Tin tức - Hoạt động

Sau một năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo -Đôi điều trao đổi

Cập nhật lúc 14:28 08/05/2019
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, đến nay đã hơn 1 năm đi vào cuộc sống. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những mặt được và chưa được của Luật trong đời sống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay.
 
Sau một năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo -
Sau một năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo -
1-Những điểm thành công

Trước hết Luật TNTG đã thể hiện được quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Dù cùng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm hệ tư tưởng nhưng trong thực tiễn cách mạng nước ta ngày càng hiểu đúng bản chất của TNTG nhất là nhu cầu TNTG của nhân dân và đặc biệt về vai trò của TNTG với xã hội. Các văn bản pháp luật liên quan đến TNTG luôn được nhanh thay đổi cho phù hợp với thực tế.  Nếu kể từ Sắc lệnh về tôn giáo số 234/SL ngày 14/6/1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký thì sau đó còn hàng chục Thông tư, Nghị định, Quy định, Pháp lệnh nhưng phải đến Luật TNTG được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 và được Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký lệnh công bố ngày 1/12/2016 thì đây là văn bản pháp lý cao nhất về TNTG. Nếu thời gian từ Sắc lệnh 234/SL năm 1955 đến Nghị quyết 297/CP năm 1977 là 22 năm, từ Nghị quyết 297/CP đến Nghị định 69/CP năm 1991 là 14 năm thì từ Nghị định 26/CP năm 1999 đến Nghị định 22/CP năm 2005 là  6 năm và từ Nghị định 92/CP năm 2012 đến Nghị định 162/2017/NĐ-CP chỉ còn 5 năm.

Pháp lệnh TNTG có hiệu lực từ ngày 15/11/2004 vốn thể hiện tinh thần Hiến pháp năm 1998. Điều 70 Hiến pháp năm 1998 công nhận “quyền tự do tín ngưỡng” của công dân. Hiến pháp năm 2013 cụ  thể và mở rộng hơn khi viết trong điều 24: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Luật TNTG thể chế hóa Hiến pháp 2013. Nó cũng phù hợp với xu thế hội nhập với thế giới cuả nước ta trong tiến trình toàn cầu hóa. 

Luật TNTG tạo ra diện mạo mới của TNTG nước ta. Nếu trước đây, Việt Nam chỉ công nhận có 6 tôn giáo là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo và Hồi giáo. Đến khi thi hành Pháp lệnh TNTG sau10 năm đã có 13 tôn giáo với 36 tổ chức và 1 Pháp môn được công nhận với 24 triệu tín đồ chiếm 25% dân số cả nước. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận 16 tôn giáo với 43 tổ chức tôn giáo với 26 tiệu tín đồ chiếm 27% dân số. Chỉ nói riêng Công giáo từ chỗ chỉ có 25 giáo phận năm 2005 đến 2019 đã có 2 giáo phận mới là Bà Rịa và Hà Tĩnh. Theo Niên giám 2005 của Giáo hội Công giáo, năm 2004, Giáo hội Công giáo có 50 Hồng y, TGM, Giám mục, 5.667.428 giáo dân chiếm 7,03% dân số, 3.961 linh mục, 3.063 chủng sinh và dự bị, 2.072 tu sĩ nam, 12.343 nữ tu và 53.887 giáo lý viên. Trong chuyến đi Ad Limina năm 2018, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN đã tường trình với Đức Giáo hoàng Phanxicô là Giáo hội Việt Nam hiện có hơn 7 triệu tín hữu, chiếm hơn 8% dân số, 54 Hồng y, TGM, Giám mục, trong đó có 5 Giám mục ở nước ngoài, 13 Giám mục hưu trí; 4.500 giáo xứ dưới sự coi sóc của hơn 4.000 linh mục , 22.000 tu sĩ nam nữ của 240 dòng tu; 2.400 chủng sinh. 

