Quang cảnh giáo xứ Xuân Bảng |
Tự hào truyền thống Đức Tin Giáo hội Việt Nam đã có biết bao anh hùng tử đạo để làm chứng cho Đức Tin. Thật tự hào khi xứ Xuân Bảng là quê hương của biết bao vị anh hùng tử đạo. Các vị đã không sợ hy sinh gian khổ, chịu khó vì đạo, vững lòng chấp nhận cái chết để bảo vệ Đức Tin, góp phần đưa Giáo hội vượt qua giai đoạn khốc liệt của lịch sử. Thánh Martino Thọ (Trần Ngọc Quang)- mẫu gương người tín hữu, Thánh Gioan Baotixita Cỏn (Trần Ngọc Bản)- lý trưởng khô khan nhưng mạnh dạn bảo vệ đạo Công giáo. Họ là những người con của quê hương cùng chung một niềm khát khao kiên trung Đức Tin dù phải chết. Đến nay, Xuân Bảng đã có 5 vị, gồm 3 cha xứ, 2 người con quê hương được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển Thánh vào 19/6/1988 và có hơn 80 vị đang chờ Tòa Thánh xem xét hồ sơ phong Thánh.
Về dâng thánh lễ tại Xuân Bảng năm ngoái, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã nhấn mạnh về ý nghĩa tử đạo của các vị thánh tại Xuân Bảng, Đức Tổng Giám mục đã mượn lời của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Sứ điệp gửi Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Nếu hạt cải gieo vào lòng đất không mục nát, nó sẽ trơ trọi một mình, nếu chết đi nó sẽ trổ sinh nhiều hoa trái (Ga 12,24). Hạt giống gieo vào dòng lịch sử đã có một quá khứ oai hùng, sẽ đảm bảo một tương lai phong phú cho mùa hoa nở trong vườn Giáo hội Việt Nam” (Cf.Vatican 24/11/1985).
Hạt giống Đức Tin đó đã tiếp thêm thần khí để đến nay, Xuân Bảng là cộng đoàn toàn tòng với số giáo dân lên đến 3.000 người. Đặc biệt, giáo xứ còn có nhiều người đi theo ơn gọi, trở thành mục tử nhân lành, với 10 linh mục là người con của Xuân Bảng đang làm mục vụ tại các giáo xứ khác nhau.
Với đặc điểm là xứ đạo toàn tòng, ngoài giáo họ chính xứ chỉ có duy nhất một họ lẻ - giáo họ Trại Hương ngay bên cạnh, nên việc tổ chức các lễ trọng, các hoạt động tôn giáo, sinh hoạt cộng đoàn đều thuận tiện.
Trong môi trường kinh tế công nghiệp, làm việc tập trung tại các nhà máy xí nghiệp, giờ giấc khắt khe nhưng lòng mến Chúa luôn chất chứa trong tâm trí giáo dân Xuân Bảng để mỗi thánh lễ thứ Bảy, Chúa nhật hoặc các ngày lễ trọng, ngôi thánh đường nơi quê hương lại đầy ắp giáo dân thuộc đủ độ tuổi. Họ sốt sáng đến nhà Chúa, nhiệt thành tham gia các hội đoàn phù hợp độ tuổi như hội Mân côi, Giới trẻ, Thiếu nhi Thánh thể, Monica, Hội lòng thương xót Chúa, Gia trưởng…
Bên cạnh đó, để thêm phần tôn kính, giáo xứ đã sớm thành lập được đội trống, đội kèn tây, đội cồng chiêng. Mỗi dịp rước kiệu, các đội đều tham gia đầy đủ với những bài trống, bản nhạc kèn và tiết tấu cồng chiêng vô cùng sinh động, góp phần vào sự long trọng của cuộc rước kiệu kính các thánh.
Khởi sắc và trăn trở Bên cạnh những thăng tiến về Đạo, Xuân Bảng những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến về kinh tế. Nếu giai đoạn trước, hầu hết giáo dân chỉ sản xuất nông nghiệp với cây lúa là chủ yếu thì những năm qua, nhiều nhà đã đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp phục vụ thương nghiệp. Đặc biệt, vài năm gần đây, cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đã có chuyển dịch mạnh mẽ khi hầu hết thanh niên tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, một số đi làm ăn xa tại các thành phố lớn, đồng ruộng chỉ còn là tư liệu sản xuất cho những lao động trung niên và người già.
Sự chuyển biến trên đã tạo ra bước phát triển kinh tế cho mỗi gia đình, đem lại thu nhập đáng kể, bộ mặt xứ đạo đã khởi sắc: Khuôn viên thánh đường được mở mang, đẹp về kiến thiết tổng thể; giáo họ Trại Hương đã hoàn thiện được ngôi thánh đường mới, đang tiến hành kiến tạo hang đá; nhiều ngôi nhà mới của giáo dân khang trang hơn. Nhưng so với mặt bằng chung trong tỉnh, thì Xuân Bảng vẫn đi sau về kinh tế và giáo dục, do vị trí địa lí không thuận tiện quốc lộ, tỉnh lộ. Một thời kỳ dài, giáo xứ không có người thoát li nông nghiệp; đa phần các em chỉ học hết phổ thông rồi ở nhà làm nông nghiệp hoặc làm thuê theo kiểu thời vụ.
Khoảng gần chục năm nay, nhờ sự quan tâm của các cha xứ, cha quê hương đã khích lệ các gia đình quan tâm học hành cho con em. Phong trào khuyến học được xây dựng và phát triển, trong đó, hàng năm cha xứ thường tổ chức thánh lễ khai giảng đầu năm học; quỹ khuyến học của giáo xứ cũng tặng quà, hỗ trợ kinh phí cho con em học hành tiến bộ… Nhờ vậy, Xuân Bảng đã nhanh chóng gieo trồng được những thế hệ mới với hành trang học vấn cao hơn, hội nhập xã hội tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tại cũng cho thấy, Xuân Bảng đang phải đối mặt với nguy cơ về đất chật người đông; ô nhiễm môi trường do chăn nuôi thiếu tập trung, chưa có hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt đủ tiêu chuẩn. Đặc biệt, Khu Công nghiệp Bảo Minh có hệ thống xử lý nước thải đặt gần giáo họ Trại Hương thường xuyên phả mùi rất khó chịu vào tới nửa làng. Mỗi khi người dân có việc đi qua con đường nối sang làng Cao Phương (xã Liên Bảo), hoặc làm ruộng gần đó đều ghê sợ mùi hôi và khét lẹt từ hệ thống xử lý nước thải công nghiệp này.
Hy vọng, thời gian tới dưới sự dẫn dắt của các quý cha, đời sống đạo sẽ tiếp tục thăng tiến; Nhưng cũng mong các cấp chính quyền cũng quan tâm hơn để giải quyết những hạn chế về mặt xã hội, môi trường tạo điều kiện để Xuân Bảng vừa phát huy tốt hơn truyền thống Đức Tin kiên trung để xây dựng Giáo hội vừa nâng cao được chất lượng cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình.