xuyên diễn ra. Một số ít thanh niên còn đua đòi, túng tiền thì trộm cắp tài sản trong nhà và xóm giềng. Hơn nữa, do nhiều đơn vị đến sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nên đã gây ra nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện, gây bức xúc trong nhân dân và tín hữu. Nhưng đó cũng là chuyện của ngày trước. Ðến Giáo xứ Nguyệt Biều, phường Thủy Biều (TP Huế) bây giờ, làng xóm sạch sẽ, phong quang. 17 tuyến đường liên thôn, xóm đã được bê-tông hóa, thay thế những con đường đất đá, bùn lầy trước kia. Ngôi nhà thờ khang trang được giáo xứ, bà con trùng tu, cải tạo, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, nghi lễ như đã ăn sâu vào đời sống của bà con giáo dân nơi đây. Chúng tôi đến nhà chị Mai Thị Thanh ở tổ dân phố Ðông Phước II (Thủy Biều) lúc gia đình chị đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Chị Thanh là một giáo dân của Giáo xứ Nguyệt Biều. Hai vợ chồng chị đều là công nhân ngành xây dựng. Ba năm trước, chẳng may chị bị tai nạn lao động dẫn đến chấn thương sọ não. Những đứa con của chị còn quá nhỏ, chị lại là lao động chính trong nhà, nhưng mất khả năng lao động nên gia đình chị thành hộ nghèo. Chị Thanh nhớ lại: "Lúc mình gặp khó khăn nhất, bà con trong thôn, rồi chi hội phụ nữ, chi bộ và giáo xứ ở đây đã vận động, quyên góp hỗ trợ gia đình vượt qua nguy nan. Giờ tôi đã ổn định và nguyện sẽ sống tốt hơn để trả ơn cuộc đời theo lời răn của Chúa...". Ðiều này cũng được ông Tôn Thất Ðào, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều xác nhận, không chỉ những giáo dân nghèo như chị Thanh được hỗ trợ, phần lớn học sinh là con em giáo dân của phường cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Hội đồng giáo xứ, linh mục quản xứ... hỗ trợ kịp thời, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường, yên tâm học tập và hạn chế tình trạng thanh niên chơi bời, lêu lổng.
Tại Thủy Biều, Hội đồng giáo xứ, họ đạo và bà con giáo dân cũng như linh mục quản xứ đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng thôn, làng văn hóa. Ðó là các chủ trương, chính sách của Nhà nước được tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả với tinh thần "Kính Chúa, yêu nước", nhất là việc xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Ở nơi đây, kể từ khi khu dân cư đăng ký xây dựng làng văn hóa (năm 2002) thì đã có nhiều chuyển biến tích cực về vật chất lẫn tinh thần. Tổ trưởng khu dân cư Trung Thượng Hoàng Trọng Lịch cho hay: "Người dân trong thôn luôn có ý thức xây dựng nếp sống văn hóa. Chuyện xích mích nhau, cờ bạc, rượu chè không còn; tình làng nghĩa xóm, đoàn kết lương - giáo, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong ốm đau, hoạn nạn hoặc những lúc qua đời được mọi người quan tâm". Nghe có vẻ đơn giản, nhưng những cuộc vận động của chính quyền địa phương và Hội đồng giáo xứ đã đem lại kết quả khả quan. Các vụ việc trong thôn xóm được giải quyết bằng phương pháp hòa giải tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Ðiều đặc biệt ở các giáo xứ mà chúng tôi đến, khi nhắc đến chuyện xây dựng "gia đình văn hóa" thì hầu như các giáo dân đều nói về phong trào xây dựng gia đình "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ, mạnh khỏe, hạnh phúc''. Các gia đình công giáo đã giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần những yếu tố lỗi thời, lạc hậu hình thành nếp sống văn minh, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số ngày càng được đồng bào công giáo nhận thức sâu sắc, xem đó là yếu tố cơ bản để xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Chủ tịch MTTQ Thừa Thiên - Huế Trần Phùng, cho biết: Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân được các giáo xứ, họ đạo trên địa bàn thực hiện khá tích cực. Nhờ đó, đồng bào công giáo đã phát huy được quyền làm chủ của mình trong việc bàn bạc, quyết định những công việc chung như: đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi; xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa; xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội, không có người sinh con thứ ba trở lên, lồng ghép bảo vệ môi trường... Nhìn chung, các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, khu dân cư tiên tiến và xây dựng nông thôn mới ở các xứ, họ đạo đã và đang thực hiện có hiệu quả, góp phần xây dựng, giữ gìn và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Nguyễn Công Hậu - Báo Nh
Thông tin khác:
Kinh Truyền tin ngày 21-6-2010, ĐTC nhấn mạnh đến vai trò của các Tân Linh Mục (21/06/2010)
Khánh thành Nhà thờ Giáo Họ Đồng Pháp, Giáo xứ Nhân Nghĩa, Giáo Phận Hải Phòng (21/06/2010)
Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục - Giáo Phận Vinh, 19/6/2010 (21/06/2010)
LỄ RA MẮT CARITAS ĐÀ NẴNG (18/06/2010)
Thánh lễ tấn phong Giám mục Phụ tá Gioan Maria Vũ Tất (16/06/2010)
Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân thăm mục vụ giáo dân miền Hà Giang (14/06/2010)
Bầu Cử Hội Đồng Linh Mục và Lễ Thánh Tâm - Bế Mạc Năm Linh Mục tại TGP Hà Nội. (14/06/2010)
Linh mục giáo phận Lạng Sơn tham dự chương trình bế mạc Năm Linh Mục tại Rôma (11/06/2010)
Tổ chức Linh mục vì Hòa bình quyên góp vì Cuba (08/06/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log