Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS & MN) tỉnh Thái Nguyên là gần 2.000 tỷ đồng, trong đó tập trung đầu tư 10 dự án thành phần nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân. Các dự án bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai. Ảnh: H.Nguyên |
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, đến nay, tỉnh đã phân bổ, giao khoảng 850 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các dự án thành phần, nội dung theo quy định.
Với sự chỉ đạo và triển khai thực hiện bài bản, kết hợp các nguồn lực, Thái Nguyên đã có được những kết quả bước đầu, như: đã và đang xây dựng mới 222 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa xã, xóm, trường học, trạm y tế; duy tu, bảo dưỡng 64 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước. Các dự án, tiểu dự án, nội dung khác của Chương trình cũng có những kết quả tích cực, lan tỏa trong cộng đồng. Đây là những công trình phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế-xã hội. Hơn 200 hộ được giải ngân làm nhà ở, hơn 500 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, xây dựng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo sinh kế cho đồng bào.
Sau gần ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và với các chương trình, dự án đầu tư của tỉnh, đến nay Thái Nguyên có 100% các xóm, xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi có điện lưới quốc gia, trạm y tế, trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh, hơn 90% số xã có bác sĩ; 99,79% số xóm thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có đường ô-tô đến trung tâm xã được cứng hóa; hơn 95% số hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Chia sẻ về kết quả ban đầu thực hiện Chương trình, Trưởng ban Dân tộc của tỉnh Thái Nguyên cho biết, tỉnh đã sớm ban hành, hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình; sớm phân bổ vốn cho các sở, ngành chức năng, địa phương khẩn trương thực hiện, cùng với việc kịp thời thành lập các lập Ban Chỉ đạo các cấp, Ban Quản lý, các thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, dự án của Chương trình. Các dự án, tiểu dự án được thực hiện đồng bộ, phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, từng ngành; lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp hơn hai lần so với năm 2020; mỗi năm giảm bình quân 2% số hộ nghèo, giảm 50% số xã, số xóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê-tông; đường đến trung tâm thôn, bản được nhựa hóa, bê-tông hóa đạt 100%, duy trì tỷ lệ ít nhất 8% số học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, 98% số đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế.
T. Bình