Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Đức Giáo hoàng Phanxicô (7/2023). |
Thời cơ mới Sự kiện mang dấu ấn mới trong quan hệ Việt Nam - Vatican là chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Vatican cuối tháng 7/2023. Bản quy chế cho vị đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam đã được hai bên ký ban hành. Chủ tịch nước đã có cuộc gặp với Đức Giáo hoàng Phanxicô và một số quan chức cao cấp của giáo triều Rôma, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã gặp gỡ Hội đồng Giám mục Việt Nam thông báo về chuyến thăm Vatican vừa qua. Trong thông báo gửi cộng đoàn dân Chúa của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng,... Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã nói rằng, chúng ta có hy vọng được đón Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam một ngày không xa. Hy vọng này không phải quá xa vời. Ngay trên đường từ Mông Cổ về Rôma chiều 4/9/2023, trả lời câu hỏi của phóng viên Gerard O’Connell của tờ America Magazine: Liệu Đức Thánh Cha có chuyến viếng thăm Việt Nam không? Đức Thánh Cha trả lời: “Việt Nam là một trong những kinh nghiệm đối thoại rất đẹp mà Tòa Thánh có được trong thời gian gần đây. Về việc viếng thăm Việt Nam, nếu tôi không đi được thì Đức Gioan XXIV sẽ đi, bởi đó là vùng đất đáng để đến, nơi tôi rất thiện cảm”. Vậy ai đó còn hồ nghi về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam nên suy nghĩ lại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden gặp mặt báo chí. |
Sự kiện thứ hai mới đây, ngày 10/9/2023 Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sang thăm Việt Nam và ký nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lên hàng đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và phát triển bền vững. Điều này, ngay cả nhiều người lạc quan trước đó cũng không dám nghĩ đến. Hoa Kỳ và Việt Nam đã từng là thù địch với nhau cả vài chục năm. Sau khi hòa bình được vãn hồi 1975, 20 năm sau, 1995 hai nước mới bình thường hóa quan hệ và 10 năm trước, hai nước nâng thành đối tác chiến lược. Năm 2023 quan hệ vượt cấp lên hàng đối tác chiến lược toàn diện ngang với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tổng thống Hoa Kỳ đã nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Việt Nam. Vậy là Hoa Kỳ đã tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, công nhận Đảng Cộng sản là người lãnh đạo đất nước Việt Nam- một điều mà dưới thời chiến tranh lạnh không thể nào xảy ra được. Vậy những ai còn băn khoăn mâu thuẫn địch - ta sẽ phải thay đổi thái độ của mình.
Sự kiện thứ ba là việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Khái niệm AI (Artificial Intellogence) mới được nói đến từ năm 1956 ở Hoa Kỳ. Nhưng tới nay AI có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực đã vượt gấp nhiều lần trí tuệ của con người. Bây giờ các robot không chỉ đóng vai phục vụ mà còn làm quản lý điều hành. AI đã thay thế nhiều ngành nghề như tư vấn y tế, luật pháp, ngân hàng, lái xe, khai thác mỏ… Người ta dự đoán tới năm 2028-2030, AI sẽ làm thay đổi cách điều hành của các tổ chức, cơ quan và cả hành chính quốc gia nữa. Ngay bây giờ, họp hành trực tuyến tiện lợi, không tổn phí kinh phí, thời gian đi lại, thì việc hội họp của Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam sẽ đơn giản rất nhiều nhất là thuận lợi cho các vị tuổi cao sức yếu. Báo cáo mỗi kỳ Đại hội của Ủy ban ĐKCG Việt Nam cũng không cần nhiều ban soạn thảo, trao đi đổi lại nhiều lần vì AI có thể làm trong mấy phút thôi. Nhưng cũng có vấn đề đặt ra là đạo đức của thời AI sẽ ra sao nếu AI thống trị cả con người?
