Tin tức - Hoạt động

Về Làng Linh - Bảy Thưa nhớ người xưa

Cập nhật lúc 15:08 22/06/2021
Cổng khu di tích Đức Quản Cơ
Cổng khu di tích Đức Quản Cơ
An Giang vốn được biết đến với nhiều vùng đất thiêng đi cùng những chiến công oanh liệt làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh của người dân Bảy Núi kiên cường, một trong những anh hùng dân tộc được nhiều người biết đến là Đức Quản cơ Trần Văn Thành, người gắn liền với cuộc khởi nghĩa nông dân Láng Linh – Bảy Thưa đã để lại nhiều giai thoại và niềm tự hào của đảng bộ, chính quyền, nhân dân nơi đây.

Người anh hùng nông dân
Về tên gọi Láng Linh – Bảy Thưa, ông Nguyễn Văn Sanh, 70 tuổi cho biết “nơi đây xưa kia là rừng rậm hoang vu, sình lầy, mọc toàn cây bảy thưa. Vì đây là bãi đất rộng lớn mọc toàn loại cây nầy nên người dân gọi “bãi thưa”, lâu ngày người dân quen gọi là đồn Bảy Thưa. Còn Láng Linh là tên chỉ vùng đất thấp nhiều lau sậy có nhiều cá linh “( ?) Láng Linh có chiều dài xấp xỉ 20 km, trong đó căn cứ Bảy Thưa nằm ở khu vực trung tâm. Từ xa xưa người dân Láng Linh rất quen 2 câu ca dao: “Bãi bồi mọc những trát thưa/Thương em đi sớm về trưa một mình”
Quản cơ Trần Văn Thành sinh năm 1820 tại ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) trong một gia đình nông dân. Ông gia nhập quân đội nhà Nguyễn vào năm 1840. Nhờ có vóc dáng cao to, tư chất thông minh và tài thao lược, ôngđã góp công lớn đánh thắng quân Xiêm thời nhà Nguyễn và được phong chức Chánh Quản Cơ, chỉ huy 500 binh sĩ đóng tại An Giang. Năm 1858 triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước giao nộp 3 tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên cho Pháp và ra sắc lệnh cấm người dân 3 tỉnh miền Tây không được chiêu mộ nghĩa quân kháng Pháp.
Bất bình trước sự bạc nhược triều đình, Quản Cơ Thành tập hợp lực lượng vũ trang chống Pháp vào tháng 6/1867 trừng trị bọn tay sai hương chức làm việc cho Pháp, tấn công các toán quân Pháp. Sau khi giặc phãn công, ông biên chế nghĩa quân thành nhiều đội, rút sâu vào cánh đồng Láng Linh hoang vu tại rừng Bảy Thưa xây dựng một hệ thống đồn lũy khá kiên cố, tích lũy lương thực, rèn đúc vũ khí, luyện tập võ nghệ… 
Tháng 4/1872, ông sắp xếp lại lực lượng lấy danh hiệu là Đội binh Gia Nghị tiến hành các cuộc tấn công vào căn cứ của giặc đóng xung quanh căn cứ Bảy Thưa. Quân giặc sau lúc bị động ban đầu, đã phản công. Chúng từ Long Xuyên, Châu Đốc hành quân đổ bộ vào bờ Sông Hậu, dùng tàu nhỏ tiến vào rạch Mặc Cần Đưng tấn công và chiếm đồn Giồng Nghệ. Sau đó bị nghĩa quân bao vây chặn đường tiếp tế, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, Pháp phải tháo chạy sau 15 ngày chiếm giữ. Sau khi chiêu dụ ông ra hàng không thành công, chúng lại tập trung đánh phá Láng Linh – Bảy Thưa với qui mô lớn hơn cùng nhiều vũ khí hiện đại đưới sự chỉ huy của một Đại úy Pháp và Tham biện chủ tỉnh Long Xuyên.
Ngày 20/3/1873, quân Pháp tập trung lực lượng đánh đồn Hưng Trung (nay dinh Sơn Trung), đại bản doanh của căn cứ Bảy Thưa. Cuộc chiến ác liệt kéo dài đến tối, nghĩa quân thương vong rất nhiều, thành lũy bị phá, Sơn Trung rơi vào tay giặc. Trong đồn lúc đó chỉ còn lại 18 nghĩa quân bị bắt, trong số đó có 5 người bị thương rất nặng nhưng không bắt được Quản Cơ Thành (?)
Người đi tiếng thơm còn mãi
Về sự biến mất của Quản cơ Trần Văn Thành gần 150 năm qua luôn là một câu chuyện rất bí ẩn mà đến nay chưa có cơ sở chính thống nào lý giải. Có giả thiết cho rằng ông đã dùng gươm tự sát để không rơi vào tay giặc; có giả thiết lại kể ông bị giặc Pháp bắt và bí mật thủ tiêu nhưng đây vẫn chỉ là lời đồn đoán. Cùng với đó người dân địa phương còn lưu truyền câu chuyện dinh “Đá Nổi” kể những vật dụng của nghĩa quân ông Thành có từ trăm năm trước bỗng nhiên nổi lên tại một ngôi đồn hoang; cạnh đó là câu chuyện mỗi lần thấy binh lính mất sức chiến đấu, ông Thành cắt tóc mình thành từng lọn ban phát cho nghĩa quân, ngay lập tức những cảm giác mệt mõi biến mất (?)
 
