Hiện diện trong Thánh lễ đặc biệt hôm nay có 11 Đức cha thuộc các giáo phận miền Bắc, 300 linh mục, 200 chủng sinh, đông đảo nam nữ tu sĩ của nhiều Dòng tu và bà con giáo dân. Ước tính có khoảng 18.000 tín hữu từ khắp các Giáo phận trong Giáo tỉnh Hà Nội đã quy tụ nơi đây để tham dự. Ngoài việc mọi người đến đây cùng nhau ôn lại đời sống đức tin của cha ông, hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa; thì hết thảy thành phần dân Chúa còn bày tỏ sự hiệp thông với những chủ chăn của mình để cầu nguyện cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa trong Giáo Tỉnh Hà Nội.
Cùng với Giáo hội Hoàn vũ theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Năm Đức Tin của Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam đã đựợc long trọng khai mạc. Đây là thời gian ân sủng và thuận tiện, là dịp để mọi thành phần Dân Chúa học hỏi đào sâu về đức tin và không ngừng tăng trỉển đức tin ấy trong hành trình cuộc đời của mình. Mục đích chính yếu của Năm Đức Tin là nhằm tạo điều kiện cho người công giáo ở khắp năm châu nhìn lại đời sống đức tin của mình trong bối cảnh văn hóa xã hội hôm nay, tìm cách bổ sung những thiếu sót và bất cập, điều chỉnh những méo mó và lệch lạc, hướng đến sống hồng ân đức tin ngày càng trung thực và trọn vẹn, mở đường cho hồng ân đức tin ngày càng tỏa sáng trong môi trường văn hóa và xã hội, kinh tế và chính trị trên thế giới cũng như tại đất nước Việt Nam hôm nay.
Trong Năm Đức Tin này, phong trào Tân Phúc Âm hoá được Giáo hội đặc biệt coi trọng. Đã có nhiều hứớng dẫn từ Toà Thánh và Hội Đồng Giám mục làm chỉ nam để thúc đẩy thực thi trong Giáo hội, nhất là tại các cộng đoàn Giáo hội địa phương. Hồng ân đức tin soi dẫn cho người tín hữu làm theo lời Đức Thánh Cha nhắc nhở dân Chúa hãy Phúc Âm hóa đời sống và bổn phận thường ngày của mình. Nghĩa là ý thức đưa ánh sáng chân lý cùng sức sống mới của Lời Chúa vào trong việc tu thân luyện đức và giáo dục, vào trong việc tề gia là chăm lo cho gia đình cùng cộng đoàn, vào trong việc trị quốc là quản trị một tổ chức, một cộng đoàn, nhằm mang lại sự an bình cho người người, sự an lành cho nhà nhà. Phúc Âm hóa sẽ giúp cho người tín hữu thi hành những bổn phận thường ngày vừa thuận ý trời, vừa hợp với giáo huấn của Giáo Hội cùng truyền thống văn hóa và đạo đức của dân tộc, vừa hòa với lòng nhân, lòng đạo, lòng tin của con người. Việc tân Phúc Âm hoá là một cách thức mới để chúng ta sống và chia sẻ đức tin của mình với người khác với lòng nhiệt thành mới.
Trước thánh lễ, đoàn rước trang trọng từ khuôn viên Trung tâm hành hương các Thánh Tử Đạo tiến vào Vương Cung Thánh Đường trong sự hân hoan và bầu khí đạo đức của mọi thành phần Dân Chúa, giữa lời ca nhập lễ đầy ý nghĩa. Thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Giáo tỉnh Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự. Ngài hân hoan chào mừng sự hiện diện đông đảo của các Đấng bậc cùng mọi thành phần Dân Chúa trong toàn Giáo tỉnh Hà Nội đã quy tụ về Sở Kiện để tham dự một cử hành thánh hết sức quan trọng và ý nghĩa của Giáo tỉnh Hà Nội trong năm Đức Tin này. Ngài nói: “Hôm nay chúng ta quy tụ các thành phần dân Chúa thuộc 10 giáo phận miền Bắc phần nào làm sống lại khung cảnh và bầu khí của hai Công Đồng đầu tiên của Giáo Hội tại Việt Nam. Cùng với các mục tử của mình, chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử của các chứng nhân đức tin trên quê hương thân yêu này, để xin Chúa cho mỗi người cộng tác tích cực vào công cuộc tân Phúc Âm hoá, nhằm mở mang nước Chúa và xây dựng một “Hội Thánh được hiệp nhất và bình an như ý Chúa muốn”.
Trong phần Phụng vụ Lời Chúa, cộng đoàn hiện diện cùng lắng nghe những chia sẻ của Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Hải Phòng: “Chúng ta đang dừng chân tại một mảnh đất thiêng liêng, đã ghi đậm dấu ấn của lịch sử truyền giáo tại miền Bắc. Nơi đây đã thấm màu đào của các Thánh Tử đạo Việt Nam, là những bậc Tiền bối của chúng ta trong đức tin. Nơi đây cũng chứng kiến những biến cố quan trọng của những sinh hoạt Giáo Hội.
Cách đây ba năm, cũng tại nơi này, Năm Thánh Giáo Hội công giáo Việt Nam đã được khai mạc vào ngày 24-11-2009, với sự hiện diện của Vị Đặc sứ Tòa Thánh, Đại diện của một số Giáo Hội chị em, các Giám mục Hội đồng Giám mục Việt Nam và trên một trăm ngàn tín hữu đến từ 26 giáo phận trong cả nước cũng như từ hải ngoại.
