Tin tức - Hoạt động

Đài tiếng nói Việt Nam trong niềm vui đại thắng

Cập nhật lúc 10:08 27/06/2017
        Nhớ về Mùa Xuân Đại Thắng năm 1975, trái tim tôi lại rộn ràng cảm xúc của ngày 6/4/1975 - ngày được Đài Phát thanh Giải phóng, tiếp sau đó là Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi “Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn ngụy quyền và bộ máy chiến tranh kìm kẹp của ngụy”. (Hồi chống Mỹ là vậy, việc thông báo những văn kiện cũng như những tin tức quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Bộ tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, tại Hội nghị Paris về Việt Nam... đều phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của cấp trên là Đài Phát thanh Giải phóng phát trước, Đài Tiếng nói Việt Nam phát sau với câu mào đầu không được thiếu “Theo Thông tấn xã Giải phóng”).

        Những nhà báo thuộc quân số của Ban Thời sự Đài TNVN thường trực 24/24 giờ trong ngày tại Trụ sở Đài (58 phố Quán Sứ, Hà Nội) thời ấy cảm nhận rằng “Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” là tiếng sét xé trời mây thông báo một loạt cảnh tượng ngoạn mục nữa sẽ xuất hiện tiếp sau những cảnh hoành tráng giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Huế và giải phóng Đà Nẵng). Như: ngày 8/4, phi công Nguyễn Thành Trung ném bom dinh Độc Lập; ngày 16/4, Tổng thống Mỹ G, Ford ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn (ông còn gửi thư thượng khẩn nhở Ban lãnh đạo Liên Xô liên hệ với Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Mỹ vận chuyển an toàn tất cả người Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam); ngày 21/4, quân ta đánh tan tuyến phòng thủ của địch ở Xuân Lộc. Cùng ngày, Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống ngụy, lên máy bay chạy ra nước ngoài; ngày 23/4, Tổng thông G. Ford tuyên bố “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt đối với Mỹ”; ngày 26/4, quân ta mở “Chiến dịch Hồ Chí Minh”; ngày 28/4, phi đội Nguyễn Thành Trung ném bom phi trường Tân Sơn Nhất; ngày 30/4, quân ta chiếm Dinh Độc Lâp, kết thúc “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử...Tất cả mọi cơ quan truyền thông ở nước ta và trên thế giới đều đưa tin này sôi nổi chẳng kém đưa tin chiến thắng Điện Biên Phủ cách đó 21 năm và tin kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai cách đó 30 năm.

        Nhân đây, tôi xin nêu một đoạn trong hồi ức của phát thanh viên Trần Phương, nghệ sĩ ưu tú, người có giọng đọc miền Nam truyền cảm, vinh dự có mặt trong tốp phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức đưa tin đại thắng: “Sát 17 giờ ngày 30/4/1975, chiếc xe Moscovich đỗ xịch trước cửa phòng bá âm, 39 phố Bà Triệu, Hà Nội. Ông Trần Lâm - Tổng biên tập Đài cùng phóng viên thời sự Trọng Kiểm bước ra. Mọi người chờ đợi phút này đây. Chính tay ông Trần Lâm cầm tờ tin giải phóng miền Nam, đi thẳng vào studio, trao cho hai phát thanh viên kỳ cựu Nguyễn Thơ và Tuyết Mai đang chờ sẵn. Đúng 17 giờ, nhạc hiệu nổi lên, tiếp đến Nguyễn Thơ đọc: “Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe tin: Sáng nay, Quân Giải phóng đã tiến vào Sài Gòn. Cờ Giải phóng đã được cắm trên nóc dinh Độc Lập. Ta hoàn toàn giải phóng miền Nam…”. Chị Tuyết Mai đọc lại tin chiến thắng lần nữa. Khi tin gần hết, thì cuộn băng ghi âm bài bình luận được lắp lên máy. Đầu băng chị Hoàng Yến mời thính giả nghe bài: “Cả nước ôm hôn thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”- Trần Phương đọc. Mở đầu, nhà báo quân đội Cao Nham viết: “Cả nước ôm hôn thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Vang dậy đất trời tiếng reo vui của cả nước. Sài Gòn- Gia Định đã hoàn toàn giải phóng. Đỏ rực cờ sao trong tiếng pháo ran, cả nước chào mừng thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng…”. Phát thanh viên Trần Phương còn kể: “Trong đời phát thanh viên, chưa bao giờ tôi được đọc một bài xúc động đến nghẹn ngào như bài chiều hôm ấy…”. (Hồi ức này có tên “Buổi phát thanh được đợi chờ”, đăng trong ấn phẩm “Phát thanh vào Nam - một thời nhớ mãi”, Ban biên tập miền Nam Đài TNVN (1954-1975) chủ biên, Nxb Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2006).            

