Tin tức - Hoạt động

THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010 GỬI TOÀN THỂ CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA VIỆT NAM (Phần 1)

Cập nhật lúc 18:34 06/05/2011

 

Kính gửi:
 
Toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam
 
 
DẪN NHẬP
 
1. Cử hành Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên Đàng Trong và Đàng Ngoài, 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm, Giáo Hội tại Việt Nam dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các bậc tiền nhân, đồng thời nỗ lực đào sâu và làm tăng trưởng đức tin cũng như hâm nóng lại nhiệt tình loan báo Tin Mừng.[1] Trong tâm tình đó, ngày lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 24.11.2009, cộng đoàn tín hữu Việt Nam đã long trọng khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Sau một năm chuẩn bị, Đại Hội Dân Chúa được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ thuộc Tổng giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh từ ngày 21 đến 26.11.2010. Cuối cùng, lễ Bế Mạc Năm Thánh được cử hành trọng thể tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang thuộc Tổng giáo phận Huế ngày lễ Hiển Linh 06.01.2011.
 
2. Để phát huy những thành quả của Năm Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi đến toàn thể các tín hữu Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010. Thư Chung này hình thành từ những suy tư, trao đổi và cầu nguyện của toàn thể Dân Chúa Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, hợp nhất với các mục tử, để định hướng cho đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Tất cả là để phục vụ Vương Quốc Thiên Chúa, vương quốc sự thật, sự sống, công chính, yêu thương và bình an.[2]
 
3. Dưới ánh sáng Tin Mừng, Thư Chung này trước hết trình bày sơ lược về hiện trạng quê hương, nơi người Công Giáo Việt Nam đang sống và thực thi sứ vụ của mình. Chương II cho thấy cần phải sống và thể hiện mầu nhiệm Giáo Hội như thế nào trong hoàn cảnh ngày nay theo lời mời gọi của Chúa. Chương III tập trung vào sự hiệp thông trong Giáo Hội được nhìn như gia đình của Thiên Chúa. Chương IV nêu lên những khía cạnh chính yếu trong sứ vụ của Giáo Hội tại Việt Nam ngày nay.
 