Nhà nước đã cấp hàng trăm ha đất cho các cơ sở của Giáo hội, trao trả lại nhiều cơ sở tôn giáo như trường chủng viện Ba Đông ở Hải Dương thuộc giáo phận Hải Phòng, trường đào tạo chủng sinh ở Vĩnh Long, gần 20ha đất ở thánh địa La Vang. Nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng mới đặc biệt là Vương cung thánh đường La Vang với kinh phí lên tới 25 triệu đô la hay đại trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với sự tham gia của nhiều nhà thầu quốc tế và kéo dài từ 2018-2023 với kinh phí cũng vài trăm tỷ đồng. Một số nơi nhất là vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa có nơi thờ tự được mượn nhà dân để dâng lễ và được công nhận là giáo xứ, giáo điểm như ở Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai…

Nhiều địa phương quan tâm đến nhu cầu tôn giáo của nhân dân một cách cụ thể như:  Công an Hà Nội tổ chức trông giữ xe miễn phí cho người dân đi lễ đêm Giáng sinh. Một số xứ, họ còn được hỗ trợ kinh phí tu sửa nhà thờ hay xây nhà giáo lý-coi như một công trình văn hóa của địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới trị gía hàng chục tỷ đồng như giáo xứ Đại Bằng (Đông Anh, Hà Nội).

Theo nhận xét của nhiều Tòa Giám mục, nhiều thủ tục trong Luật TNTG cũng đơn giản hơn thay vì phải xin phép bây giờ chỉ thông báo tới chính quyền. Đặc biệt đã cho các tôn giáo được tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo. Có thêm phần xử lý những vi phạm đến quyền tự do TNTG. Luật TNTG cũng có điểm mới là quyền thể hiện niềm tin về TNTG của các người bị tạm giam, tạm giữ hay tù nhân.

Quan hệ giữa Vatican và Nhà nước Việt Nam được thúc đẩy qua các chuyến thăm Tòa Thánh của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng như kết quả hội đàm của các nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican lần thứ 7 năm 2018 đã nhất trí nâng vị đại diện không thường trú cuả Tòa Thánh tại Việt Nam thành đại diện thường trú. Học viện Công giáo đào tạo thần học hệ đại học và sau đại học ở thành phố Hồ Chí Minh đã chiêu sinh khóa 2. Trường trung cấp nghề Hòa Bình ở giáo phận Xuân Lộc đã được nâng lên thành trường Cao đẳng nghề năm 2018 hiện có hơn 3.000 sinh viên theo học. Lần đầu tiên, trường đã liên kết với Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đào tạo giáo viên mẫu giáo, tiểu học có trình độ đại học cho các trường, lớp do Công giáo đảm nhiệm. 

2- Một số điều trao đổi

Trong Luật TNTG có một điều gây lạc quan và tràn đầy hy vọng cho các tôn giáo nhất là Công giáo vì đã nêu kiến nghị nhiều lần, đó là điều 55: “Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo  theo quy định của pháp luật có liên quan”. Thế nhưng Nghị định 162/2017/NĐ-CP lại không có điều nào hướng dẫn thi hành. Như vậy là “xây cầu để ngắm chứ không phải để đi” vì không có đường dẫn. Nếu nói rằng, điều 55 cứ theo  quy định của pháp luật có liên quan ví dụ về giáo dục có Luật Giáo dục, y tế có Luật Y tế và từ thiện nhân đạo có hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rồi. Vậy thì cần gì Luật TNTG cho thêm rối. Bởi xây dựng công trình tôn giáo đã có Luật Xây dựng, xuất bản ấn phẩm TNTG đã có Luật Xuất bản… Vả lại trong Luật Giáo dục hiện hành, điều 15 cũng không để tôn giáo tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Bởi vậy, điều này cần phải hướng dẫn cụ thể để phát huy khả năng của các tôn giáo vào việc xây dựng xã hội nhất là khi Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 18-CT/TW ngày 10/1/2018 xác định: tôn giáo là nguồn lực quốc gia.

Luật TNTG trong điều 7 có nói về quyền của các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Nhưng riêng về Công giáo vẫn có cách hiểu không đúng về tôn giáo này. Nhiều cơ quan hành chính vẫn coi Hội đồng Giám mục Việt Nam mới là đại diện của Công giáo còn các giáo phận là tổ chức trực thuộc. Không đúng. Tổ chức của Công giáo có ba cấp: Tòa Thánh, giáo phận và giáo xứ. Giáo phận trực thuộc Tòa Thánh chứ không trực thuộc HĐGMVN. HĐGMVN là tổ chức liên kết, hiệp thông giữa các giáo phận trong nước Việt Nam chứ không phải cấp trên của các giáo phận. Thành ra, lâu nay việc xin mở trường chủng viện, ra báo Công giáo được coi đương nhiên là của HĐGMVN mà lẽ ra nó phải thuộc quyền của các Giám mục cai quản các giáo phận.