        Cùng thời điểm Đài TNVN phát đi tin tức miền Nam được giải phóng, hàng ngàn người dân Thủ đô kéo tới phố Quán Sứ nơi có Trụ sở Đài TNVN (số nhà 58) và Trụ sở Đài Phát thanh Giải phóng A (số nhà 56) ngắm nhìn là cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh tháp truyền hình cao 60m và hòa ca nhạc phẩm “Như có Bác Hổ trong ngày vui đại thắng” được tiếp âm qua dàn loa phóng thanh đặt tại hàng rào cơ quan. Lại nũa, trên một trăm cán bộ và nhân viên của hai Đài từ Bộ biên tập đến các Ban biên tập Thời sự, Miền Nam, Đối ngoại, Văn nghệ, Hậu cần... cùng tràn xuống sân cơ quan, hướng ra đường vẫy chào và chung vui với bà con Thủ đô. Đứng cạnh nhạc sĩ Phạm Tuyên, thấy ông mỉm cười và rớm lệ, tôi nắm lấy tay thân tình hỏi “Cảm xúc của anh lúc này?”. Ông cũng xiết chặt lấy tay tôi, thân tình đáp (đại ý) rằng ông rất sung sướng trước chiến công vĩ đại của dân tộc, rất tự hào là người dân đất nước kiên cường quyết chiến và quyết thắng kẻ thù xâm lược, và rất nhớ Bác Hồ... Rồi ông kể: “Những cảm xúc rạo rực khôn tả đến với mình từ ngày quân ta nổ súng giải phóng thành phố Ban Mê Thuật, nhất là khi nghe “Tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xóa bỏ hoàn toàn ngụy quyền và bộ máy chiến tranh kìm kẹp của ngụy” qua Đài phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam; tiếp đến, đêm 28/4, được tin phi công Nguyễn Thành Trung ném bom phi trường Tân Sân Nhất, mình hứng khởi viết xong bài hát “Như có Bác Hổ trong ngày vui đại thắng” chỉ vài giờ trong đêm. Trưa nay, Bộ Biên tập duyệt. Chiều nay, Đoàn Ca nhạc Đài dàn dựng, nhạc trưởng Cao Việt Bách chỉ huy, nghệ sĩ Đặng Hùng và nghệ sĩ Tuyết Thanh lĩnh xướng. Mấy chuyện gia kỹ thuật âm thanh thu bài rất chỉn chu”. Tiếp lời ông, tôi bình luận: “Bốn câu tự thuật: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay thành chiến thắng huy hoàng/ Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa hòa kháng chiến đã thành công” ngắn gọn và chuẩn xác; bốn câu điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh” hào hùng và thắm thiết, chân thành và cụ thể, ngắn gọn và sâu sắc, dễ hát và dễ thuộc. Tuyệt! Thật tuyệt! Chúc mừng anh đã có nhạc phẩm kịp thời và sống mãi”. Trong phút giấy lắng đặng sau đó, tôi nghĩ, qua những công việc cụ thể truyền tin, bình luận, viết bài, ca hát, chuyền tải âm thanh... những người công tác tại Đài TNVN rõ là hạnh phúc, bởi được sống và làm việc ở một cơ quan được coi là “Một trong những người phát ngôn chính thức của nhà nước”.
 
HẢI VÂN
Thông tin khác:
Chung tay bảo vệ thiên nhiên, môi trường cùng phụ nữ các tôn giáo Tây Nguyên (27/06/2017)
Xứng đáng niềm tin của đồng bào có đạo (26/06/2017)
Bác Hồ duyệt bài tường thuật của phóng viên (23/06/2017)
Hiệp thương cử Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam (22/06/2017)
Từng bước đổi mới đáp ứng yêu cầu của phong trào thi đua yêu nước (19/06/2017)
Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thăm và chúc mừng Báo Người Công giáo Việt Nam (16/06/2017)
Cuộc đời của vị linh mục là một cựu bác sĩ Phật giáo (16/06/2017)
Những vị thánh thân xác vẫn nguyên vẹn nhiều năm sau khi qua đời (15/06/2017)
Sắc màu trong đời sống tu trì (15/06/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log