1 - Đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo
Mặc dầu luôn phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại do thiên tai và thời tiết bất thường nhưng đồng bào Công giáo khắp các xứ, họ đạo vẫn không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, đạt thành tích và sản lượng lương thực cao, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề lương thực phục vụ đời sống, tăng sản lượng có chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Nhiều địa phương có đông đồng bào Công giáo làm ăn sinh sống đã phát huy được tiềm năng, kinh nghiệm và áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh, đổi mới giống cây trồng, con vật nuôi nên nhiều năm liền đã giữ được lá cờ đầu trong phát triển sản xuất, đầu tư thâm canh. Điển hình là các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng (Nam Định), Đông Hưng, Hưng Hà (Thái Bình) và một số vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và Tây Nguyên... Nhất là, tại các tỉnh Tây Nguyên, sau những năm sản phẩm cây cà-phê gặp khó khăn về giá cả, bà con giáo dân ở nhiều nơi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất những mặt hàng cho thu nhập khá.
Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, từ nhiều năm qua, đồng bào Công giáo có những biện pháp hữu hiệu giúp nhiều gia đình khó khăn vươn lên thoát đói nghèo. Đồng bào đã tìm tòi, khai thác, mở mang nhiều ngành nghề truyền thống, làm dịch vụ phục vụ đời sống. Hưởng ứng chủ trương của Nhà nước và các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội, nhiều dòng tu trên địa bàn cả nước đã góp phần tích cực và có hiệu quả vào công tác xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức các lớp hướng nghiệp, các lớp dạy nghề cho lớp trẻ. Ở các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai, Lâm Đồng... nhiều cơ sở sản xuất của các dòng tu do chính chị em các nữ tu sĩ phụ trách luôn hoạt động có hiệu quả, thu hút và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động là nam nữ thanh niên, không phân biệt tôn giáo. Gần đây, hưởng ứng cuộc vận động đóng góp xây dựng quỹ "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, được các cấp Mặt trận Tổ quốc các địa phương triển khai, giới Công giáo trên địa bàn cả nước đã nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều tòa Giám mục, các cơ sở dòng tu, giáo xứ, họ đạo và cá nhân các Đức Giám mục, các vị linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân đã tự nguyện đóng góp với số tiền lớn xây dựng quỹ tại địa phương. Công tác chăm lo cho người nghèo là một trong những công việc thường xuyên được đồng bào Công giáo quan tâm với trách nhiệm cao không phải chỉ do công tác vận động, tuyên truyền của các đoàn thể xã hội mà còn xuất phát từ những đòi hỏi của Đức ái Tin Mừng.
Vươn lên trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo đạt hiệu quả, phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một nội dung của phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo. Nhiều vùng Công giáo trước đây vốn còn nhiều khó khăn, nay tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo do hoàn cảnh khó khăn chiếm tỷ lệ ngày càng nhỏ. Do đó, đồng bào Công giáo càng có điều kiện thuận lợi hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, cùng cộng đồng trên mỗi địa bàn dân cư đóng góp xây dựng cuộc sống ngày thêm "Tốt đời đẹp đạo".
2 - Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa mới, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội
Những năm qua, giới Công giáo trong cả nước có nhiều hoạt động thiết thực, gắn bó và thể hiện trách nhiệm của mình cùng đồng bào cả nước từng bước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ nhận thức về trách nhiệm và bổn phận người Ki-tô hữu trước vận mệnh của dân tộc, đồng bào Công giáo Việt Nam với truyền thống đoàn kết, đã luôn cùng với các tầng lớp nhân dân trên các địa bàn dân cư, đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống mới.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trên lĩnh vực này, trong nhiều năm qua, nhất là năm 2003, ở các địa phương, đồng bào Công giáo tìm tòi nhiều hoạt động, xây dựng được mô hình hiệu quả, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên con em trong các gia đình Công giáo có thêm điều kiện trong học tập. Một trong những hoạt động mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ công tác giáo dục tại mỗi địa phương là: ở đâu bà con giáo dân cũng đóng góp hàng vạn ngày công, ủng hộ hàng chục, hàng trăm triệu đồng vào việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới các cơ sở trường lớp. Quan tâm tới công tác này, nhiều Đức Giám mục trong các giáo phận, các vị linh mục, nam nữ tu sĩ trong các cơ sở dòng tu đã trực tiếp tham gia, đóng góp công sức, vận động giáo dân và ủng hộ tiền bạc trong việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục; đồng thời, cùng với chính quyền và ngành giáo dục địa phương đứng ra thành lập các trường mầm non, các lớp dân lập và các lớp học tình thương, thu hút đông đảo các em tới trường. Nhiều cơ sở giáo dục và các trường lớp mầm non do đồng bào Công giáo đảm trách luôn được đánh giá là những đơn vị dạy và học có chất lượng, đạt kết quả và thành tích cao trong công tác, học tập và rèn luyện. Điển hình là các Trường Khuyết tật tình thương Mỹ Lâm (tỉnh Kiên Giang), Trường Mẫu giáo Măng Non (thành phố Đà Nẵng), Trường Dân lập Hùng Vương Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), Trường Mầm non tư thục Sao Mai và Sao Biển (tỉnh Bình Định). Trường Mầm non tư thục Sao Mai tỉnh Bình Định do các nữ tu phụ trách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Nhằm hỗ trợ các cháu có hoàn cảnh khó khăn, cho đến nay, nhiều xứ, họ đạo trong các giáo phận trên cả nước đã thành lập "Quỹ Khuyến học", tổ chức các hoạt động phong phú, kịp thời hỗ trợ các cháu nghèo vươn lên, kịp thời khen thưởng và động viên các cháu có nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện.