Đền thờ Quản Cơ Trần Văn Thành
Đền thờ Quản Cơ Trần Văn Thành

Sau khi ông mất người dân đã tôn ông là anh hùng dân tộc và đã lập đền thờ ông tại dinh Sơn Trung tọa lạc tại ấp Long Châu 1, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang (nay là xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, An Giang). Đền thờ được xây dựng trên diện tích 1 ha, có đền thờ chính nằm ở giữa, bên phải là văn phòng làm việc của Ban quản trị đền và nhà để xe, bên trái là nhà khách và nhà ăn xây dựng trên nền đất gò cao. Trong khu vực này còn có khu di tích Lò rèn Bảy Thưa gồm các công trình phục dựng lò rèn ngày xưa cùng nhiều công trình phụ khác. Đền đã được trung tù nhiều lần từ năm 1952 đến nay và đã được Bộ VHTT và DL công nhận DTLS cấp Quốc gia năm 1986. Cuộc khởi nghĩa Láng Linh – Bảy Thưa tuy không thành công nhưng đã thể hiện ý chí quật cường, truyền thống yêu nước bất khuất chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.
Hằng năm, vào các ngày 19 đến 22 tháng 2 âm lịch, chính quyền địa phương cùng hàng ngàn người dân trong vùng tổ chức lễ giỗ Đức Quản Cơ Trần Văn Thành và các nghĩa quân đã hy sinh. Đây là một lễ hội truyền thống văn hóa lịch sử và tâm linh của địa phương, được tổ chức rất trọng thể với nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian thu hút hàng ngàn người đến tham gia.
PHAN THỊ ANH THƯ
Thông tin khác:
Hội đồng Giám mục Việt Nam tặng 3 tỷ đồng vào Quỹ Vắc xin phòng Covid-19 (20/06/2021)
Hội dòng 180 năm tuổi (19/06/2021)
Giáo hội tại Hàn Quốc hỗ trợ vắc xin ngừa Covid-19 cho người nghèo (19/06/2021)
Đức Giáo Hoàng tiếp kiến Tổng thống Áo (19/06/2021)
ĐTC Phanxicô: Phục hồi thiên nhiên là chăm sóc bản thân (18/06/2021)
ĐTC bổ nhiệm tân Sứ thần Tòa Thánh cho Israel và đảo Cipro (18/06/2021)
Ý cầu nguyện của ĐTC trong tháng 6: cầu nguyện cho hôn nhân (18/06/2021)
ĐTC nhắn nhủ các tu sĩ dòng thánh Norberto luôn có trái tim mở rộng đón tiếp tha nhân (17/06/2021)
Toà Thánh tổ chức Diễn đàn về áp dụng mục vụ Amoris Laetitia (17/06/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log