Tòa Giám mục Xuân Lộc và Trung tâm Đức Mẹ núi Cúi ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Văn Huy |
Như mọi người đều biết, cơn đại dịch viêm phổi cấp tính do chủng mới của virus Corona phát xuất từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, từ tháng 02/2020. Ngay từ khi phát hiện cơn dịch do WHO công bố, Chính phủ đã có những giải pháp phòng chống rất kịp thời, ngăn chặn làn sóng dịch lây lan tại Việt Nam, được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ.
Khi Bộ Y tế đã ra thông báo về các biện pháp phòng chống dịch như mang khẩu trang, khử khuẩn, rửa tay, cách ly... thì tại các giáo xứ, các vị linh mục quản xứ đã phổ biến cho giáo dân áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống dịch khi đến nhà thờ. Nhiều nhà thờ đã tiến hành phun thuốc khử khuẩn. Tại TP Hồ Chí Minh, giáo xứ Vinh Sơn 6, điều chế dung dịch sát khuẩn đóng chai, phát không cho giáo dân đi dự lễ. Nhiều giáo xứ tặng khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt khi giáo dân vào tham dư thánh lễ. Các Tòa Giám mục ra thông báo đề nghị các tín hữu tuân theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về cách ly xã hội, tại TP Hồ Chí Minh, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng cũng đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các tồ chức Giáo hội giúp đỡ những người lang thang cơ nhỡ, vì giãn cách xã hội không có thu nhập hằng ngày, qua đó Caritas Tổng giáo phận đã giúp cho trên 5.000 người được hưởng phần trợ giúp 750.000 đồng/ người, không phân biệt tôn giáo. Nhiều giáo xứ phát nhu yếu phẩm, phát cơm miễn phí; nhiều nhóm, cá nhân hảo tâm tặng thực phẩm cho những anh chị em di dân bán vé số dạo, mua ve chai, làm thời vụ.
Trong những ngày cách ly xã hội, không ai là không biết đến máy ATM GẠO nổi tiếng trong mùa dịch, sản phẩm độc đáo có một không hai đầu tiên trong cả nước, xuất phát từ quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Người chủ phát minh chiếc máy này là anh Hoàng Tuấn Anh, gia đình thuộc giáo xứ Thiên Ân, hạt Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Không chỉ phát minh ra chiếc máy có trị giá hàng chục triệu đồng cùng với hàng tấn gạo trợ giúp ban đầu đặt ngay tại công ty của anh, anh còn thiết kế thêm 2 máy đặt tại huyện Bình Chánh và quận 12. Đặc biệt, tặng thêm một chiếc qua Ban Đoàn kết Công giáo quận Tân Phú, trao lại cho linh mục Đaminh Nguyễn Văn Chỉ, chánh xứ Lộc Tấn, giáo phận Phú Cường, để giáo xứ giúp cho bà con nghèo trong huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Chủ nhân cây "ATM gạo" Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: Nguyên Lâm |
Tại Sơn Lôi, nơi bùng phát tâm dịch phải cách ly cả một xã, Tòa Giám mục Bắc Ninh đã đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cho phép linh mục Giuse Hoàng Trọng Hữu, từng học ngành Y, tình nguyện đến làm mục vụ tại hai giáo họ Bảo Ngọc và Bá Cầu, cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt với nhân dân trong vùng cách ly từ ngày 16/02. Vị linh mục trẻ đã ở lại trong vùng tâm dịch Sơn Lôi để chăm sóc đời sống tinh thần, hỗ trợ người dân Sơn Lôi phòng chống dịch bệnh cho đến khi hết phong tỏa.
Trên facebook cá nhân của mình, linh mục Giuse Hoàng Trọng Hữu viết: “Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi, Bình Xuyên, tưởng chừng như là một điều gì đó đầy can đảm. Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi vẫn được cho là đi vào nơi hiểm nguy đầy rủi ro. Tiến vào vùng cách ly Sơn Lôi, cũng có người xem như là đi vào tử địa. Tuy nhiên, sau khi thăm hỏi và gặp gỡ người dân thôn Ngọc Bảo và Bá Cầu (Sơn Lôi) tôi thấy mình cần đấm ngực và phải cúi đầu. Có thể nói, người người tự cách ly, nhà nhà tự cách ly, xóm xóm tự cách ly, thôn thôn tự cách ly... Đặc biệt trong số những người khỏe mạnh phải kể đến là những cán bộ cơ sở trong xã, gần như đã làm việc hết công suất, chạy đôn chạy đáo từ nhà nọ tới nhà kia để kiểm tra, thông báo, hướng dẫn và cung cấp cho từng gia đình và mọi người dân những thông tin cần thiết cũng như những vật phẩm được hỗ trợ”.
Qua nhật ký trong vùng cách ly, linh mục đã thông tin những sinh hoạt tích cực của người dân xã Sơn Lôi, trong đó có hai giáo họ với bên ngoài. Một thái độ: “Sống Đức Kitô giữa dân mình” rất đáng được biểu dương.
Khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cách ly xã hội trên toàn quốc, tất cả các Đức Giám mục giáo phận đều ra thông báo ngưng các lớp giáo lý, sinh hoạt hội đoàn, kể cả các buổi tĩnh tâm cho các linh mục, dòng tu; không cử hành các thánh lễ có cộng đoàn tham dự, chuyển sang tham dự thánh lễ trực tuyến. Đây là một điều rất khó khăn, chưa từng có trong sinh hoạt của Giáo hội Công giáo, nhất là dịp này đang là Mùa Chay, rồi Tuần Thánh, lễ Phục sinh là ngày lễ cực trọng trong Giáo hội, nhưng người tín hữu Công giáo mọi nơi đều chấp hành. Cũng có lẻ tẻ một vài nơi linh mục quản xứ còn chủ quan lúc đầu, cho rằng tại địa phương chưa có dịch nên chưa thực hiện ngay, Việc này đã được các Đấng bản quyền nhắc nhở, chấn chỉnh. Có thể nói toàn Giáo hội Công giáo Việt Nam trong thời gian cách ly xã hội đều đã đồng tình với Chính phủ: “Chống dịch như chống giặc”. Giáo hội hiểu rằng: “Việc ngưng các sinh hoạt cộng đồng không chỉ là lo cho sự an toàn bản thân, mà còn là hành vi bác ái và đầy tinh thần trách nhiệm, vì chúng ta thuộc về một cộng đồng dân tộc và một cộng đồng nhân loại...” (Trích thư của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng gửi Cộng đồng Dân Chúa TGP TP. Hồ Chí Minh)
Cha Giuse Hoàng Trọng Hữu tới đã tự nguyện vào tâm dịch - xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để phục vụ và đồng hành với bà con vùng dịch. Ảnh: CTV |
Sau hai tháng rưỡi kể từ khi phát hiện ca lây nhiễm đầu tiên, Việt Nam không có ca tử vong nào vì bệnh dịch COVID-19. Chính phủ nhiều nước trên thế giới đánh giá cao Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại diễn đàn Quốc hội đã ngỏ lời thay mặt Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19): “Trân trọng cám ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế”.
Đây là thắng lợi lớn lao của nhân dân cả nước, trong đó có đồng bào Công giáo chúng ta. Hẳn không phải là cường điệu khi đọc lại những lời mang tính tiên tri sau đây của Thư chung năm 1980 đã và đang thành hiện thực:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm, như Công đồng nhắc nhở” (TC số 10)
Tóm lại, người Công giáo Việt Nam luôn “Đồng hành cùng dân tộc” như Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã khẳng định