Tin tức - Hoạt động

Suy nghĩ về việc Giáo hội Công giáo tham gia sự nghiệp giáo dục

Cập nhật lúc 16:16 18/09/2020
Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trong ngày Tốt nghiệp, khai giảng và trao phần thưởng học bổng cho sinh viên. Ảnh: CTV
Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trong ngày Tốt nghiệp, khai giảng và trao phần thưởng học bổng cho sinh viên. Ảnh: CTV

Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), toàn bộ các trường tư thục, trong đó có các trường của Giáo hội Công giáo, từ mầm non cho đến đại học đều thực hiện chủ trương công lập hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Các giáo viên Công giáo, trong đó có các linh mục, tu sĩ cảm thấy hụt hẫng, hoang mang vì không còn được giảng dạy; một số ít được lưu dụng lại tiếp tục công tác trong các trường nhà nước. 
Năm 1980, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ra Thư chung khẳng định “Chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam” với định hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Khát vọng ấy thúc bách tất cả các Kitô hữu, trong đó có các giảng viên, giáo viên Công giáo dấn thân chu toàn nhiệm vụ giáo dục trong hoàn cảnh mới. Không còn trường học Công giáo nhưng còn cánh đồng mênh mông là tâm hồn của lớp trẻ. Người Công giáo dấn thân vào sự nghiệp trồng người xác tín: “Trên hết chúng ta còn có sứ vụ rao giảng Tin Mừng, làm chứng nhân giữa đời” (GD). Giữa những lúc tâm hồn chao đảo, Thư chung năm 1980 đã giúp Giáo hội khẳng định một con đường tiếp tục sứ mạng giáo dục để: “Phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và vững bước đi tới.
1. Về giáo dục Kitô giáo     
Công đồng Vatican II đã diễn ra tại Rôma từ năm 1962 đến năm 1965. Như một luồng gió mới thổi vào Giáo hội toàn cầu, Công đồng đã đề cập đến rất nhiều vấn đề mang tính tiên tri và cải cách. Một trong những vấn đề được Công đồng quan tâm đặc biệt là “Giáo dục Kitô giáo”. Bản tuyên ngôn được Đức Giáo hoàng Phaolô VI và các nghị phụ thông qua, xác định:
“Thánh Công đồng công bố một số nguyên tắc căn bản về giáo dục Kitô giáo, nhất là về nền giáo dục học đường: Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, dựa vào phẩm giá của nhân vị, đều có quyền lợi bất khả di nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục có thể đáp ứng cho lý tưởng của mỗi cá nhân, thích hợp với khả năng, phái tính, một nền giáo dục vừa thích nghi với văn hoá và truyền thống dân tộc, vừa mở rộng cộng đồng huynh đệ với các dân tộc khác, để phát huy tiến trình hiệp nhất và hoà bình đích thực trên thế giới. Mục tiêu của nền giáo dục chân chính là đào tạo con người như một nhân vị, hướng đến lý tưởng của bản thân cũng như lợi ích của các cộng đồng mà họ là thành viên và sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành.
Với Hội Thánh Công giáo tại Việt Nam, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đã ra nhiều Thư Mục vụ nhấn mạnh đến việc giáo dục con người theo truyền thống hiếu học của dân tộc, truyền thống lễ nghĩa của các bậc Thánh hiền. Thư chung của Đại hội lần thứ X khẳng định: “Dân tộc chúng ta luôn tự hào về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo. Truyền thống đấy nếu trong quá khứ đã góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và sản sinh những danh nhân làm vẻ vang đất nước, thì nay phải trở thành một trong những tiêu chỉ của nền giáo dục Kitô giáo tại Việt Nam”.