Chương I
 
HIỆN TRẠNG XÃ HỘI VIỆT NAM DƯỚI ÁNH SÁNG ĐỨC TIN
 
“Cảnh sắc đất trời thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét” (Lc 12, 56).
4. Được mời gọi tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa qua những dấu chỉ thời đại, Giáo Hội tại Việt Nam cố gắng lắng nghe, nhận diện và phân định những thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng.
Hiện nay Việt Nam đang hòa nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, cụ thể qua việc tham gia các tổ chức khu vực như Khối Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) và quốc tế như Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Việt Nam thu hút đầu tư của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với những kỹ thuật hiện đại, tạo thêm công ăn việc làm cho dân chúng và làm cho đất nước mang dáng dấp một quốc gia đang phát triển.[3] Người dân được tiếp cận với những thông tin và thành quả đa dạng về khoa học kỹ thuật, mở ra những cơ hội cho một phong thái làm việc mới.[4]
Tuy nhiên, vì chưa được chuẩn bị đầy đủ để bước vào tiến trình toàn cầu hóa nên Việt Nam gặp rất nhiều thách đố. Tình trạng lạm phát, tệ nạn tham nhũng và hối lộ, việc quản lý lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm đối với những tài nguyên quốc gia… làm cho đời sống người dân thêm khó khăn.[5] Hố phân cách giầu nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Nhiều người dân vẫn chưa có mức sống xứng hợp với nhân phẩm, không những tại nông thôn mà ngay cả trong những thành phố lớn. Do đó, vấn đề không chỉ là kinh tế mà còn là vấn đề đạo đức và xã hội.[6]
5. Hiện trạng kinh tế ấy kéo theo nhiều thay đổi trong xã hội Việt Nam. Sinh hoạt làng quê cổ truyền dần dần được thay thế bằng nếp sống đô thị.[7] Dân chúng đổ xô về những thành phố lớn kiếm công ăn việc làm, tạo ra mật độ dân cư chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt tại các thành phố lớn, do tình trạng dân số gia tăng quá nhanh, thiếu chính sách quản lý và phát triển đô thị hợp lý, nên gây nhiều hậu quả tiêu cực trên sinh hoạt xã hội: môi trường sống thiếu vệ sinh và đang bị tàn phá, hệ thống giao thông và y tế yếu kém, nhiều tệ nạn xã hội như nghiện ngập, phá thai, mãi dâm, bạo lực...[8]
Giới trẻ Việt Nam rất năng động, sẵn sàng tham gia những giao lưu và sinh hoạt xã hội. Họ mau chóng nắm bắt những thành quả của công nghệ hiện đại để nâng cao kiến thức và giúp ích cho đời. Tuy nhiên, chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, những cách trình bày chân lý nửa vời trên các phương tiện truyền thông, những chương trình giải trí thiếu lành mạnh… đã đưa nhiều bạn trẻ đến một não trạng và lối sống thực dụng, làm bất cứ điều gì để hưởng lợi, miễn là không bị bắt hay không ai nhìn thấy. Tiêu chuẩn tốt xấu trở thành tương đối và như thế, có dấu hiệu về sự phá sản lương tâm.[9]
