Tin tức - Hoạt động

Sức mạnh của Mặt trận là quy tụ lòng dân và sức dân

Cập nhật lúc 14:00 13/10/2024
Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã được chứng kiến, vào giữa lúc dịch bệnh hay bão lũ ở vào thời kỳ cam go nhất, lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về tham gia ủng hộ phòng chống dịch bệnh hay ủng hộ đồng bào lũ lụt đều được toàn thể nhân dân hưởng ứng.
 

Ở vào những thời điểm khó khăn của đất nước, Mặt trận đã thể hiện rất rõ vai trò của mình, tập hợp trí tuệ và sức mạnh nhân dân, vận động đoàn kết nhân dân vượt qua khó khăn thách thức.

do-van-chien-10-9.jpg

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tại Lễ Phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra.

Trong nhiều năm, vẫn là những lần Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN sôi nổi thể hiện ý kiến, tập trung trí tuệ thảo luận và hiến kế về những vấn đề lớn của đất nước, của nhân dân như đóng góp ý kiến vào sửa đổi Hiến pháp năm 2013; góp ý sửa Luật Đất đai; bàn chuyện phục hồi và phát triển kinh tế, chuyện chấn hưng văn hóa và phòng chống tham nhũng, tiêu cực... Vào những giai đoạn khó khăn, Mặt trận vẫn đứng ra bàn việc dân việc nước. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN là đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các nhân sĩ trí thức, những người Việt Nam tiêu biểu ở trong và ngoài nước. Luôn luôn là một hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ khi các vị trong Đoàn Chủ tịch cùng ngồi lại hiến kế đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, để an dân và bàn nhiều chuyện quốc gia đại sự khác ở cơ quan Mặt trận 46 Tràng Thi. Trí tuệ của Mặt trận là trí tuệ của nhân dân, kế sách của Mặt trận là lòng dân và sức dân.

Nhiệm kỳ Đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chuẩn bị đi qua với một chặng đường đầy khó khăn thách thức lớn. Đại dịch Covid-19 phát sinh những khó khăn chưa từng có. Sức mạnh diệu kỳ của mọi người Việt Nam trong phòng chống đại dịch đã được Mặt trận vận động tập hợp.

Chăm lo cho người nghèo, giám sát – phản biện những vấn đề an sinh xã hội, xây dựng đời sống nhân dân ở khu dân cư… vẫn là những việc Mặt trận đã làm, đang làm, kiên trì và liên tục. Nhưng có những thời điểm, trước những thách thức đặt ra như dịch bệnh hay bão Yagi, Mặt trận đã huy động lòng dân và sức dân để giải quyết những khó khăn trước mắt. Những việc Mặt trận đang làm là sự tiếp nối từ trong lịch sử hơn 90 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thể hiện vai trò phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.

Không thể đòi hỏi một sự đồng thuận tuyệt đối trong một xã hội ngày càng hiện đại, xu hướng toàn cầu hóa ngày càng rõ, lợi ích của các tầng lớp, các nhóm xã hội, các cá nhân ngày càng riêng biệt và không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Nhưng mọi người Việt Nam khác nhau trong cùng một đất nước phải có một mục tiêu chung để tạo thành động lực phát triển đất nước – Sứ mệnh tập hợp ấy là của Mặt trận. Nhất là ở vào một thời điểm khó khăn, trí tuệ của mọi người Việt Nam phải được tập hợp để tạo ra sức mạnh.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Vai trò to lớn của Mặt trận trong lịch sử chính vì đó là phương thức để đoàn kết sức mạnh của dân tộc. Có thể nói Mặt trận đã từng đóng những vai trò cực kỳ to lớn. Ông Dương Trung Quốc đưa ra ví dụ: Trong lịch sử có những thời điểm Mặt trận đóng vai trò gần như thay mặt cả tổ chức Đảng và Nhà nước. Ví dụ sau năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán hay nói cách khác là rút vào bí mật thì Mặt trận lúc đó đóng vai trò quy tụ sức mạnh toàn dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Có những thời kỳ Mặt trận đóng vai trò của Nhà nước đó là thời kỳ Mặt trận Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp hay Mặt trận Dân tộc giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ.

