Tin tức - Hoạt động

Quê hương và những kỉ niệm mùa xuân

Cập nhật lúc 09:12 02/02/2017
Tôi là người con xứ Nghệ xa quê ngàn vạn dặm vào Tây Nguyên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từng học tập công tác trong ngành giáo dục từ hơn 30 năm nay.
Xa quê hương, nhớ thương là lẽ thường tình, nhất là khi nơi “chôn rau cắt rốn” còn bố mẹ già chiếc bóng sớm hôm. Cũng như bao người con xa quê, tôi từng mong ước được về thăm quê hương gia đình trong những ngày Tết đến, xuân về. Nhưng vì nhiều lẽ, trước hết là do điều kiện công tác (ngành giáo dục chỉ cho nghỉ phép năm trong mấy tháng hè, ngoại trừ trường hợp đặc biệt mới được nghỉ phép Tết); Vả lại, đời sống nhà giáo, đồng lương ít ỏi, xe cộ đi lại (nhiều năm trước đây) ngày Tết càng đắt đỏ, đành lỗi hẹn...
Quê hương! Hai tiếng thiêng liêng ấy càng da diết, thấm thía hơn trong những ngày đón Tết mừng xuân. Xứ Nghệ nói chung và Can Lộc quê tôi nói riêng vẫn còn nguyên những mỹ tục thuần phong, góp phần làm nên bản sắc dân tộc kết tinh từ hàng nghìn năm mà Tết Nguyên đán là thời khắc thiêng liêng và thấm đẫm tính nhân văn. Mà chỉ riêng tục mừng tuổi ông bà, bố mẹ cũng chứa đựng bao điều nhân nghĩa. Có lẽ ít có dân tộc nào trên thế giới lại có phong tục đẹp và nhân văn như thế. Bởi lẽ con cháu mừng tuổi ông bà bố mẹ, hẳn không chỉ mừng cho người thân thêm tuổi tác mà cái chính là để tỏ lòng biết ơn công sinh thành, sự hiếu thảo, trân trọng người lớn tuổi như cổ nhân từng nhắc nhở “kính già, già để tuổi cho”.
Không khí đón năm mới ở một vùng thôn quê vẫn còn nguyên nét mộc mạc của những con người “Một nắng hai sương”. Cả trong cái cách người ta chào hỏi nhau; Không đưa đẩy mà thẳng thắn, chân tình như hạt lúa, củ khoai. Có sống trong không khí ấy, mới thấu hiểu và thấm thía hơn cái tình làng nước, nghĩa anh em. Ở đấy, bà con họ mạc, cả trong ngày thường, dù rằng ai làm nấy ăn, nhưng tình nghĩa xóm làng vẫn keo sơn chung thủy, nhất là  khi tối lửa tắt đèn lại có nhau chia sẻ. Đó là nếp sống hồn hậu, khi họ biết thủy chung, nương tựa vào nhau, bền và đẹp như cái triết lý “Kính lão đắc thọ”. Điều đó cắt nghĩa cho truyền thống đạo lý “Lá lành đùm lá rách”, là tiền đề và cũng là cơ sở của truyền thống đoàn kết - một trong những truyền thống quan trọng và cực kỳ quý báu làm nên lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.
Trong những ngày đón Tết mừng xuân, gia đình tôi cứ vui như hội. Bởi không chỉ con cháu về đông đủ, nhất là xuân Kỷ Sửu (2009) ấy sau gần 30 năm học tập công tác ở Tây Nguyên, tôi mới có dịp về thăm quê hương gia đình trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Mặt khác, sinh thời bố tôi là cán bộ ngành giao thông vận tải và cán bộ hưu trí địa phương. Khi ông lâm bệnh, bạn bè anh em đều quan tâm lo lắng hỏi thăm. Mỗi khi nhớ lại Tết xuân năm ấy, lòng tôi cứ rưng rưng thương nhớ. Sáng mồng một Tết, khi con cháu về chúc Tết bố mẹ, ông bà, ông cụ vui hẳn lên. Có phần khỏe hơn, ngồi dậy được, ăn vài miếng cùng con cháu rồi cụ ân cần nhắc nhở “Các con về đông vui thế này là quý lắm, hiếm lắm. Nhà ta anh em con cháu đông, nhưng mỗi người mỗi ngã, các con nhớ phải giữ lấy gốc gác quê hương, truyền thống gia đình dòng họ, phải biết yêu thương, che chở nhau, nhất là với thằng Bình, đứa em út...”. Lời căn dặn nhắc nhở ấy tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng, nhất là khi chúng tôi nào ngờ rằng ấy là lời căn dặn cuối cùng, vì chưa đầy một tháng sau đó thì bố tôi mất.
Chính những ngày sống trong tình thương nỗi nhớ của quê hương gia đình, tôi càng thấm thía hơn tình ruột rà máu mủ và nghĩa làng nước quê hương. Có lẽ mỗi khi nhắc đến hai tiếng quê hương đều làm ta bồi hồi thương nhớ, nhất là với những người con đi xa. Bởi “Quê hương là chùm khế ngọt - Cho con trèo hái mỗi ngày”. Và cũng bởi, nếu không có cái tình nghĩa ấy thì ta sẽ không thể “Lớn nổi thành người...” (Quê hương, thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Giáp Văn Thạch). Xin cảm ơn người đã sinh thành và cho ta một khoảng trời xanh để khi đi xa tâm hồn ta có bến bờ mà neo đậu như trên trường đời ta dấn bước vẫn có trạm dừng chân để tiếp thêm năng lượng mà bước tiếp cuộc đời. Ấy là mái ấm quê hương...
Nguyễn Trọng Đồng
Thông tin khác:
Xuân trên đảo Sơn Ca (02/02/2017)
TẾT KHÁNG CHIẾN ĐẦU TIÊN của BÁC HỒ (23/01/2017)
Rạo rực mùa xuân (23/01/2017)
Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2016 (20/01/2017)
Nhìn lại đất nước năm 2016 (18/01/2017)
Mặt trận chú trọng đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở (17/01/2017)
Ý chỉ cầu nguyện truyền giáo tháng giêng 2017 (09/01/2017)
Sứ điệp Hoà bình 2017: Lắng nghe và suy nghĩ (06/01/2017)
120 người đăng ký hiến tặng giác mạc (06/01/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log