6. Nền kinh tế thị trường phần nào đã giúp cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, chủ trương tập quyền, những chính sách bất cập và luật pháp chưa nghiêm minh, qui chế ưu đãi cho một thiểu số đặc quyền, nạn tham nhũng, v.v.... tạo nên lối sống ích kỷ, đùn đẩy trách nhiệm và thiếu quan tâm đến công ích. 10] Ngoài ra, các tôn giáo cũng như nhiều người thiện chí vẫn chưa có điều kiện pháp lý để đóng góp tích cực vào việc xây dựng đất nước, cách riêng trong lãnh vực giáo dục, y tế và bác ái.
7. Truyền thống văn hóa Việt Nam vẫn đề cao những đức tính như tình gia đình gia tộc, tương thân tương ái, tôn sư trọng đạo... Tuy nhiên, những giá trị đó đang bị đe dọa nghiêm trọng do não trạng duy vật và hưởng thụ, tính cục bộ và óc địa phương hẹp hòi, thói gian dối và lừa đảo, nạn bạo hành...[11] Điều đáng lo ngại hơn cả là phẩm chất giáo dục. Sứ mệnh của giáo dục là đào tạo cho xã hội những con người liêm chính và có tinh thần trách nhiệm, biết phát huy việc học hỏi và suy tư với óc phê phán cũng như khảo cứu cách sáng tạo. Trong thực tế, hiện trạng giáo dục tại Việt Nam khiến nhiều người lo ngại, một số giáo viên chưa thể hiện được chức năng nhà giáo đích thực, môi trường học đường bị ô nhiễm do bệnh thành tích, thương mại hóa…[12] Nền giáo dục tại Việt Nam đang cần đến một triết lý giáo dục nhân bản đích thực và toàn diện.[13]
8. Thừa hưởng truyền thống tôn giáo Á Đông, được biểu lộ qua những hình thức tín ngưỡng đa dạng, người Việt Nam dễ hướng về “Ông Trời” và tôn kính Tổ Tiên. Chính niềm tin đó là nền tảng cho đời sống đạo đức để họ quý trọng sự sống, ăn ở ngay lành và sống hài hòa với mọi người.[14] Tuy nhiên, tâm thức tôn giáo nơi người Việt Nam thường thiên về tình cảm, giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Khuynh hướng này dễ đưa đến chủ trương “tương đối hóa tôn giáo”, gây khó khăn cho việc trình bày cũng như lãnh hội giáo lý mạc khải của Kitô giáo.[15] Hơn thế nữa, một khi không được đặt nền trên lý trí khao khát chân lý, tâm tình tôn giáo cũng dễ bị lay động trước những trào lưu duy vật và hưởng thụ.
9. Những phân tích trên cho thấy sự tương tác mật thiết giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa và đời sống tôn giáo.[16] Một mặt, sự phát triển hiện nay đã tác động sâu rộng trên đời sống đức tin và luân lý. Mặt khác, sự thăng tiến con người toàn diện và sự phát triển bền vững của xã hội phải được đặt nền trên những giá trị đạo đức và tôn giáo.[17]
Đây quả là một thách đố lớn cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội: Làm thế nào có thể thi hành sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Đức Kitô giữa những đổi thay không ngừng của xã hội? Làm thế nào có thể chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho đại đa số người Việt chưa biết Chúa Giêsu? Tuy nhiên, chính thách đố này lại trở thành cơ hội thuận lợi thúc đẩy Giáo Hội canh tân, “tự vấn lương tâm trong tư cách cộng đồng cũng như trong tư cách cá nhân, xem chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu”.[18] Chính vì thế, trong tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tại Việt Nam cần xác tín và sống đúng với căn tính của mình, củng cố sự hiệp thông, phát huy nhiệt tình truyền giáo, để chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ của Đức Kitô trên đất nước này.
 