Trong giai đoạn hiện nay, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Mặt trận đang đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết sức mạnh toàn dân vào mục tiêu xây dựng đất nước, đổi mới đất nước để phát triển. Đương nhiên hoàn cảnh hiện nay có những đặc thù khi mà xã hội phát triển tạo ra sự không đồng đều giữa các lực lượng trong xã hội thì đoàn kết là không đơn giản. Nên vai trò Mặt trận càng quan trọng. Mặt trận điều hòa các lợi ích xã hội, định hướng tinh thần yêu nước của người dân vào những mục tiêu phát triển.

Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN giữa những ngày đại dịch, hay trong trận bão lịch sử Yagi vừa qua chính là biểu hiện sinh động của vai trò Mặt trận vào những việc cụ thể ở những tình huống cụ thể của đất nước. Một lần nữa Mặt trận gánh vác trách nhiệm với đất nước và nhân dân, vị thế Mặt trận là tập hợp sức mạnh toàn dân vào việc dân, việc nước.

Nói về sức mạnh 3 lần chiến thắng quân Nguyên – Mông ở thế kỷ 13, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – nhà quân sự kiệt xuất chỉ ra nguyên nhân: "Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”. Vương triều Trần lúc ấy còn cực kỳ non trẻ đã phải đương đầu với một đế chế ngoại xâm hùng mạnh chinh chiến hết Á sang Âu. Nhưng, vua tôi nhà Trần tìm thấy ở trong lòng dân tộc sức mạnh thần kỳ của tinh thần đoàn kết và đã biết khơi dậy, phát huy sức mạnh ấy.

Và đến khi triều đình mời các vị bô lão về điện Diên Hồng để đặt trước muôn dân câu hỏi: "Nên hàng hay nên đánh ?” thì đã hoàn toàn gắn kết muôn dân về một mối. Một câu hỏi quyết định vận mệnh quốc gia được giao cho nhân dân (thông qua các cụ bô lão) quyết định thì tức là triều đình đã đặt nhân dân lên cao nhất, trên tất cả. Đã tin vào nhân dân đến thế, nhân dân sẽ dốc lòng dốc sức, chiến thắng là tất yếu. Niềm tin mãnh liệt vào lòng dân đã kết thành một khối thống nhất, trở thành sức mạnh vô địch.

Bài học từ lịch sử, còn vẹn nguyên giá trị đến hôm nay. Mỗi lần Mặt trận tập hợp trí tuệ và sức dân để lo việc đất nước, là cũng đang tin vào sức mạnh nhân dân.

 

Những điểm mới của Đại hội đại biểu toàn quốc
MTTQ Việt Nam lần thứ X Đại hội diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) từ ngày 16 đến 18/10/2024 với chủ đề: “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển”.
Đại hội có sự tham dự của gần 1.400 đại biểu, trong đó có 324 đại biểu nữ (30,7%); 492 đại biểu là người ngoài Đảng (46,7%);
267 đại biểu là người dân tộc thiểu số (25,3%); 198 đại biểu là tôn giáo (18,8%); 20 đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài (1,9%)…
Đại biểu trẻ tuổi nhất là 20 tuổi (chị Bà Thị Hà, cá nhân tiêu biểu dân tộc S’Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Đại biểu cao tuổi nhất là 95 tuổi (Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam).
Báo cáo Chính trị của Đại hội có chủ đề: “Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy dân chủ, truyền
thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
Dự kiến Đại hội sẽ triển khai 6 chương trình hành động, gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng
lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Động viên các tầng lớp
nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp.
Về Đề án nhân sự trình Đại hội, dự kiến số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X là: 405 vị (tăng 20 vị so
với khóa IX), trong đó, tái cử là 249 vị (tỷ lệ 61,5%), mới là 156 vị (tỷ lệ 38,5%). Số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá X là 72 vị (tăng 10 vị so với khóa IX), trong đó tái cử là 49 vị (tỷ lệ 68,1%), mới là 23 vị (tỷ lệ 31,9%).

Cẩm Thúy
https://daidoanket.vn/
Thông tin khác:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/2024)
Trao kinh phí xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho đồng bào dân tộc S’Tiêng (10/10/2024)
Lâm Đồng: Kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước tiến vượt bậc (10/10/2024)
Cao Bằng: Chuyển biến tích cực từ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (10/10/2024)
Bạc Liêu: Chú trọng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (10/10/2024)
Hòa Bình: Bàn giải pháp can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (09/10/2024)
Bạc Liêu: Tấp huấn, bồi dưỡng kiến thức cho Người uy tín trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (08/10/2024)
Công tác giám sát góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719 (08/10/2024)
Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (08/10/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log