Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông được đẩy mạnh, thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Từ năm 2021 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 02 hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật, 06 hội nghị tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hoá mới trong tang lễ cho gần 1.300 cán bộ, công chức, người dân tại các bản Mông; 01 hội nghị tuyên truyền về hôn nhân cận huyết thống tại huyện Quan Hóa.
Lực lượng kiểm lâm duy trì hoạt động của 44 tổ tuyên truyền, 44 mô hình khu dân cư “3 không” trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tổ chức cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Công an tỉnh tổ chức 02 hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy cho gần 400 người; đăng tải 1.500 bài viết trên mạng xã hội, phát 2.200 lượt tuyên truyền trên đài truyền thanh.
Khai giảng lớp học xóa mù chữ cho người dân dân tộc Mông tại bản Pa Búa, xã Trung Lý, huyện Mường Lát. |
Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các địa phương tuyên truyền được 278 buổi cho trên 19.000 lượt cán bộ, người dân tại các bản Mông trên địa bàn 3 huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát... Hệ thống dân vận các cấp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong vùng đồng bào Mông, nhất là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò 44 người có uy tín tại 44 bản trong vùng đồng bào dân tộc Mông.
Công tác dân vận chính quyền vùng đồng bào Mông được tăng cường; đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 04 mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ” tại các xã Trung lý, Phù Nhi, Mường Lý (huyện Mường Lát) và xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn). Tập trung triển khai thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và giao đất, giao rừng, giúp các hộ đồng bào dân tộc Mông ổn định cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới.
Tổng vốn giao thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong 02 năm (2022, 2023) của 03 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn trên 343,79 tỷ đồng; đến nay, trong vùng dân tộc Mông đã được đầu tư xây dựng mới 02 công trình giao thông, 05 công trình nước sạch, 01 công trình nhà văn hóa, 01 công trình trường học, 01 công trình chợ và nâng cấp, sửa chữa 06 công trình nhà văn hóa, các điểm trường tiểu học.
Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ hệ thống dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông được quan tâm củng cố, kiện toàn, bố trí đủ số lượng; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Các lực lượng vũ trang đóng quân trong vùng đồng bào dân tộc Mông được tăng cường, quan tâm bố trí cán bộ là người dân tộc Mông. Công an tỉnh bố trí 23 cán bộ cơ sở là người dân tộc Mông tại huyện Quan Sơn và huyện Mường Lát. Bộ đội Biên phòng tỉnh phân công 79 đảng viên phụ trách ở 41 bản người Mông; cử 21 đồng chí tham gia sinh hoạt tại 21 chi bộ bản Mông theo Đề án tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện; phân công 79 đảng viên phụ trách 379 hộ gia đình ở 41 bản người Mông.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập 05 tiểu đội dân quân thường trực tại các xã biên giới, tổ chức cho 12 quân nhân là người dân tộc Mông đi đào tạo các lớp chuyên môn, đào tạo hạ sĩ quan, đào tạo trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp ngành quân sự; tuyển chọn 57 công dân là con em đồng bào dân tộc Mông nhập ngũ vào các đơn vị quân đội bảo đảm chất lượng...
Công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong vùng đồng bào Mông được chú trọng; tập trung nắm chắc tình hình Nhân dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Duy trì 4 đội công tác liên ngành quân sự - công an - biên phòng tại 28 bản trọng điểm vùng đồng bào Mông.