"Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm". Ảnh: CTV |
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế
*
Đây là chuyện tôi nghe:
Hôm ấy, sau khi thuyết giảng xong, đạo sư nhìn một lượt khắp hết các đệ tử đang có mặt trong giảng đường, rồi ôn tồn bảo:
- Anh em cần hỏi gì không?
Bấy giờ một người bước ra, cung kính chắp tay xá sâu xuống, và nói:
- Thưa thầy, con không hỏi về bài giảng hôm nay, mà muốn xin hỏi thầy về bài giảng lần trước.
Đạo sư gật đầu.
- Thưa, lần trước thầy kể một vài sự tích nhằm giúp chúng con dễ hiểu ý nghĩa của hỷ xả. Có hai chuyện khiến con hổm rày cứ mãi phân vân...
Đạo sư mỉm cười khuyến khích:
- Anh nói rõ ra cho đạo hữu cùng nghe.
- Thưa, chuyện thứ nhất thầy kể về ông Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), là người trong hoàng tộc, có họ hàng với Đức Phật Thích Ca. Lúc đầu ông này làm đệ tử Phật, về sau sanh tâm phản phúc, nhiều phen tìm cách “soán ngôi” Đức Phật để giành quyền lãnh đạo Giáo hội. Ông từng sai người ám sát Phật và đích thân ông còn lăn tảng đá lớn trên núi xuống để giết Phật. Cuối đời, khi sắp chết, ông cho người khiêng cáng tới bên Phật xin sám hối. Đức Phật từ bi đặt tay lên trán ông tỏ dấu chấp nhận và ngay lúc ấy ông đệ tử phản phúc nhẹ nhàng trút hơi thở.
- Còn chuyện thứ hai?
- Thưa, thầy kể thêm chuyện Đức Giêsu chịu đóng đinh vào Thập giá trên núi Sọ, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”
- Vậy, anh phân vân điều chi?
- Con không hiểu nổi làm sao Phật và Chúa có thể mở lòng bao dung được với những kẻ đã có dã tâm giết hại mình như thế?! Con sợ phạm tội báng bổ, nhưng thâm tâm không khỏi nghĩ rằng phải chăng các vĩ nhân thường hay được thế gian quá ngưỡng mộ nên truyền tụng lắm huyền thoại.
Đạo sư cười hiền:
- Không lẽ thầy khuvên anh nhẫn nại, cứ ráng tu cho bằng Phật, bằng Chúa thì bây giờ tức khắc anh sẽ hiểu được tấm lòng hỷ xả, bao dung của các Đấng.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, đạo sư sai mang ra một hũ muối, một cái muỗng nhỏ, một chung nước nhỏ, và một vại lớn đầy nước. Đạo sư bảo anh học trò tự tay múc một muỗng muối bỏ vào chung nước nhỏ, khuấy tan, rồi uống cạn. Anh không dám cãi, nhưng phải nhăn mặt vì quá mặn.
Đạo sư lại bảo anh múc muỗng muối thứ hai bỏ vào vTại nước, khuấy tan, rồi uống một hớp. Anh vâng lời răm rắp.
- Anh thấy sao?
- Thưa thầy, không mặn chi hết. Nhưng cái chung lúc nãy mặn đắng!
Đạo sư đảo mắt nhìn khắp các đệ tử, chậm rãi nói:
- Này anh em, những khổ nạn hay nghịch cảnh khốc liệt trên thế gian này tạm ví như muỗng muối ấy. Nếu tâm anh em nhỏ hẹp như cái chung con con kia, thì anh em tiếp nhận khổ nạn rất khó khăn, vì nó mặn quá sức đối với anh em. Ngược lại, nếu tâm anh em mở ra càng lớn lao, càng quảng đại chừng nào thì anh em càng làm loãng đi độ mặn của muối nhiều chừng đó. Giả dụ anh em pha một muỗng muối vào lu nước, anh em uống nước trong lu vẫn không thấy mặn chút nào hết.
Đạo sư kết luận:
- Cũng vậy, tâm Phật và tâm Chúa bao la không giới hạn. thế nên các Đấng dễ dàng hỷ xả, bao dung với kẻ dữ hại mình một cách tự nhiên, vô điều kiện.