Đồng bào Công giáo đã đầu tư đúng, đầu tư trúng vào các ngành nghề có thế mạnh ở địa phương; áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đa dạng hóa các mô hình kinh tế trang trại, các loại hình kinh doanh... để phát triển kinh tế. Với gần 1.300 hộ gia đình có mô hình kinh tế đã hình thành những ngành nghề mũi nhọn, đem lại thu nhập cho mỗi gia đình từ 35 đến 100 triệu đồng/ năm, góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Công giáo. Tiêu biểu như giáo dân giáo họ Ninh Dương (Móng Cái) khai thác thế mạnh công nghiệp đóng thuyền và đò sắt phục vụ vận chuyển hàng hóa. Giáo dân khu Nam Thọ (xứ Trà Cổ, Móng Cái) đã phát huy được lợi thế của địa phương, mạnh dạn đầu tư kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải trí. Giáo dân ở giáo họ Sông Khoai (Yên Hưng) thực hiện chuyển đổi gần 100ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Giáo dân xứ Đông Khê, Mạo Khê (Đông Triều) phát triển mô hình trang trại vườn cây ăn quả kết hợp mở rộng chăn nuôi gia súc…
Cùng với phát triển kinh tế, các xứ đạo luôn quan tâm thực hiện các nội dung thi đua văn hóa đã được cụ thể hóa bằng các hương ước, quy ước ở thôn, xóm, khu dân. Qua đó phát huy được bản sắc văn hóa của các gia đình Công giáo trong việc nuôi dạy con cái về trí thức và đạo đức, đồng thời nhân lên những giá trị nhân bản trong đạo Công giáo. Việc phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, sinh sản có trách nhiệm cũng được quan tâm thường xuyên. Các xứ đạo đã xây dựng các quỹ khuyến học, khuyến tài với số tiền hàng trăm triệu đồng. Số học sinh là người Công giáo thi đỗ các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng nhanh. Đến nay có gần 90% số hộ gia đình Công giáo ở Quảng Ninh được công nhận gia đình văn hóa..
Hoạt động nhân đạo từ thiện là việc làm thường xuyên và truyền thống của giới Công giáo. Tính riêng trong năm 2009, giáo dân các xứ đạo trong tỉnh đã quyên góp ủng hộ các quỹ gần 350 triệu đồng. Tính chung trong 5 năm từ 2005 - 2010, đồng bào Công giáo ở Quảng Ninh đã ủng hộ trên 1,5 tỷ đồng, 23 tấn gạo, cùng nhiều vật chất khác, góp phần làm vơi đi những khó khăn cho người bị thiên tai, người nghèo bất hạnh. Ở giáo xứ Trà Cổ, giáo dân ủng hộ 1 tấn gạo giúp đỡ người nghèo nhân dịp tết Nguyên Đán. Linh mục Đa minh Nguyễn Chấn Hưng (giáo xứ Hòn Gai) dành 200 triệu đồng của cá nhân gửi tiết kiệm lấy lãi để hằng năm tặng quà cho trẻ em và người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Các linh mục ở các xứ đạo Trà Cổ, Đông Khê, Yên Trì, Cẩm Phả hằng năm đều dành hàng chục triệu đồng ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương.
Nhiều giáo dân còn tham gia vào tổ hòa giải, tổ tự quản về an ninh trật tự, phối hợp giúp chính quyền phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Ở giáo xứ Mạo Khê (huyện Đông Triều), qua tham gia các tổ hoà giải và tổ bảo vệ dân phố, giáo dân trong xứ đã giải quyết hiệu quả tại cơ sở hàng trăm vụ xô xát, tranh chấp đất đai. Tại khu vực biên giới Móng Cái, 98% bà con giáo dân xứ Trà Cổ cam kết không tham gia buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hoá và các hành vi vi phạm pháp luật khác, đồng thời cung cấp thông tin và tích cực phối hợp với lực lượng biên phòng, công an duy trì tuần tra kiểm soát để đảm bảo an ninh trật tự. Ở giáo xứ Yên Trì, một xứ đạo đông giáo dân nhất tỉnh, có nhiều người trong Hội đồng giáo xứ tham gia tổ hòa giải, mỗi giáo họ trong xứ Yên Trì đều có một tổ hòa giải do những người giáo dân có uy tín, phẩm chất tốt tham gia nhằm góp phần giải quyết tốt các mâu thuẫn và bất hòa ngay tại cơ sở. Mười năm liền Yên Trì luôn đạt danh hiệu xứ đạo tiên tiến.