Do đại dịch Covid-19, sự kiện được tham gia chủ yếu trực tuyến; các lãnh đạo thế giới gửi các video đã được ghi sẵn. Hôm thứ Hai 21/9, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin cũng đã phát biểu trước Đại hội đồng thông qua một thông điệp video.
Mong ước của Tòa Thánh
Sau lời chào ông chủ tịch và các phái đoàn tham dự sự kiện, Đức Thánh Cha nói: “Dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp quốc là cơ hội để tái khẳng định mong muốn của Tòa thánh rằng tổ chức này là một dấu hiệu và công cụ thực sự của sự hiệp nhất giữa các quốc gia và phục vụ toàn thể gia đình nhân loại.”
Chọn lựa điều quan trọng
Trước hết, đề cập đến đại dịch với những ảnh hưởng của nó, Đức Thánh Cha nói đây là thời gian mời gọi chúng ta chọn lựa: điều gì có giá trị và thứ gì sẽ qua đi, để phân tách điều cần thiết và điều không cần thiết. Từ đó có hai con đường có thể đi: một con đường sẽ củng cố chủ nghĩa đa nguyên, sự đồng trách nhiệm, sự liên đới dựa trên công bình và hòa bình và hiệp nhất của gia đình nhân loại; con đường thứ hai là chọn chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa cá nhân và sự cô lập. Không được áp dụng con đường này.
Tình liên đới thật sự
Đức Thánh Cha lưu ý rằng đại dịch cho thấy cần có tình liên đới thật sự chứ không chỉ là lời hứa. Nó cũng cho thấy tầm quan trọng của việc tránh cám dỗ vượt quá giới hạn tự nhiên của mình. Xem xét ảnh hưởng của đại dịch trên thị trường lao động do việc “rô-bốt hóa” và trí tuệ nhân tạo, và nhấn mạnh cần “các hình thức làm việc mới thực sự có khả năng đáp ứng tiềm năng của con người trong khi khẳng định phẩm giá của chúng ta”.
Để đảm bảo điều này, Đức Giáo hoàng đề xuất “một sự thay đổi hướng đi” với một khuôn khổ đạo đức mạnh mẽ hơn có khả năng khắc phục “nền văn hóa vất bỏ ngày nay đang phát triển một cách âm thầm và lan rộng”. Ngài kêu gọi thay đổi mô hình kinh tế thống trị chỉ nhằm mục đích mở rộng lợi nhuận; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp hãy đưa việc làm cho nhiều người trở thành một trong những mục tiêu chính của họ.
Nền văn hóa vất bỏ
Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra rằng nguồn gốc của văn hóa vất bỏ là “sự thiếu tôn trọng hoàn toàn đối với phẩm giá con người, sự cổ súy của các hệ tư tưởng với những hiểu biết đơn giản về con người, sự phủ nhận tính phổ quát của các quyền cơ bản của con người và sự thèm muốn để có quyền lực và sự kiểm soát tuyệt đối. ” Ngài khẳng định đây là "một cuộc tấn công chống lại chính loài người."
Ngài than phiền về nhiều sự vi phạm các quyền căn bản của con người, nhưng bị nhiều người làm ngơ; ví dụ như bách hại tôn giáo, khủng hoảng nhân đạo, sử dụng vũ khí tiêu diệt hàng loạt, di cư nội địa, buôn người và cưỡng bức lao động, và rất nhiều người bị buộc rời bỏ nhà cửa của họ.
Phản ứng nhân đạo
Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm cho các tổ chức thực sự hoạt động hiệu quả trong nỗ lực chống lại các thách đố và khẳng định sự dấn thân của Tòa Thánh. Ngài đề nghị mô hình kinh tế “khuyến khích phụ đới, hỗ trợ phát triển kinh tế ở cấp địa phương, và đầu tư vào giáo dục, vào cơ sở hạ tầng vì công ích. Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tễ nỗ lực chấm dứt những nền kinh tế bất công.
Các trẻ em bị ảnh hưởng đặc biệt bởi Covid-19
Đặc biệt, Đức Thánh Cha nói đến các hậu quả tàn khốc của đại dịch đối với các trẻ em, chỉ ra rằng nạn lạm dụng và bạo lực trẻ em gia tăng trong thời gian đại dịch. Ngài kêu gọi các chính quyền dân sự chú ý đặc biệt đến các trẻ em bị chối từ quyền và phẩm giá căn bản của các em, cụ thể là quyền sống và đến trường. và than phiền rằng một số người xem phá thai như giải pháp cho các vấn đề có thể và phải giải quyết hoặc cho người mẹ hoặc cho đứa trẻ chưa sinh.
Từ vấn đề trẻ em, Đức Thánh Cha bước sang vấn đề gia đình, thường là nạn nhân của thực dân ý thức hệ, trở nên dễ tổn thương và khiến cho các thành viên, đặc biệt là người già và trẻ em cảm thấy bị mất gốc và mồ côi. Tiếp đến Đức Thánh Cha kêu gọi thăng tiến người nữ, những người giữ vai trò quan trọng trong mọi mức độ của xã hội nhưng thường là nạn nhân của nạn nô lê, buôn người, bạo lực và bóc lột cũng như đối xử tệ bạc.
Hòa bình, không chiến tranh
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự cần thiết phá võ bầu khí mất tin tưởng hiện nay, được ghi dấu bởi sự xói mòn của chủ nghĩa đa nguyên và sự phát triển của các hình thưc kỹ thuật quân sự mới. Ngài nói rằng lý luận cho rằng sở hữu vũ khí vì an ninh cá nhân và xã hội chỉ gia tăng lợi ích cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí, nuôi dưỡng bầu khí hận thù và sợ hãi giữa con người và các dân tộc. Ngài kêu gọi hỗ trợ các công cụ pháp lý quốc tế chính yếu về giải trừ hạt nhân, không phát triển và cấm vũ khí hạt nhân.
Xã hội hậu đại dịch
Đức Thánh Cha nói thêm rằng đại dịch đã cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thể sống thiếu nhau, hoặc tệ hơn nữa là chống lại nhau. Do đó, chúng ta phải suy nghĩ lại về tương lai của ngôi nhà chung và các dự án chung của chúng ta bằng cách củng cố chủ nghĩa đa nguyên và cộng tác giữa các quốc gia.
Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha nói: “Liên Hiệp quốc ra đời nhằm liên kết các quốc gia, đưa các nước lại gần nhau hơn, là cầu nối giữa các dân tộc; chúng ta hãy sử dụng nó để biến thách thức mà chúng ta đang đối mặt thành cơ hội để cùng nhau xây dựng, thêm một lần nữa, tương lai mà chúng ta mong muốn.”
Hồng Thủy - Vatican News