Tin tức - Hoạt động

Rưng rưng nỗi nhớ rừng quê

Cập nhật lúc 07:14 24/09/2021
Chiều nay, trên quãng đường ra phố qua cánh rừng cao su xanh biếc, gió rì rào khúc hát nao lòng “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long ẩn. Câu hát đưa tôi về với cánh rừng quê hương với bao kỷ niệm của một thời nhung nhớ.
Dãy núi Hồng Lĩnh có tất cả 99 ngọn núi. Ảnh: Hoàng Anh
Dãy núi Hồng Lĩnh có tất cả 99 ngọn núi. 
Ấy là tôi đang nói về rừng cầy cầy. Rừng cao su và rừng cầy cầy vốn có những điểm khác biệt. Nhưng có một điểm chung đáng nói nhất là đều cho ta màu xanh sự sống. Màu xanh của non nước quê hương. Màu xanh của không gian trầm lặng mà xao xuyến nắng mưa. Màu xanh của khoảng trời trong veo hồn cây cỏ. Nhưng rừng cầy cầy quê tôi còn là cánh rừng của một thời thương nhớ, một thời kỷ niệm.

Cánh rừng cầy cầy ở triền núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), một ngọn núi cổ tích với chín mươi chín đỉnh non Hồng truyền thuyết. Ngày ấy đã qua mấy chục năm mưa nắng thăng trầm, khi tôi khoảng hơn mười tuổi đầu. Đã từng đi củi cầy cầy với mẹ và bà con xóm mạc. Loại cây rừng này không to cũng không nhỏ, không cao không thấp. Nhưng gổ giòn mà chắc, cành chặt làm củi nấu nướng thì thật tuyệt, vừa đỏ vừa đượm. Ngày ấy ở làng quê tôi hầu như nhà nào cũng đi củi cầy cầy. Quanh năm suốt tháng cả làng xã (cùng nhiều làng xã khác) vào rừng không đi củi, hái sim cũng cắt lá cây tạp về để đun nấu (cái thời nấu nướng sao mà nhọc nhằn, lạc hậu thế nhưng có củi để nấu đã là hạnh phúc rồi). Có thể nói, ấy là cánh rừng “cơm áo” của bao người lao động “một nắng hai sương”, gian khó mà hồn nhiên mộc mạc như thân gỗ cầy cầy xù xì mà đáng quý biết bao. 

Nào ai thống kê có bao nhiêu gánh củi cầy cầy được rừng ban phát cho làng xã. Mà rừng vẫn xanh biếc tháng năm, ngỡ như chưa bao giờ vơi cạn; hết lớp cỏ cây này thì có lớp khác cứ trùng trùng điệp điệp, xanh tốt quanh năm trong tâm tình của bao người con xứ sở quê hương. Ngày ấy, mỗi lần đi củi cầy cầy là một kỷ niệm! Có lẽ với bọn trẻ chúng tôi là thích thú nhất. Hồn nhiên như cây cỏ. Được tắm mình trong thiên nhiên khoáng đạt. Chúng tôi thường nhặt hạt cầy cầy đập vở ra, lấy nhân ăn vừa bùi vừa ngậy. Nhiều hôm mải chơi, chặt không đủ gánh củi, mẹ phải chặt phụ. Khi xuống núi, có những đoạn dốc gồ ghề, cứ vướng trước mắc sau, mẹ lại phải gánh qua cho khi chẳng hay mẹ cũng đang nặng gánh. Thương con mẹ lại san sẻ gánh sớm chiều...

Lớn lên, tôi học đại học rồi công tác xa nhà. Mỗi năm lại đôi lần thăm quê. Cuộc sống vốn nhiều thay đổi và đi lên cùng tiến trình phát triển của đất nước. Và cảnh rừng quê hương sao đổi thay nhiều. Sinh thời mẹ tôi cũng hay nhắc chuyện cũ rừng cây. Thi thoảng về quê, tôi lại hỏi về rừng cầy cầy thuở nào. 

Đến nay sau bao thăng trầm cuộc sống, rừng kia đã thành quá vãng, thành ký ức trong mỗi người con xứ sở. Nơi rừng cây xanh biếc với cái tên dân dã “Cửa Trẹm” thuộc xã Minh Lộc trước đây, nay là phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh). Nơi con đường núi nhỏ nhấp nhô đã thành đường lớn; con đường nhựa trải dài thoáng bóng vắt qua hai phía Đông - Tây của dãy núi Hồng Lĩnh nối liền hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc (Hà Tĩnh) với nhiều công trình dự án dân sinh. Ở một phía dưới chân núi Hồng Lĩnh có chùa Đại Hùng thờ các vị Quốc tổ Hùng Vương. Cách đó vài trăm mét là đền Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ (1390 - 1483), một nhân vật lịch sử nổi tiếng một thời với vụ án “nồi cháo lươn”. Và có công lao to lớn: giúp dân biết làm thủy lợi dẫn nước từ núi về tưới cho cánh đồng xanh biếc bốn mùa...

Mỗi lần đi qua con đường ấy, tôi lại bâng khuâng nhung nhớ... Dẫu hôm nay, cảnh quan không gian đã đổi thay nhiều, núi rừng đã khoác một màu áo mới của cuộc sống ấm no, văn minh với bao công trình dự án (cả phía Đông và Tây núi Hồng Lĩnh) đã, đang và sẽ được xây dựng.
 
Thông tin khác:
Ủy ban MTTQVN thành phố Hà Nội tặng quà du học sinh khó khăn do dịch Covid-19 (23/09/2021)
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh thăm các gia đình sau cơn bão số 5 (Conson) (23/09/2021)
Đức Giáo Hoàng gởi thư cho các linh mục cao tuổi tại Ý (22/09/2021)
Một mùa trăng đặc biệt (21/09/2021)
Hà Nội sau 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội (22/09/2021)
Công khai nguồn lực tiếp nhận và phân bổ ủng hộ trên trang thông tin: vandongxahoi.mattran.org.vn (21/09/2021)
Thêm nhiều thiết bị y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch (21/09/2021)
Năm 2022, Việt Nam sẽ tự chủ vaccine ngừa Covid-19 (19/09/2021)
Người dân Hà Nội chung tay hành động đẩy lùi Covid-19 (19/09/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log