Chương II
 
MẦU NHIỆM GIÁO HỘI
 
“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
10. Thiên Chúa không muốn cứu rỗi con người riêng rẽ nhưng qui tụ họ thành một dân tộc,[19] một cộng đoàn,[20] một gia đình của Ngài,[21] vượt lên trên những khác biệt về thể lý, chủng tộc, văn hóa.[22] Giáo Hội là Dân Thiên Chúa được tuyển chọn từ ngàn xưa (x. St 17, 4-7),[23] trở thành dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa tình yêu giữa lòng lịch sử nhân loại, một lịch sử vốn xen lẫn bóng tối và ánh sáng, đang rên xiết chờ ngày vinh quang của con cái Thiên Chúa được tỏ hiện (x. Rm 8, 19-22).[24]
Giáo Hội thực sự là gia đình của Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha, có Đức Kitô là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc, và có Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông.[25] Các tín hữu là những “người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2, 19).[26] Hình ảnh Giáo Hội-Gia Đình gần gũi với tâm thức, kinh nghiệm và suy nghĩ của tín hữu Việt Nam nói riêng và người dân Việt nói chung.[27] Hình ảnh đó trình bày Giáo Hội như một cộng đoàn hợp nhất yêu thương, liên đới, chung tay làm việc, chứ không nặng cơ cấu và luật lệ, nên dễ được đón nhận hơn đối với tâm thức người Việt.[28] Do đó, cần nghiên cứu, suy tư và trình bày Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa, để hội nhập thần học Kitô giáo vào xã hội Việt Nam.[29] Trên nền tảng thần học đó, các mục tử xây dựng những kế hoạch mục vụ “giáo xứ là gia đình của các gia đình”,[30] canh tân cử hành phụng vụ và cầu nguyện trong bầu khí hiệp thông gia đình, cũng như phát triển những hoạt động mục vụ gia đình.[31]
11.     Được Lời Chúa qui tụ, Dân Thiên Chúa chỉ có thể được xây dựng vững vàng trên nền tảng Lời Chúa.[32] Được lắng nghe với lòng chân thành và kiên nhẫn, Lời Chúa sẽ trở thành nguồn sống dưỡng nuôi, ánh sáng soi đường và sức mạnh củng cố đức tin của các tín hữu trong mọi hoàn cảnh. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cho thấy các hình thức sống Lời Chúa qua những việc đạo đức truyền thống như Đàng Thánh Giá, Kinh Truyền Tin, Kinh Mân Côi, Kinh cầu nguyện sớm tối, v.v… đã nuôi dưỡng và củng cố đời sống đức tin của bao thế hệ. Những việc đạo đức ấy thật đáng trân trọng và cần bảo tồn cũng như đổi mới và phát huy. Đồng thời, các tín hữu Việt Nam cần làm quen với Lời Chúa hơn nữa. Do đó Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”,[33] khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu.[34] Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày,[35] đặc biệt theo phương thức Lectio divina.[36]
Cùng với việc học hỏi Lời Chúa, việc dạy và học giáo lý là đòi hỏi tối cần thiết trong đời sống Giáo Hội, nhất là trong thời đại ngày nay đầy rẫy những luồng tư tưởng nghịch với Tin Mừng.[37] Đại Hội Dân Chúa mong mỏi sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam.[38] Đồng thời, Lời Chúa phải là nền tảng cho mọi chương trình thường huấn cũng như đào tạo chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên.[39]
12.     Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, có Đức Kitô là Đầu, Thủ lãnh, nguyên lý sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.[40] Giáo Hội được chuộc lại không phải bằng vàng bạc, nhưng bằng Máu châu báu của Đức Kitô (x. 1 Pr 1, 18-19). Khi được qui tụ và hợp nhất quanh vị giám mục nơi bàn tiệc Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, thông phần vào sự sống Đức Kitô và được biến đổi nên giống Người,[41] được xây dựng thành cộng đoàn hiệp thông huynh đệ và dấn thân rao giảng Tin Mừng.[42] Như thế, Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.[43] Do đó, các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng, nhất là ngày Chúa Nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn.[44] Các ngài cũng cần thúc đẩy và canh tân việc sùng kính Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.[45]
