Theo chương trình công tác, Ban ĐKCG quận Tây Hồ và Ban ĐKCG quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức đi trao đổi kinh nghiệm công tác tại Thanh Hóa với Ban ĐKCG huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Đoàn Hà Nội do TS Phạm Huy Thông- Phó Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam Thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn.
Ngay từ khâu chuẩn bị, cha Giuse Trần Xuân Mạnh- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Chủ tịch Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã vui vẻ trao đổi qua điện thoại với trưởng đoàn Hà Nội để nắm bắt chi tiết về nội dung chương trình, số lượng thành viên để tổ chức sao cho vừa trao đổi được nhiều thông tin vừa có thể tiếp đón đoàn cách thịnh tình nhất.
Ngày đoàn khởi hành vào xứ Thanh, cha Giuse quan tâm gọi điện hỏi thăm đoàn đi đến đâu, rồi cử người ra quốc lộ đón.
Các vị lãnh đạo của hai đoàn chụp ảnh lưu niệm ở trước gian cung thánh nhà thờ Phúc Lãng. |
Khi đoàn vào đến cổng nhà thờ, cha Giuse cùng các vị lãnh đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và huyện Quảng Xương đã ra tận nơi đón đoàn.
Sau khi cất Mình Thánh, trong ngôi thánh đường giáo xứ Phúc Lãng, cha Giuse mời mọi người hiệp ý cầu nguyện cho đất nước, quê hương, cho cuộc gặp gỡ giao lưu hôm nay vừa gặt hái được hiệu quả công việc vừa lắng đọng tình anh em. Tiếp đó, đoàn Hà Nội và Thanh Hóa đã trình bày những hoạt động của tổ chức mình, chia sẻ các kinh nghiệm và cách làm hay trong thực tiễn công tác nhất là những mô hình thực tiễn tại giáo xứ, giáo họ. Mỗi đoàn đều có nét riêng, trong đó đoàn Hà Nội nổi bật về mô hình xứ, họ đạo tham gia bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Theo TS Phạm Huy Thông, mô hình này vừa mang lại hiệu quả thiết thực tại khu dân cư, vừa phù hợp với Thông điệp Laudato si của Đức Giáo hoàng Phanxicô và cũng là sự hưởng ứng tích của người Công giáo quận Hai Bà Trưng, quận Tây Hồ đối với Chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Sau khi chào mừng đoàn Hà Nội về xứ Thanh, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã giới thiệu về Thanh Hóa, nhất là tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Thanh Hóa từ khi cha Giuse là Chủ tịch Ủy ban ĐKCG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Cha Giuse không chỉ làm thay đổi diện mạo xứ Phúc Lãng mà còn góp phần xây dựng huyện Quảng Xương, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông Trưởng ban Dân vận huyện Quảng Xương cũng dành những lời tốt đẹp nói về đóng góp của cha Giuse với quê hương. Ông chúc hai đoàn Hà Nội và Thanh Hóa thu được nhiều kết quả qua chuyến giao lưu này.
Hai đoàn đã tìm hiểu điều kiện thực tế của mỗi địa phương, kinh nghiệm xây dựng mô hình thi đua yêu nước, hoạt động phong trào và cùng rút ra những gì có thể bổ sung cho hoạt động của tổ chức mình.
Theo phong cách riêng của mình, cha Giuse làm mấy vần thơ tổng kết buổi giao lưu học hỏi:
Anh em từ chốn xa xôi
Mặc trời nắng nóng, thăm tôi xứ này
Cầu mong Thiên Chúa hằng ngày
Mọi người mạnh khỏe, tràn đầy
yêu thương
Xứ tôi mến khách vô ngần
Quê tôi Thanh Hóa muôn phần
thân thương
Chúc hai đoàn đến Quảng Xương
Ra về nhớ mãi vấn vương tình người
Giao lưu một chuyến vui tươi
Cầu cho nước mạnh gấp mười ngày nay.
Chia tay cha Giuse Trần Xuân Mạnh, đoàn chúng tôi đến bãi biển Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Bãi còn đơn sơ, chưa nhiều nhà hàng, khách sạn lớn nhưng hứa hẹn một tương lai sáng khi Tĩnh Gia được nâng lên thành Thị trấn và thu hút đầu tư về đây. Buổi chiều, khi đoàn của Thường trực MTTQ, Ban dân vận quận Tây Hồ vào với đoàn, lãnh đạo huyện Tĩnh Gia ra đón, giới thiệu về sự phát triển của Hải Hòa.
Sáng sớm thứ bảy, đoàn đến giáo xứ Ba Làng- nơi được đón nhận Tin Mừng sớm nhất Đàng Ngoài, ngày 19/3/1627. Nhà thờ cổ kính và rất giống ngôi nhà thờ Phát Diệm. Cha Giuse Trịnh Văn Phiên - chính xứ cho biết, chính tốp thợ làm nhà thờ chính tòa Phát Diệm đã vào đây thi công. Lúc đầu vách nhà thờ cũng bằng gỗ nhưng thời gian, gió bão đã làm hư hại và phải thay bằng tường gạch. Dù không phải lễ chủ nhật nhưng người đi lễ ngồi kín nhà thờ và ngồi cả ghế đá xung quanh thánh đường.Giáo dân mặc đẹp. Cha xứ thân mật tiếp đoàn sau lễ và chụp ảnh lưu niệm với đoàn.
Hai đoàn cùng chụp ảnh lưu niệm tại nhà thờ giáo xứ Ba Làng. |
Trước khi về Hà Nội, đoàn ghé thăm Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Teresa Cancutta do các nữ tu dòng Phaolô ở Hà Nội đảm trách. Có 6 nữ tu và 1 đệ tử mà chăm lo cho 57 trẻ khuyết tật thật là không đơn giản. Chúng tôi tặng Trung tâm chút quà để chia sẻ động viên các cháu.
Đến thăm khu di tích Quốc gia Lam Kinh- nơi lưu giữ hài cốt của vua Lê Thái Tổ. Có rất nhiều truyền thuyết ly kỳ nhưng du khách dễ nhận ra đức tính giản dị, thôn quê của vua. Khu mộ của vua chỉ là một nấm đất được bao quanh bằng lớp đá thường. Phải chăng nhờ thế, lăng mộ được bảo toàn qua những xáo trộn của lịch sử và trở nên gần gũi với nhân dân.