Tăng cường đầu tư hạ tầng, giảm nghèo nhanh
Thông tin về việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 tại tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết: tổng nguồn vốn trung hạn Quảng Nam thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 hơn 6.251 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ gần 4.518 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 1.733 tỷ đồng. Năm 2023, vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phân bổ cho tỉnh Quảng Nam hơn 782 tỷ đồng.
Hạ tầng giao thông tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam được quan tâm đầu tư |
Qua hơn 2 năm triển khai các chương trình, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi Quảng Nam, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn đã được tăng cường đầu tư. Diện mạo nông thôn và miền núi thay đổi một cách căn bản, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, phát triển theo quy hoạch. Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu trong các chương trình đề ra trong 2 năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đều cơ bản bảo đảm theo kế hoạch. Theo đó, hàng nghìn hộ gia đình đồng bào được hưởng lợi, được tạo sinh kế bền vững.
Công tác giảm nghèo được Quảng Nam quan tâm với các giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nguồn lực và thực trạng nghèo của từng địa phương. Tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh trong những năm gần đây đạt và vượt mục tiêu đề ra hằng năm. Cụ thể, năm 2021 giảm 3.156 hộ nghèo/2.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu giao, vượt 158% so với kế hoạch; năm 2022 giảm 3.981 hộ nghèo/3.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu giao, vượt 132,7% so với kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4,67%...
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng thực tế tại Quảng Nam cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Theo đó, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn còn thấp do cuối năm 2022 trung ương, tỉnh mới cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện các chương trình giai đoạn 2021 – 2025. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu sâu sát, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có nơi chưa chặt chẽ; một số chỉ tiêu thực hiện còn chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo ở 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao còn thấp; một số chỉ tiêu, tiêu chí mới chạm ngưỡng, thậm chí sau đánh giá còn bị rớt chuẩn; việc triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực thực hiện các chương trình còn hạn chế…
Đầu tư phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam, để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 12 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, định hướng một số dự án quan trọng tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua các địa phương, đơn vị cơ bản hoàn thành triển khai nhiệm vụ, tổ chức thực hiện tốt các chính sách đang có hiệu lực.
Tuyến đường giao thông rút ngắn khoảng cách giữa 2 vùng Đông- Tây tỉnh Quảng Nam. |
6 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước của 9 huyện miền núi đạt 882 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,65 triệu đồng/năm, tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2020 và gấp đôi so với năm 2016. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,64%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48,21%; có 32/93 xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, có 97% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,73%...
Các địa phương và đồng bào các DTTS đã có nhiều cố gắng, phát huy tính tự lực tự cường phấn đấu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh, của huyện đề ra. “Ngay từ đầu năm 2023, tỉnh đã bố trí hơn 2.022 tỷ đồng để tập trung đầu tư vào khu vực miền núi; trong đó hơn 328 tỷ đồng thực hiện các cơ chế chính sách, nghị quyết của HĐND tỉnh, chưa kể các chương trình mục tiêu quốc gia" – Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam thông tin.
Sau thời gian triển khai, nhiều chính sách đầu tư phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển miền núi. Bên cạnh kiên cố hóa hệ thống giao thông kết nối phát triển hạ tầng giao thông vùng nguyên liệu, việc hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung được chú trọng.
Các dự án phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam; phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại... đạt nhiều kết quả khá khả quan.
Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội miền núi vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội miền núi phát triển vẫn còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực; đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra. Kết cấu hạ tầng mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và phục vụ dân sinh.
Ngoài ra, do nhu cầu đầu tư hạ tầng lớn, đặc biệt là hạ tầng tái thiết sau thiên tai và hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, tính đồng bộ, kịp thời trong thực hiện chính sách DTTS, phát triển kinh tế - xã hội miền núi đôi lúc còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ cơ sở ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu...
Để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tại địa bàn các huyện miền núi tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội, kêu gọi đầu tư. Tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tiếp cận các nguồn vốn, kể cả vốn vay ODA để ưu tiên đầu tư cho miền núi, nhất là đầu tư các tuyến giao thông kết nối.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều đề án, chính sách ưu tiên, tập trung nguồn lực và các giải pháp cho sự phát triển của vùng DTTS và miền núi. Nhờ đó, giúp vùng Tây của tỉnh có động lực phát triển, làm thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, qua thực tế, vùng miền núi của tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Do vậy, cần phải có những giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng Tây trong thời gian tới, nhất là về hạ tầng giao thông, các mô hình phát triển sản xuất gắn với sắp xếp, bố trí dân cư miền núi...