Tham gia các hoạt động xã hội, đồng bào Công giáo ở các địa phương trên cả nước thời gian qua đã dành sự quan tâm thiết thực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều tỉnh và thành phố đã phát động và duy trì tốt các phong trào "Người tốt việc tốt", xây dựng xứ họ đạo gương mẫu, gia đình Công giáo tiên tiến, xuất sắc... Trong nội dung của các phong trào thi đua, việc xây dựng đời sống văn hóa mới tiên tiến, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và phong tục tập quán tại mỗi địa phương luôn được coi là những tiêu chí quan trọng trong việc bình xét, biểu dương khen thưởng những cá nhân, gia đình Công giáo. Hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhiều địa phương đã có những sáng kiến hay, đề ra những nội dung, tiêu chuẩn cụ thể, gắn với đời sống, vận động từng gia đình giáo dân phấn đấu thực hiện để đạt các danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Ấp văn hóa", "Khu dân cư văn hóa". Nhờ đó, năm 2003, nhiều xứ, họ đạo, nhiều gia đình giáo dân trên các địa bàn dân cư đạt danh hiệu "Xứ họ đạo gương mẫu, gia đình Công giáo tiên tiến" được chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành chức năng biểu dương, khen thưởng. Phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo" do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động tiếp tục được các tỉnh, thành phố triển khai trong đồng bào Công giáo. Đến nay, những nội dung thi đua của phong trào ngày càng đi vào đời sống đồng bào Công giáo ở khắp các giáo xứ và họ đạo.
Thời gian qua, mặc dầu các tệ nạn xã hội diễn ra phức tạp, nhưng ở nhiều vùng Công giáo, nhiều xứ, họ đạo do thực hiện tốt các nội dung xây dựng đời sống văn hóa nên đã giảm thiểu được tình trạng trên. Trước những thách thức mới từ thực tế cuộc sống trong cơ chế thị trường, giới Công giáo nói chung đã có nhiều hoạt động cụ thể, hướng lớp trẻ vào các sinh hoạt đạo đức. Nhiều địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh, thu hút đông đảo nam nữ thanh niên tham gia, do đó đã hạn chế hữu hiệu các biểu hiện tiêu cực. Thực hiện phong trào quần chúng giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc, nhiều xứ họ đạo, nhiều gương người Công giáo tiêu biểu có thành tích trong thực hiện "Phong trào phòng chống, đấu tranh với tội phạm" đã được các cấp, các ngành biểu dương khen ngợi. Tham gia vào các hoạt động xã hội, thể hiện niềm tin tôn giáo bằng các sinh hoạt cụ thể trong đời sống xã hội, theo tinh thần Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã trở thành một thực tế sinh động của đồng bào Công giáo cả nước. Các hoạt động xã hội đó đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhân dân cả nước thực hiện công cuộc đổi mới và tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3 - Đẩy mạnh công tác từ thiện, bác ái và "Phong trào Chăm sóc người có công với đất nước"
Xuất phát từ niềm tin Ki-tô giáo, thể hiện nếp sống đạo tình thương và phát huy truyền thống nhân ái ngàn đời của dân tộc, thời gian qua, đồng bào Công giáo cả nước đã có những đóng góp to lớn trong công tác từ thiện bác ái. Thông qua phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội, ở nhiều địa phương, đồng bào Công giáo đã tự nguyện đóng góp với số tiền lớn giúp vào việc chăm lo cho người nghèo, người cơ nhỡ, bất hạnh và những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình triển khai, vận động đồng bào Công giáo thực hiện phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo", nhiều tỉnh, thành phố đã chọn và thực hiện những nội dung phù hợp với giới Công giáo. Nổi bật là công tác từ thiện bác ái. Kết quả cho thấy, nhiều địa phương, bà con giáo dân luôn có các hoạt động phong phú trong công tác đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, trợ cấp các bệnh nhân nghèo, trẻ mồ côi lang thang, cơ nhỡ, người già cô đơn không nơi nương tựa. Nhiều cơ sở dòng tu, nhiều linh mục đã trực tiếp tổ chức các hoạt động, thành lập các cơ sở chăm lo cho người nghèo, người bệnh, trẻ em khuyết tật. Với tinh thần "Yêu thương và phục vụ", thời gian qua, thông qua các hoạt động từ thiện bác ái, nhiều xứ, họ đạo trên địa bàn cả nước đã xây dựng "Quỹ Tình thương", nhiều ngôi "nhà tình thương" được trao tặng cho người có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào "lon gạo tình thương", "nồi cháo không bao giờ cạn" nhằm giúp bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện luôn được duy trì đều đặn ở nhiều nơi. Các phòng khám nhân đạo từ thiện, các đợt tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa luôn là những hoạt động sôi nổi ở nhiều xứ họ. Các hoạt động phong phú, đa dạng vì tình yêu thương đó thực sự mang lại niềm an ủi, chia sẻ phần khó khăn cho những hoàn cảnh cơ nhỡ bất hạnh.