Kỳ vọng mới Bước vào Đại hội VIII, Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã có tư duy mới. Trước đây, địa phương nào không có linh mục, tu sĩ tham gia Ủy ban bị coi là “khiếm khuyết”. Cho nên nhiều địa phương cố tìm linh mục, tu sĩ tham gia không được nên cũng không thành lập Ủy ban. Cả nước còn hơn hai chục tỉnh, thành như thế. Ngay phía Bắc cũng còn 9 địa phương có Ủy ban nhưng vắng bóng linh mục, tu sĩ. Nhưng cộng đoàn Công giáo có nhiều thành phần chứ đâu chỉ có mỗi giáo sĩ, tu sĩ. Sau Công đồng Vatican II, vai trò của giáo dân được đề cao. Đức Phanxicô còn bổ nhiệm giáo dân vào nhiều chức vụ trong giáo triều Vatican, những vị trí mà trước đó chỉ dành cho Giám mục, Hồng y. Vậy nếu giáo dân lãnh đạo Ủy ban thì đó là dấu hiệu tốt, chứng tỏ giáo dân đã trưởng thành và cũng rất đúng với xu thế ngày nay của Giáo hội Công giáo. Tỉnh Hà Tĩnh là ví dụ. Khóa trước, linh mục Antôn Đậu Quang Hải là Chủ tịch Ủy ban. Khi linh mục Antôn qua đời, vừa qua, tại Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 đã suy cử TS. BS Gioan Baotixita Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh là Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Được một giáo dân lại là trí thức có uy tín, chắc chắn hoạt động của Ủy ban ĐKCGVN tỉnh Hà Tĩnh sẽ khởi sắc hơn. Với cách làm này, khóa tới, chắc chắn con số tỉnh thành có Ủy ban ĐKCG Việt Nam sẽ vượt xa con số 42 hiện nay.
Dự thảo Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) nhiệm kỳ 2023-2028 có một điều mới là có chức danh Chủ tịch danh dự. Đây sẽ là điểm tháo gỡ cho nhiều địa phương khi linh mục Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh, thành già yếu không đủ sức khỏe điều hành nhiệm vụ. Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh trước đây, dù già yếu, Thành phố vẫn giữ nguyên chức Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam cho cha đến khi cha qua đời. Nhưng nay có chức Chủ tịch danh dự, linh mục Phêrô Phan Khắc Từ cũng vui vẻ nhận chức và Đại hội IX vừa qua đã suy cử linh mục Đaminh Đinh Ngọc Lễ là Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.
Các vị đại biểu với Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2023-2028. |
Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ (thứ hai từ trái qua phải) được suy cử làm Chủ tịch danh dự Ủy ban ĐKCG Việt Nam TP. Hồ Chí Minh lần IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028. |
Ủy ban ĐKCG Việt Nam ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều Giám mục Việt Nam. Cha Bosco Hoàng Văn Chính là Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Nhưng Tòa Giám mục Đà Lạt lại bổ nhiệm cha là Tổng đại diện giáo phận. Nhiều việc quá nên cha Bosco xin nghỉ chức Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh. Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh đã gặp cha Bosco nói: Cha vẫn đang làm tốt mà. Hơn nữa, có cha làm Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh, tôi thấy yên tâm hơn. Ủy ban ĐKCG Việt Nam làm được một số việc mà người khác không làm được. Vậy là cha Bosco vẫn giữ chức Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh Lâm Đồng. Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên của giáo phận Cần Thơ đã cử một linh mục trong giáo phận tham gia lãnh đạo Ủy ban ĐKCG thành phố Cần Thơ cùng với cha Phêrô Phan Đình Sơn (linh mục của giáo phận Long Xuyên) và Đại hội của Ủy ban ĐKCG Việt Nam Thành phố Cần Thơ đã diễn ra tốt đẹp ngày 21, 22/9/2023... Hôm chúng tôi vào chào thăm Đức cha Giuse của giáo phận Phú Cường, ngài ngợi khen cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Riễn - Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh Bình Dương đã làm cho một vùng xưa nay không bóng nhà thờ thành một trung tâm Công giáo sốt sắng khá đông tín hữu ở Phố Mới - TP. Thủ Dầu Một. Cha Gioan Baotixita cũng mau lẹ lắm. Hôm họp Đoàn Chủ tịch Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đề nghị các Ủy ban ĐKCG Việt Nam các tỉnh thành nên ủng hộ báo Người Công giáo Việt Nam bằng cách mỗi tỉnh mua 100 bản báo. Cha Gioan Baotixita đồng ý, xin báo chuyển cho Bình Dương 100 bản/ mỗi số báo…
Cách đây hơn chục năm, cha Giuse Trần Xuân Mạnh ở xứ Điền Hộ có trao đổi với tôi ngay khi Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã tán thành thành lập Ủy ban ĐKCG tỉnh Thanh Hóa và đề nghị cha làm Chủ tịch. Tôi hỏi: bằng chứng đâu cha? Cha Giuse mở điện thoại cho tôi xem tin nhắn. Đức cha Giuse viết: “ Vì lợi ích của giáo phận, tôi xin cha nhậm chức Chủ tịch Ủy ban ĐKCG tỉnh Thanh Hóa”. Vậy là sự tồn tại của Ủy ban đâu chỉ là do nhu cầu của phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo mà còn là vì lợi ích của Giáo hội nữa.
Vì vậy, mọi người có quyền kỳ vọng nhiệm kỳ 2023-2028 của Ủy ban ĐKCG Việt Nam sẽ đổi mới, năng động và hiệu quả hơn.