2. Giáo dục tại các cộng đồng Công giáo ở Việt Nam 
2.1- Giai đoạn trước năm 1975 
Tại miền Nam Việt Nam trước đây, các xứ đạo hầu hết đều có một trường tiểu học tư thục Công giáo được các linh mục thành lập khi xây dựng nhà thờ cho giáo xứ. Có nơi, vì nhu cầu giáo dục con em của giáo dân trong xứ đạo, đã xây dựng trường học trước cả nhà thờ, nhà xứ để con em có chỗ học hành. Lên bậc trung học đệ nhất cấp (Trung học cơ sở) thì những xứ đạo lớn, có mặt bằng, mở trường trung tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 9 hiện nay) cho các em học sinh trong vùng (nhiều xứ) theo học. Lên bậc trung học đệ nhị cấp (Trung học phổ thông-cấp III), thì thường cả một quận (Giáo hạt, theo tổ chức của Giáo hội) chỉ có một, hoặc hai trường trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp (từ lớp 6 đến lớp12 ). Cũng dễ hiểu vì càng lên cao, số học sinh theo học càng ít đi, do phụ thuộc vào kinh tế từng gia đình, nhiều em phải theo cha mẹ lao động kiếm sống, hoặc vì năng lực không theo kịp chương trình lớp trên, không qua được kỳ thi tiểu học (hết lớp nhất, nay là lớp 5), hay trung học đệ nhất cấp (hết lớp đệ tứ, nay là lớp 9), nên phải nghỉ học nửa chừng. (Theo https://vi.wikipedia.org, vào năm 1969, Giáo hội Công giáo ở miền Nam có 226 trường trung học và 1.030 trường tiểu học). Về đại học, Giáo hội Công giáo có trường đại học Đà Lạt tại tỉnh Lâm Đồng, tại Saigon có đại học Minh Đức, đại học Thành Nhân.
2.2 Giai đoạn sau năm 1975
* Ở miền Nam:
Dưới ánh sáng của Thư chung năm 1980, việc giáo dục đức tin và đạo đức nhân bản, niềm tin cho con em được thúc đẩy mạnh mẽ tại gia đình. “Anh chị em hãy đào sâu đức tin bằng việc học và dạy giáo lý ngay trong gia đình của mình. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về việc dạy giáo lý, đã lưu ý chúng ta rằng: “Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, kèm theo và phong phú hoá mọi hình thức dạy giáo lý khác” (DGL). Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa (Cv 22, 42; 1, 8 GH 11; TĐ 11; LBTM 71). Các nỗ lực để xây dựng gia đình Công giáo theo tinh thần Phúc Âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của Tổ quốc.”
Các giáo xứ chuyển hướng nội dung hoạt động của phong trào Thiếu nhi Thánh Thể, từ các hoạt động chú ý rèn luyện kỹ năng, sang việc chuyên biệt giảng dạy giáo lý. Một số linh mục quan tâm đến việc giảng dạy giáo lý thường xuyên cho giáo dân trong các thánh lễ. Các đoàn thể tông đồ dành cho giới trẻ vẫn âm thầm duy trì hoạt động để đào tạo người trẻ trở thành người tín hữu tốt, đồng thời cũng là người công dân tốt.
Về giáo dục văn hóa, các giáo xứ thường xuyên trợ cấp học bổng cho các học sinh hiếu học và có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trên hết, các giáo xứ và gia đình còn kết hợp với nhà trường, luôn quan tâm góp phần phát triển con người toàn diện
Các linh mục và tu sĩ rời nhà trường đề trở về với các hoạt động phụng vụ và mục vụ tại dòng tu, giáo xứ. Nhiều anh chị em giáo dân là những giảng viên, giáo viên, bảo mẫu, nhân viên trong ngành, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người công dân, đồng thời cố gắng trở thành chứng nhân giữa các anh chị em đồng nghiệp mình, là những đảng viên, là những lương dân, và giữa học sinh thân yêu là những nhân cách đang phát triển.
* Ở miền Bắc:
Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Dương, thuộc Viện nghiên cứu Tôn giáo cho biết: “Sau năm 1975, hình thức sử dụng giáo lý viên dạy kinh bổn cho trẻ được các xứ họ đạo miền Bắc áp dụng và có hiệu quả. Năm 1993 - 1994, khi tiến hành khảo sát ở một số xứ đạo Công giáo ở địa phận Phát Diệm (Kim Sơn - Ninh Bình), chúng tôi được biết, các xứ đạo đều có một nhóm giáo lý viên. Hội viên là những thanh niên nam nữ có học vấn, có hiểu biết. Họ được xứ, họ đạo tuyển lựa đưa về Tòa Giám mục Phát Diệm đào tạo. Chi phí ăn uống, tài liệu do địa phận đài thọ. Báo Công giáo và Dân tộc số 981 ra ngày 23/10/1994 cho biết, tính đến tháng 9/1994, số giáo dân của địa phận Phát Diệm là 135.000, thuộc về 65 xứ đạo và 176 họ đạo với 241 nhà thờ lớn nhỏ. Địa phận, vào thời điểm tháng 9/1994, có 22 linh mục triều, 1 linh mục dòng, 2 nam tu sĩ, 24 nữ tu và 845 giáo lý viên. 