Thể hiện đạo lý và truyền thống nhân ái ngàn đời của dân tộc trong việc quan tâm, chăm sóc người có công với đất nước, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện, đồng bào Công giáo cả nước luôn có những hoạt động thiết thực thể hiện tình cảm, trách nhiệm và lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì hạnh phúc của đồng bào. Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây", giáo dân trong khắp các giáo xứ, họ đạo cả nước đã tích cực tham gia, đóng góp cho phong trào "Đền ơn đáp nghĩa". Ở nhiều địa phương, đồng bào Công giáo đã đóng góp hàng tỉ đồng vào "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa", xây dựng hàng trăm "căn nhà tình nghĩa" tặng các đối tượng chính sách còn gặp khó khăn, kể cả những nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Tùy hoàn cảnh và điều kiện của mỗi địa phương, các hoạt động của giới Công giáo hết sức phong phú và đa dạng. Năm 2003 vừa qua, một số tỉnh khu vực miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhiều gia đình chính sách vốn đã khó khăn lại tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thử thách mới. Với tấm lòng nhân ái và trách nhiệm, giáo dân ở nhiều nơi đã tự giác quyên góp tiền và đồ dùng thiết yếu gửi tặng đồng bào gặp khó khăn. Nhiều cơ sở dòng tu, giáo xứ và họ đạo đã tổ chức các đoàn tới vùng lũ thăm hỏi, tặng quà. Phong trào tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa" cho các gia đình liệt sĩ, thương binh và nhận chăm sóc nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các mẹ liệt sĩ từ những năm trước đây, được đồng bào Công giáo ở nhiều địa phương phát triển không ngừng. Vào các dịp lễ tết, nhất là hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, các hoạt động thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách luôn được đồng bào Công giáo cả nước quan tâm.
Với tinh thần trách nhiệm gắn bó với vận mệnh của quê hương, đất nước, hòa nhập với phong trào cách mạng chung của nhân dân cả nước, trong những năm đầu của thiên niên kỷ mới, Đại hội đại biểu lần thứ IV "Những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" đã đề ra nhiệm vụ cho phong trào Công giáo yêu nước và hoạt động của Ửy ban Đoàn kết Công giáo những năm tiếp theo nhằm cùng toàn dân đưa Nghị quyết Đại hội IX của Đảng vào cuộc sống. Phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo cả nước và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo các địa phương đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1- Phát huy truyền thống yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo. Tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo trong khắp các giáo xứ, họ đạo thực hiện ngày càng có hiệu quả phong trào thi đua "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo" do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động với 10 nội dung cụ thể, kết hợp với thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và phong trào thi đua yêu nước được các địa phương triển khai.
2 - Trong quá trình triển khai các nội dung phong trào thi đua yêu nước trên các địa bàn dân cư, cần tập trung vào những vấn đề mà giới Công giáo có điều kiện thực hiện tốt hoặc những vấn đề bức xúc tại địa phương cần được triển khai theo hướng tích cực. Nội dung trọng tâm bao trùm là vận động đồng bào Công giáo tích cực thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, phát huy tinh thần bác ái trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, gắn với công tác đền ơn đáp nghĩa. Tích cực tham gia các hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội và các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người cơ nhỡ, bất hạnh.
3 - Nhằm đáp ứng những đòi hỏi từ thực tế các phong trào thi đua yêu nước, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; từng bước tháo gỡ những khó khăn; thường xuyên quan tâm đến đời sống tinh thần cũng như vật chất của đồng bào Công giáo. Trên cơ sở đó, làm tốt chức năng, nhiệm vụ cầu nối giữa đồng bào Công giáo với Nhà nước; kịp thời và có trách nhiệm phản ánh tâm tư nguyện vọng của mọi giới đồng bào Công giáo và kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm kịp thời giải quyết, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mỗi địa bàn dân cư.
4 - Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giữ mối liên hệ thường xuyên giữa Ủy ban Đoàn kết Công giáo ở Trung ương với các địa phương; bảo đảm chế độ báo cáo thường xuyên và định kỳ giữa địa phương với trung ương về tình hình phong trào thi đua yêu nước và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo; duy trì công tác thông tin, trao đổi kinh nghiệm và phản ánh các hoạt động của phong trào một cách kịp thời.
Lm. Phan Khắc Từ