Ý thức về thân phận tội lỗi của mình,[46] các tín hữu cần khiêm nhường thống hối và đón nhận ơn tha thứ qua bí tích Giao Hòa, để xứng đáng là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Bí tích Giao Hòa vừa là bí tích của hiện tại qua việc tha tội vừa là bí tích của tương lai nhằm xây dựng tình hiệp thông giữa gia đình con cái Thiên Chúa.[47] Ước mong các mục tử luôn quảng đại và sẵn sàng hơn nữa trong việc giúp các hối nhân lãnh nhận bí tích Giao Hòa.[48]
13.     Giáo Hội là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, được xây trên mười hai cột trụ là các tông đồ của Con Chiên (x. Kh 21, 14), được trang hoàng bằng muôn vàn ân sủng của Chúa Thánh Thần (x. 1 Cr 12, 4-11; Rm 12, 4-8), Đấng là nguyên lý hợp nhất, làm phát sinh và thúc đẩy đức ái.[49] Trong đền thờ này, Giáo Hội kết hợp với Chúa Giêsu là Hy Tế chân thật, hiến dâng chính mình làm của lễ thơm tho đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12, 1; Kh 8, 3-4; Tv 141, 2), dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân và ngợi khen, cùng với những âu lo và hy vọng của toàn thể nhân loại và tạo thành (x. Ep 5, 20; Pl 4, 6-7). Cộng đoàn tín hữu Việt Nam cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc vun trồng đời sống nội tâm, nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng trong mọi chương trình huấn luyện cũng như mục vụ. Như vậy, mọi thành phần trong Giáo Hội được kêu gọi nên thánh, vươn đến đức ái trọn hảo, theo gương khiêm nhường và phục vụ của Đức Kitô. Thật vậy, nếu Giáo Hội Việt Nam hãnh diện có 117 Thánh Tử Đạo chuyển cầu cho mình cạnh Tòa Chúa, thì hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần đến sự thánh thiện của con cái mình, những tín hữu can đảm sống Tin Mừng trong mọi môi trường làm việc giữa đời thường.[50] Chính qua cách sống đó, lễ dâng của Giáo Hội được tiếp tục cử hành trong đời sống các tín hữu.
14.     Theo khuôn mẫu Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội mang đặc tính vừa thần linh vừa nhân loại, trong đó những yếu tố nhân loại phải qui hướng và lệ thuộc yếu tố thần linh.[51] Giáo Hội không phải là thực thể duy linh cũng không phải là một tổ chức thuần túy nhân loại, nhưng nơi Giáo Hội, “cái hữu hình là dấu chỉ và dụng cụ của cái vô hình, còn cái vô hình được nhập thể trong cái hữu hình”.[52] Vì thế, Giáo Hội được gọi là bí tích cứu độ. Như vậy, phẩm trật và nhiệm cục bí tích thuộc về yếu tính của Giáo Hội. Trong chiều hướng đó, các tín hữu Việt Nam phải vượt qua lối sống đạo “vụ hình thức”, đồng thời cần hiểu đúng ý nghĩa “đạo tại tâm”.[53] Vì là một thực tại tôn giáo chứ không phải thực tại chính trị hay kinh tế, nên Giáo Hội không bao giờ tìm cách thay thế chính quyền, nhưng chỉ mong muốn sử dụng tất cả khả năng để phục vụ Thiên Chúa và con người.[54] Đàng khác, Giáo Hội rất quan tâm đến sự thăng tiến nhân bản của các tín hữu và đồng bào của mình, xem đó là thành phần thiết yếu trong việc phát triển con người toàn diện và phát triển vững bền của xã hội.[55] Giáo huấn này phải hướng dẫn và chi phối mọi nỗ lực canh tân đời sống cầu nguyện cũng như các kế hoạch về truyền giáo, công bằng xã hội và giáo dục.
15.     Cũng trong ánh sáng mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Giáo Hội ý thức rằng hội nhập văn hóa và tính bản địa là đòi hỏi nội tại của đức tin Kitô giáo.[56] Một khi đã đón nhận Tin Mừng, Giáo Hội địa phương có trách nhiệm làm cho Tin Mừng thấm nhuần các giá trị văn hóa trong dân tộc mình.[57] Tiến trình này không xóa bỏ nhưng thanh lọc và làm cho bản sắc dân tộc thêm phong phú nhờ các giá trị Tin Mừng, nhất là giá trị của tình yêu thương “đến cùng”, yêu thương “ngay cả kẻ thù”.[58]
Theo đường hướng đó, Giáo Hội Việt Nam phải nghiên cứu tường tận bản sắc văn hóa dân tộc, hầu có thể phân định những gì là tốt đẹp,[59] để diễn tả đức tin bằng những nét văn hóa ấy đồng thời đem tinh thần Phúc Âm thấm vào các sinh hoạt văn hóa, cụ thể như các dịp lễ tết và ma chay cưới hỏi.[60] Cũng thế, cần khuyến khích và hướng dẫn các văn nghệ sĩ Công Giáo trong các sáng tác của họ. Ngoài ra, những chương trình huấn luyện ở mọi cấp phải quan tâm đến việc học hỏi về hội nhập văn hóa.[61]