Cũng còn một số điều khi thực thi khó khăn. Chẳng hạn điều 46 quy định về tổ chức lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo thì nếu quy mô cấp huyện phải có văn bản đề nghị trước khi tiến hành là 25 ngày và quy mô cấp tỉnh là 30 ngày. Nhưng cơ sở để xem xét quy mô là người tham dự đến từ nhiều xã hay nhiều huyện. Bây giờ giao thông thuận lợi và giao lưu rộng mở, kể cả nước ngoài thì biết đâu mà xin phép. Rồi lễ an táng cũng ngoài địa điểm tôn giáo,  Điều 19 của Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định về quyên cúng cũng thế. Người đi lễ đâu có khai quê quán nên biết đâu mà báo cáo trước.

Vấn đề buộc phải giảng dạy hai môn Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam trong các trường tôn giáo cũng chưa được sự đồng thuận. Chủng sinh gia nhập đại chủng viện buộc phải có bằng cử nhân và trình độ đại học ngoại ngữ. Mà hai môn này đều đã được học ở đại học rồi nên không cần buộc phải học lại. Có người lý giải rằng, học đại học khác, học ở chủng viện khác? Vậy những người học cao học, tiến sĩ ở Việt Nam có phải học lại hai môn này không? Rồi vấn đề sở hữu tài sản của các tôn giáo cũng không được đặt ra. Đất đai là sở hữu toàn dân nhưng tài sản của các tôn giáo  trên đất là sở hữu hợp pháp cũng cần phải đặt ra.

Vấn đề đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo cũng là điều đáng bàn. Theo một điều tra nghiên cứu thì có tới 73% cán bộ làm công tác tôn giáo là trái với chuyên môn đào tạo. 72% ý kiến mong muốn được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn. 60,7% ý kiến được hỏi cho rằng, họ không nắm vững văn bản pháp luật của Nhà nước và 56% cho rằng, đang có sự trông chờ hay chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác tôn giáo. Vì cán bộ làm công tác tôn giáo năng lực hạn chế nên xuất hiện nhiều chuyện khi xử lý những sự vụ liên quan đến tôn giáo. Chẳng hạn, có giáo họ quét vôi nhà thờ, chính quyền đến lập biên bản buộc phải trả lại nguyên hiện trạng ban đầu. Làm sao mà giáo họ có thể thi hành được. Ngay trên địa bàn Hà Nội, cán bộ một huyện cũng thắc mắc, giáo họ cũng như các họ Nguyễn, họ Trần nhưng họ Nguyễn, họ Trần cả năm không xin xỏ điều gì, còn giáo họ thì nay xin, mai đề nghị suốt!

Một vấn đề cũng kéo dài quá lâu là quan hệ Việt Nam- Vatican. Hai bên đã có những tiếp xúc trao đổi từ năm 1990 từ thời Đức Hồng y Roger Etchagaray. Đến nay đã gần 40 năm mà chưa thiết lập được quan hệ ngoại giao. Tòa Thánh gần đây cũng có thái độ nhân nhượng, mềm dẻo như thoả thuận ký với Trung Quốc năm 2018 bất chấp dư luận của ngay hàng ngũ giáo sĩ cao cấp. Cho nên sớm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Vatican không chỉ là đáp ứng nguyện vọng của hơn 7 triệu tín hữu Công giáo Việt Nam mà còn thể hiện quan điểm thiện chí của Nhà nước Việt Nam muốn làm bè bạn với cả thế giới.

Sau hơn 1 năm Luật TNTG đi vào cuộc sống, nhiều thành tựu đã được ghi nhận nhưng cũng còn một số điều phải tiếp tục tháo gỡ để dòng chảy cuộc sống lưu thông dễ dàng hơn.

Ts. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Hội đồng Giám mục Việt Nam: Hội nghị thường niên kỳ 1/2019 (07/05/2019)
Ai đã treo cờ của Mặt trận DTGP Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris? (06/05/2019)
105 quốc gia, vùng lãnh thổ dự Đại lễ phật Đản 2019 (06/05/2019)
Muỗng muối (06/05/2019)
Lịch sử ngày 1/5 với xã hội và Giáo hội (06/05/2019)
Niềm vui phục sinh (04/05/2019)
Đức Tổng Giám mục da đen đầu tiên của Washington D.C (03/05/2019)
Lịch sử 850 năm nhà thờ Đức Bà Paris (23/04/2019)
Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ĐTC sau Phục Sinh (23/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log