Đắc biệt, biến cố làm cho Sở Kiện được ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, là Công đồng miền Bắc kỳ lần thứ hai vào năm 1912, cách đây vừa tròn 100 năm. Với thao thức tiến triển trong công cuộc truyền giáo, các Giám mục miền Bắc đã nhóm họp Công đồng tại Sở kiện từ ngày 10-11 đến ngày 24-11- 1912. Công đồng có sự hiện diện của bảy giám mục đại diện cho bảy giáo phận miền Bắc và một số đại biểu gồm các giám mục phó, linh mục Tổng đại diện, các thừa sai ngoại quốc và linh mục bản xứ. Công đồng Kẻ Sở được triệu tập 12 năm sau Công đồng miền Bắc kỳ lần thứ nhất tại Kẻ Sặt, thuộc Giáo phận Đông Đàng ngoài, nay là Hải Phòng, nhằm mục đích dựa theo định hướng của Công đồng lần thứ nhất, đồng thời bổ sung những vấn đề chưa được thống nhất trong Công đồng trước.
Hôm nay, tiếp nối bước chân của các vị Tiền bối, chúng ta hiện diện nơi đây, gồm có các Giám mục và đại diện mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo tỉnh để kỷ niệm một biến cố quan trọng trong lịch sử. Tại địa điểm linh thiêng này, chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân Đức tin; tôn vinh các Thánh Tử đạo; tri ân các Bậc Tiền nhân và cùng nhau lắng nghe bài học của lịch sử, nhờ đó chúng ta tìm raThánh ý Chúa để thực thi sứ mạng trong hoàn cảnh thực tại đang đổi thay từng ngày. Bài học chúng ta học được nơi các Bậc Tiền bối là mẫu gương nhiệt thành của các vị mục tử, tinh thần đạo đức và kỷ luật và những thao thức để truyền giáo trong bối cảnh xã hội của miền Bắc Việt Nam trước những thách đố đương thời. Công đồng Sở Kiện đã đưa ra những chỉ dẫn và lời khuyên cụ thể cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ để có thể xây dựng và phát triển một cộng đoàn Giáo Hội trong thời kỳ truyền giáo. Một số hoạt động tông đồ mà tính xã hội như mở trường học, nhà thương và các cơ sở bác ái cũng được khuyến khích và định hướng. Việc tổ chức Công đồng cho thấy các vị chủ chăn của chúng ta xác định rõ: đoàn kết làm nên sức mạnh; tình hiệp thông đem lại cho Giáo Hội những thành quả tích cực cho hoạt động tông đồ…”
Tiếp đó, Đức cha Giuse dùng hình ảnh bên bờ giếng Gia-cóp, một hình ảnh gần gũi với con dân Việt Nam để đề cập tới việc truyền giáo. Khi đề cập tới hình ảnh chiếc giếng, Sứ điệp Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới vừa qua muốn nêu rõ tình trạng con người thời nay. Họ không chỉ khát nước, không chỉ khát tiền bạc vật chất mà họ khát chân lý. Hiện trạng xã hội Việt Nam chúng ta cũng cho thấy điều đó: càng ngày càng phổ biến các vụ tự tử, chém giết, cướp bóc... Khá nhiều người trong xã hội hôm nay, nhất là nơi các bạn trẻ, cảm thấy hoang mang, trống rỗng vì không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Họ mất niềm tin và hậu quả là họ vùi mình trong men rượu, ma túy và ăn chơi trác táng. Họ đang cần có người giúp họ tìm tới mạch nước của hạnh phúc và niềm vui.
Việc thực thi sứ mạng truyền giáo là giúp cho mọi người tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Loan báo Tin Mừng là nói với anh chị em mình rằng Thiên Chúa yêu thương họ và muốn cho họ hạnh phúc. Đây cũng chính là điều mà Đức Giê-su đã thực hiện bằng trọn vẹn cuộc đời dương thế của Người.
Đức cha Giuse cũng đề cập tới hình ảnh "chiếc giếng đầu làng" là những gợi ý để chúng ta diễn tả một Giáo Hội thân thiện hòa đồng, yêu thương chân thành và bác ái yêu thương. Công cuộc Phúc âm hóa là của mỗi chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, vì hết thảy chúng ta đều được trao phó nhiệm vụ này khi được Thanh Tẩy.
Thánh lễ đựơc tiếp diễn trong một bầu khí Phụng vụ hết sức trang nghiêm, thánh thiêng và cảm động. Nơi Vuơng Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Sở Kiện hôm nay diễn tả cách sống động tình hiệp thông giữa mọi thành phần Dân Chúa trong Hội Thánh, quy tụ với nhau trong cử hành Phụng Vụ trong một dịp đặc biệt của năm hồng phúc Đức Tin.
Cuối Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục trưởng Giáo tỉnh hà Nội bày tỏ lòng tri ân đến các thành phần từ khắp nơi trong 10 Giáo phận đã đến tham dự thánh lễ này, từ các Đức Giám Mục, quý cha, quý chủng sinh, nam nữ tu sĩ và giáo dân. Ngài nhấn mạnh đến vai trò của mỗi giới trong Hội Thánh và ngài cũng không quên cảm ơn các hội đoàn, dòng tu và tiểu ban đã cầu nguyện, giúp đỡ và cộng tác để tổ chức Thánh lễ được trang nghiêm và sốt sắng cũng như đem lại nhiều hoa trái thiêng liêng. Xin Thiên Chúa đón nhận tất cả tâm tình tin tưởng và phó thác của chúng ta mà ban phúc lành trên Giáo Tỉnh Hà Nội.
Thánh lễ kết thúc với phép lành trọng thể ban ơn Toàn xá trong Năm Đức Tin của Giáo hội Công giáo.