Phải nói ngay rằng, 845 giáo lý viên đó là một đội ngũ đông đảo. Nếu đem chia tỷ lệ thì cứ bình quân 1 giáo lý viên lo giảng giáo lý cho 160 người từ cụ già đến em nhỏ.
Qua điều tra, chúng tôi được biết đội ngũ giáo lý viên đông đảo không phải là đặc thù của địa phận Phát Diệm, mà ở một số địa phận có dịp khảo sát như Hà Nội, Hải Phòng, Bùi Chu, Vinh cũng có tình hình như vậy.
Như thế, tổ chức xứ đạo, họ đạo giữ một vai trò đáng kể vào việc giáo dục giáo hữu qua các ông trùm bà quản. Rồi theo thời gian, vai trò đó dần được chuyên biệt qua các giáo lý viên, là những người trợ giúp các linh mục trong việc giáo dục, thăng tiến đời sống tinh thần của giáo dân. (Bài đăng trên Báo CGvDT số 2260 trang 38).
2,3- Giới Công giáo tham gia vào sự nghiệp xã hội hóa giáo dục
Từ chính sách thời bao cấp: “Mọi người ai cũng được đi học” đến chủ trương: “Người đi học phải đóng học phí”. Nhà nước đã xóa bao cấp trong giáo dục, cho mở trường bán công, rồi dân lập từ mầm non đến đại học; cho tư nhân đầu tư vào giáo dục, cho người nước ngoài mở trường tại Việt Nam dưới dạng trường quốc tế. Nhiều người có tâm huyết, trong đó có cả những người thuộc các tôn giáo xin mở trường. Từ thập niên 1990, trường Trung học Sư phạm Mầm non thành phố Hố Chí Minh được phép mở các lớp đào tạo giáo viên mầm non cho các nữ tu và mọi công dân khác. Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, các trường lớp mầm non, mẫu giáo, các trường tình thương, lớp phổ cập của giới Công giáo do các dòng tu nữ phát triển vượt bực so với trước năm 1975..
Khi đề cập đến Giáo hội Công giáo Việt Nam với sứ vụ giáo dục, Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam viết:
“[...] Nhiều giám mục, linh mục ngoại quốc thắc mắc “Vậy thì làm thế nào để dạy giáo lý”? Đàng khác, Giáo hội vẫn tiếp tục thi hành sứ vụ giáo dục cách tích cực và đóng góp phần mình vào đời sống của xã hội cũng như sứ vụ chung của Giáo hội toàn cầu. Xin liệt kê một số hoạt động trong lãnh vực này: 
Nhà trẻ do các nữ tu đảm nhận đều được tín nhiệm cao trong xã hội; chính quyền cũng nhìn nhận. Trong số 52 nhà trẻ được tuyên dương năm 2014, có đến 50 nhà trẻ do các nữ tu đảm nhận.
Các “Trường Chúa nhật” (tại các nhà thờ) dạy giáo lý cho hằng trăm ngàn học sinh, và đây chính là lãnh vực Giáo hội đặc biệt quan tâm: “Khi thực thi phận vụ giáo dục, Giáo hội muốn sử dụng tất cả các phương thế thích hợp, nhưng vẫn chú trọng những phương thế riêng biệt của mình, trước tiên là chương trình huấn giáo nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần Chúa Kitô, đưa đến việc tham dự cách ý thức và tích cực vào mầu nhiệm phụng vụ, khuyến khích hoạt động tông đồ” (GD số 4). Bản thân tôi vẫn nghĩ rằng cách làm của Giáo hội Việt Nam hiện nay còn tốt hơn việc dạy giáo lý trong trường học... 
Như thế, cho dẫu phải đối diện với nhiều giới hạn và khó khăn, Giáo hội Việt Nam vẫn kiên trì tìm cách thực hiện sứ vụ giáo dục vốn gắn liền với sứ vụ Phúc-Âm-hóa đã được Chúa Giêsu trao lại. Do đó, những chỉ dẫn của Giáo hội về giáo dục vẫn rất cần thiết cho chúng ta, để thi hành sứ vụ tốt hơn và sẵn sàng góp phần tích cực, hiệu quả hơn nữa khi cánh cửa giáo dục học đường mở rộng hơn cho Giáo hội”. (Tập san HiệpThông / HĐGM VN, số 87 (tháng 3 & 4 năm 2015).