16.     Giáo Hội là bí tích của Nước Thiên Chúa nơi đó Thiên Chúa là tất cả cho mọi người (x. 1 Cr 15, 25-28; Ep 1, 21-22), nên phải luôn ý thức rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho Nước Trời đạt tới viên mãn; vậy Giáo Hội không ngừng cầu xin cho “Nước Cha trị đến” (Lc 11, 2; Mt 6, 10). Đồng thời, Giáo Hội cũng là “Nước Chúa trong trạng thái hạt mầm”, là “Nước Chúa đang tăng trưởng”.[62] Vì thế, Giáo Hội có sứ mệnh yêu thương và phục vụ, hướng dẫn nhân loại đạt tới hạnh phúc chân thật.[63] Các môn đệ Đức Kitô “không hề coi thường các thực tại nhân sinh”,[64] nhưng “sẵn sàng cộng tác tích cực với mọi người xây dựng trần thế”,[65] vì tất cả những gì tốt lành và thiện hảo sẽ không bị phá hủy mà được nên hoàn hảo trong Nước Chúa vĩnh cửu và phổ quát.[66] Không có sự đối kháng giữa niềm chờ mong Nước Chúa và nỗ lực xây dựng trần thế, do đó phải tránh xa quan niệm và lối sống phân cách giữa đức tin và đời sống hàng ngày.[67] Cũng vì thế, cần phải cảnh giác trước mọi hình thức tội lỗi và can đảm vượt thắng chủ nghĩa tục hóa, óc cục bộ và vô tín, bởi vì những điều ấy hạ thấp phẩm giá con người.[68] Như vậy, Giáo Hội đồng hành với thế giới như một ngôn sứ, chia sẻ những khổ đau và vui buồn của nhân sinh, can đảm chống lại sự ác dưới mọi hình thức, vì hạnh phúc toàn diện của con cái Thiên Chúa, và kiên trì khơi lên nơi lòng người niềm hy vọng vào Thiên Chúa tín trung.[69]
17.     Đang khi mong chờ Ngày Đức Kitô lại đến và trong nỗi khát khao được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, Giáo Hội sống thời gian hiện tại trong tình hiệp thông với Giáo Hội thiên quốc và những chi thể đã ra đi trước. Người giáo dân Việt Nam luôn yêu mến nhìn lên Đức Maria với tình con thảo và dành cho Mẹ lòng tôn kính đặc biệt. Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Giáo Hội tại Việt Nam luôn tin tưởng kêu xin ơn phù hộ của Đức Nữ Vương uy quyền, cũng như sự trợ giúp của Thánh Cả Giuse và lời chuyển cầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Tuy nhiên, lòng sùng kính Đức Maria và các thánh cần được đặt trên nền tảng Kinh Thánh và giáo lý vững chắc, tránh những hình thức quá nặng tình cảm. Đồng thời người Công Giáo Việt Nam cần biểu lộ lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên đúng theo giáo huấn của Giáo Hội và hợp với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
18.     Trong thân phận lữ hành, Giáo Hội không thể tránh khỏi những khó khăn, thử thách, và ngay cả bách hại. Tuy nhiên thay vì bi quan, thù hằn hay sợ hãi,[70] các tín hữu được mời gọi khám phá ở đó những ơn lành của Thiên Chúa: được nên giống Đức Kitô, được chia sẻ Chén và Phép Rửa của Người (x. Mc 10, 38-39), và được thanh luyện nên Hiền Thê trung tín của Người (x. Ep 5, 25-27; Kh 19, 8; 21, 9b-11). Thật vậy, “dù gian truân, khốn khổ, đói rách, bắt bớ v.v…, không điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8, 39). Hơn nữa, bằng chính kinh nghiệm lịch sử của mình, Giáo Hội tại Việt Nam làm chứng cho chân lý Phúc âm: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Máu của các chứng nhân tử đạo thực sự là “hạt giống trổ sinh các Kitô hữu” (Tertullianô).
19.     Tóm lại, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.[71] Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước.[72] Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước.[73] Qua cuộc hành trình thiêng liêng của Năm Thánh 2010, chính Chúa Thánh Thần đốt nóng và canh tân lòng trí chúng ta để sống mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, xây dựng tình hiệp thông sâu xa trong Giáo Hội và đi tới những biên cương mới của sứ vụ.

(Còn nữa)

hdgmvietnam.org
Thông tin khác:
Nhà thờ và tổ dân cư chung tay chuẩn bị bầu cử (03/05/2011)
Người Công giáo Thủ đô Hà Nội đón Lễ Phục sinh (25/04/2011)
Chuyến thăm của Đại diện không thường trú Tòa thánh có nhiều nội dung quan trọng. (25/04/2011)
Thư gửi người khuyết tật (17/04/2011)
Người Công giáo tích cực tham gia công tác bầu cử (16/04/2011)
Nô nức ngày hội bầu cử vùng xứ đạo Văn Hải (16/04/2011)
Tập huấn Công tác xã hội và phát triển cộng đồng (09/04/2011)
Phong trào xây dựng “Dòng họ, giáo họ an ninh, văn hóa” (09/04/2011)
Tùy bút công tác: NHỮNG NẺO ĐƯỜNG NHÂN ÁI (01/04/2011)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log