Lễ hội Đua ghe Ngo của người Khmer Sóc Trăng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. | |
Đồng bào Khmer ở nước ta là một cộng đồng sinh sống lâu đời trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố của Nam Bộ; cùng với các dân tộc anh em đã có công khai phá, tạo lập, giữ gìn và bảo vệ vùng đất phía Nam thân yêu của Tổ quốc. Khmer theo tiếng Phạn là “Khê ma ra”, có nghĩa là an bình, hạnh phúc, đồng bào Khmer luôn cần cù lao động, sống nhân ái theo giáo lý đạo Phật, giàu truyền thống đoàn kết, yêu nước, yêu lao động, sống nhân nghĩa, vượt qua muôn vàn thử thách để tồn tại và phát triển.
Nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần giữ gìn, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII năm 2022 diễn ra từ ngày 6 - 8/11 tại tỉnh Sóc Trăng. Ngày hội với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ; Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ có đông đồng bào Khmer tổ chức.
Chương trình khai mạc Ngày hội Văn hóa được tổ chức lúc 20 giờ 10 phút ngày 6/11/2022 tại sân khấu ngoài trời - Quảng trường Bạch Đằng (Phường 2, thành phố Sóc Trăng). Chương trình bế mạc diễn ra lúc 16 giờ 30 phút ngày 8/11/2022, tại khán đài A dòng sông Maspero (thành phố Sóc Trăng).
Ngày hội có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào
Khmer ở 12 tỉnh, thành phố gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau,Tây Ninh, Bình Phước, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc như: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa, sản phẩm truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống. Nhiều hoạt động văn hóa của đông bào Khmer được tổ chức, như: giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc và diễn tấu nhạc ngũ âm, trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực. Ngoài ra, còn có các hoạt động thể thao, hoạt động du lịch, như: kéo co, bóng đá, bi sắt, cờ ốc...
Theo Ban tổ chức Ngày hội, giải Đua ghe Ngo năm 2022 đã tiếp nhận 56 đội ghe đăng ký tham gia (tính đến thời điểm hiện nay); trong đó, Sóc Trăng có 40 ghe, 16 ghe còn lại đến từ các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...
Về công tác bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trước trong Ngày hội, Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, Công an tỉnh đã chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an các địa phương và Công an thành phố Sóc Trăng triển khai lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối cho lãnh đạo Trung ương, các tỉnh, thành về tham dự Ngày hội. Các đơn vị chức năng huy động tối đa lực lượng, bố trí các chốt trực cố định, các Tổ tuần tra lưu động, xe ưu tiên nhằm kịp thời điều tiết, phân luồng giao thông trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội và giải Đua ghe Ngo, bảo đảm cho người dân đi lại được thông suốt, không để xảy ra tình trạng móc túi, cướp giật trong những ngày lễ hội./