Bảo Lâm là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người sinh sống (mật độ 71 người/km2). Kể từ năm thành lập 1994, đến nay toàn huyện có 7 giáo xứ, 6 giáo họ với 42.252 giáo dân/107.56 người, trong đó trên 40% khu dân cư có đông đồng bào Công giáo.
Những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền cơ sở đối với huyện vùng sâu vùng xa, đồng bào Công giáo Bảo Lâm đã tích cực góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của huyện nhà. Tiêu biểu có thể kể đến hoạt động của người dân giáo xứ Tân Rai, Lâm Phát, Quảng Lâm nhiều vị linh muc đã kết hợp với ngành khuyến nông giúp bà con ươm chè cành mẫu, tập cho đồng bào dân tộc tự ươm giống cây, từng bước chuyển đổi cây trồng, thay đổi thói quen chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi chuồng trại, không để gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống. Đây là kết quả vận dụng kết quả khoa học kỹ thuật, đầu tư cho nông nghiệp nhằm tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.
Ở B’ơr, Đức Giang, Lộc Đức là những nơi có thế mạnh về cây cà phê nhưng do điều kiện khó khăn nên nhiều hộ gia đình đã bán diện tích đất nông nghiệp, dẫn đến mất đất sản xuất, cuộc sống lâu dài không ổn định. Trước tình hình đó, các vị linh mục quản xứ một mặt động viên bà con không vì lợi ích trước mắt mà bán đất, mặt khác phối kết hợp với chính quyền giúp đỡ các gia đình nghèo, nhất là những hộ từ miền bắc mới chuyển vào vùng kinh tế mới, giúp các hộ vay vốn ngân hàng để đầu tư, giúp con em đồng bào được học nghề và xin việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai.
Những việc làm này thời gian đầu cũng rất khó khăn một phần do điều kiện tự nhiên- xã hội, thời tiết khô hạn, giá nông sản bấp bênh, có thời điểm giá bán xuống thấp hơn nhiều so với giá đầu tư; một phần do tập tính sinh hoạt của người dân nơi đây, song với lòng kiên trì và quyết tâm xóa cái đói, cái nghèo, cái bệnh mà đồng bào Công giáo cũng như các vị chủ chăn, chính quyền địa phương đã quyết tâm phấn đấu đưa nền kinh tế của Bảo Lâm từng bước giảm bớt sức ép đói nghèo trong cộng đồng dân cư.
Đi đôi với việc phát triển kinh tế, người Công giáo Bảo Lâm ý thức rõ tinh thần yêu thương và phục vụ của con cái Đức Kitô. Thông qua các buổi rao giảng tại nhà thờ, nhiều vị linh mục đã động viên, khuyến khích cộng đồng giáo dân hãy yêu người như Chúa yêu, phát huy truyền thống đoàn kết tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
Trong tinh thần ấy, vào dịp cuối năm 2009, đồng bào Công giáo xã Lộc Đức đã ủng hộ người nghèo 60 phần quà trị giá 6.000.000đ; giáo xứ Tân Rai cứu đói bằng 15 tấn gạo; giáo họ Minh Rồng hiến tặng 500m2 đất xây dựng nhà trẻ B’Keh (thôn 4- xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm); giáo xứ Quảng Lâm thăm hỏi, tặng quà cho người già lên tới 10.000.000đ; giáo xứ Lâm Phát huy động 40 bao quần áo tặng đồng bào nghèo, giúp làm lại 02 căn nhà bị cháy, mai táng 03 người không có thân nhân, tặng 40kg thuốc cho Hội Chữ Thập đỏ… Bình quân mỗi năm các giáo xứ, họ đạo trong huyện vận động quyên góp, ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo của địa phương từ 150 đến 180 triệu đồng.
Bên cạnh đó, thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, khắp các thôn bản, giáo xứ trên toàn huyện bà con giáo dân luôn quan tâm giáo dục con cái hiếu thảo, lễ phép, động viên các thế hệ đoàn kết cùng nhau xây dựng cộng đồng, phát huy vai trò của người cao tuổi, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình gương mẫu, cháu con thảo hiền; động viên, nhắc nhở con em đến trường. Hỗ trợ hoạt động giáo dục, giáo xứ Tân Rai hàng năm giúp sách vở, quần áo và một phần học phí cho 400 em học sinh dân tộc từ lớp 1 đến lớp 12; giáo xứ Quảng Lâm vận động cấp 200 lít nước khoáng cho thấy cô giáo, xây dựng 01 phòng học trị giá 26.000.000đ, giáo xứ Lâm Phát cho mượn 06 phòng học; đặc biệt, linh mục Trần Đức Thành đã quyên góp viện trợ hiến tặng đất xây dựng 04 trường mầm non tại B’Keh, Lộc Phú, Minh Rồng, B’Lá; đóng góp xây dựng trường tiểu học Minh Rồng và trao tặng 01 thư viện với tổng kinh phí lên tới hơn 2 tỷ đồng.
Những hoạt động nhân đạo ấy vẫn đang ngày đêm diễn ra thầm lặng với lòng yêu thương tha nhân sâu sắc và tinh thần trách nhiệm cao cả, là minh chững cho hoạt động của xứ họ đạo “đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, sống tốt đời đẹp đạo”.
Xác định rõ mục tiêu một giáo xứ mạnh là một giáo xứ không chỉ quan tâm xóa đói giảm nghèo, không chỉ yêu thương giúp đỡ đồng loại mà còn biết đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của con người. Thật vậy, nền kinh tế của Bảo Lâm những năm gần đây có bước phát triển mới, song không tránh khỏi những mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là ở một huyện vùng sâu, vùng xa- nơi mà trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp với yếu tố nhạy bén của thị trường- Do đó, thông qua các vị linh mục phân tích, động viên đồng bào Công giáo xây dựng lối sống lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội, giải quyết hòa giải trên cơ sở tình làng nghĩa xóm khi có mâu thuẫn xảy ra; nhắc nhở các hộ kinh doanh trong linh vực thông tin văn hóa như băng đĩa, karaoke… không vi phạm quy định của Bộ Văn hóa Thông tin; cử hành các nghi thức tôn giáo trang nghiêm, tiết kiệm; không nghe, không tin những phần tử xấu xuyên tạc chính sách dân tộc của Đảng, cảnh giác trước mọi hành vi lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; không bị giao động trước những biến động của đồng bào Tây Nguyên, yên tâm sản xuất, xây dựng buôn làng ngày càng phát triển và tiến bộ.