Gần đây Nhà nước cho phép một vài nơi mở trường cao đẳng, trung cấp nghề. Các tôn giáo mở trường đào tạo chức sắc tôn giáo, mở Học viện Công giáo... Tại Đồng Nai, có trường Cao đẳng nghề Hòa Bình, Xuân Lộc, liên thông Đại học, liên kết trường Đại học Saigon mở khoa Sư phạm. Dòng Salésien Don Bosco mở 4 trường Trung cấp nghề tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Hà Tĩnh và nhiều lớp dạy nghề tại các tu viện; có chế độ trợ cấp học phí, cấp học bổng cho học sinh giỏi, nghèo con các gia đình nông dân, công nhân; được đông đảo phụ huynh tín nhiệm. Học sinh ngay khi còn đang theo học đã được các nhà máy, xí nghiệp đến tuyển dụng, có việc làm ngay khi ra trường. Nhiều giáo xứ, dòng tu mở ký túc xá, lưu xá giúp hàng nghìn chỗ trọ cho học sinh, sinh viên với giá rẻ phù hợp, lại còn phụ đạo cho học sinh về kiến thức văn hóa ngoài giờ học chính khóa tại trường; các em không chỉ có điều kiện ăn học thuận lợi mà còn được bồi dưỡng về đời sống tinh thần, về phẩm chất.
Đọc Thư chung 2007 của Hội đồng Giám mục Việt Nam về “Giáo dục Kitô giáo: Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai”, Đức Giám mục Gioan Baotixita Bùi Tuần cảm xúc về những tấm gương sáng của người tín hữu Công giáo đang dấn thân cho sứ vụ giáo dục: “Chính lúc này, nhiều người đã đáp lại. Họ đang trở thành gương sáng. Gương sáng về sự khiêm tốn trở về. Gương sáng về sự âm thầm dấn thân. Gương sáng về sự quảng đại yêu thương. Gương sáng về sự can đảm chọn nếp tu thân. Gương sáng vế đức tin khiêm nhường phó thác.”
Tóm lại, tinh thần phục vụ và hiệu quả của việc hoạt động giáo dục của giới Công giáo thực tế được xã hội công nhận, góp phần vào sự phát triển của đất nước. 
Việc dạy Giáo lý đã được đưa về các giáo xứ có chương trình Huấn giáo do các linh mục, tu sĩ qua các sinh hoạt mục vụ, và được giảng dạy bời các giáo lý viên là những người cộng tác tích cực. 
Như vậy, việc lo ngại các trường học Công giáo (sau này) đưa giáo lý vào giảng dạy là không có cơ sở, không mang tính thuyết phục.
3- Kiến nghị
Nhà nước cần cho phép các cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước; trong đó có các tổ chức tôn giáo được tham gia tất cả các loại hình trường lớp, từ các cấp học mầm non, tiểu học, trung học đến đại học. Việc tham gia các hoạt động giáo dục phù hợp với qui định của pháp luật có liên quan.
Người Công giáo Việt Nam mong muốn góp phần với mọi giới đồng bào và luôn khẳng định rằng: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm” (TC số 10).
 
Phanxicô Xaviê Đỗ Công Minh
Thông tin khác:
Vatican phát hành bì thư vinh danh các anh hùng trong đại dịch (17/09/2020)
ĐTC ủng hộ sáng kiến ​​tặng một bữa ăn cho người nghèo của Giáo hội Slovakia (17/09/2020)
Tháp Babel hôm nay (16/09/2020)
Về nơi giáo xứ treo cờ Tổ quốc, giáo dân tặng vịt thoát nghèo (15/09/2020)
Hội nghị "Biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo" lần thứ V, giai đoạn 2015-2020 (11/09/2020)
Lãnh đạo Công giáo và Anh giáo ở Anh cầu nguyện cho hòa bình sau vụ đâm chém ở Birmingham (09/09/2020)
ĐTC tiếp nhóm vận động viên tham gia sáng kiến liên đới “We Run Together” (09/09/2020)
ĐHY Parolin truyền chức linh mục cho 29 phó tế của Opus Dei (08/09/2020)
Ngày 3/10, tại Assisi, ĐTC sẽ ký thông điệp mới về tình huynh đệ con người (08/09/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log