Cha Augustinô Nguyễn Sơn Đoài (người thứ 2, phải sang) cùng các đại biểu dự Hội nghị UBĐKCGVN lần thứ hai, nhiệm kỳ 2013 - 2018 (ảnh: Mạnh Cường).
Cha Augustinô Nguyễn Sơn Đoài là một vị linh mục có đời sống đơn sơ, chất phác và rất vui tươi, dí dỏm. Lúc nào cha cũng nhận mình là anh Hai Lúa miền Tây. Và sự thật là cha Hai Lúa miền Tây đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người qua hai tập sách: “Vạn nẻo đường trong sứ vụ người mục tử” (2009) và “Chuyện đạo đời trên vạn nẻo đường người mục tử” (2015). Hai tập sách là những chuyện buồn vui trong cuộc sống hằng ngày, bắt nguồn từ những giai thoại thực tế diễn ra, từ những bản tin thời sự, báo chí, được cha góp nhặt, suy tư rồi đem chia sẻ bằng những bài văn xuôi tự sự hoặc thơ vịnh. Với lối hành văn giản dị, mộc mạc, chân chất, nhưng chứa đựng tình yêu thương chân thành của vị mục tử hết lòng vì đoàn chiên. Một vị mục tử luôn trăn trở, quan tâm, chia sẻ cuộc sống với mọi kiếp người trong xã hội. Và cũng chính hai tập sách này đã khắc họa rõ nét chân dung người mục tử Hai Lúa dễ thương, dễ mến kia, ngài không chỉ hết lòng dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội mà ngài còn dành cả cuộc đời để sống với văn hóa và con người miền Tây, nơi cha được mời gọi sống đời mục tử.
Tuổi thơ phiêu bạt
Vùng đất sinh ra cha Hai Lúa miền Tây Augustinô Nguyễn Sơn Đoài lại là một làng quê yên ả của tỉnh Thái Bình như cha từng kể: “Tôi sinh ra tại làng quê Thái Bình. Sau giải phóng mới biết thêm địa danh: thôn Trung Đồng, giáo xứ Trung Đồng, xã Nam Trung, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình…Tới năm 1954, trong nhà tôi nghe xầm xì, nho nhỏ, không ai nghe chuyện gì. Một buổi tối, mẹ tôi dắt xuống nhà sau, lần mò cái gì trong lai áo tôi đang mặc. Xong mẹ bảo tôi đi chơi với mấy người này. Họ cứ dắt tôi đi bộ loanh quanh, dắt vào một căn nhà tranh, có hỏi tra những người lớn rồi đi ra. Dắt tới Hải Phòng, ở trong trại gọi là tạm cư, ngủ chen chúc trong một cái lều, nóng như hỏa lò. Tới ngày nào đó, họ đưa xuống tàu “há mồm”, thấy rộng rãi nhiều chỗ chơi, cái gì cũng lạ, chúng tôi kết mấy bạn nhỏ chạy nhảy tứ tung, có chỗ mấy người cầm súng đuổi, chúng tôi chạy. Khi tàu cặp bến Sàigòn, chiếc tàu mở ra hai cánh, lúc đó tôi hiểu vì sao gọi tàu há mồm, như mồm hả ra cho người ta xuống. Bấy giờ tôi biết khóc thảm thiết, cứ đi, sao không thấy quay trở về. Người ta bảo tôi, đi Nam trốn Việt cộng không bao giờ về nữa đâu, tôi càng khóc dữ dội.
Thế là tuổi thơ cứ dần trôi. Tôi đi học lớp ba, ở Thị Nghè, Sài Gòn. Học các Sơ Thánh Phaolô; lớp học toàn bạn người Nam, có ít bạn Trung, nên dần dần tôi đã Nam hóa hồi nào không hay. Tôi đã quen ăn giá sống và sầu riêng từ đó. Hết lớp nhất, tôi thi Tiểu học, đậu Tiểu học, thi vào Tiểu chủng viện. Sau khi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp, hai bằng Tú tài 1, Tú tài 2, vào Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại chủng viện Xuân Bích Vĩnh Long.”
Sự đời éo le
Trong bối cảnh học hành, tu luyện như thế, cha chẳng mấy quan tâm chuyện xã hội, chính trị. Tuy nhiên, trong tu học lại chú tâm mục vụ xã hội như sinh hoạt học đường, giúp đỡ trẻ em đường phố, thanh lao công, thanh sinh công, lao xá, bệnh xá, cứu trợ nan nhân chiến tranh…
Cha tâm sự tiếp: “Cho nên, dù đã lớn, đã ý thức nhiều vấn đề phải có, nhưng mãi trong môi trường thành thị, tôi cũng chưa định hình người Việt cộng, hay cách mạng nằm vùng thế nào?
Có ngờ đâu! Sau ngày giải phóng 30/4/1975, chính hiệu “Việt cộng” là em út trong gia đình chúng tôi. Em ruột tôi, bộ đội Trường Sơn trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn đúng ngày 30/4/1975 tiếp quản Dinh Độc Lập.
Tuy nhiên, kịch tính xung đột, éo le, cũng diễn biến từ đây: anh hai (cả) tôi lại là quân đội Cộng hòa (Ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn), đơn vị quân tiếp liệu; em Út tôi, quân giải phóng, bộ đội Trường Sơn, nghành quân y; tôi là linh mục, chịu chức ngày 15/4/1975 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Một ngày đoàn tụ, ba anh em chúng tôi gặp nhau. Tôi bỗng trở thành trung gian hòa giải, đề ra “nghị quyết”: Trong bữa cơm đoàn tụ hôm nay, trên hết nhớ tới Chúa, cảm tạ Chúa đã quy tụ gia đình, anh em chúng ta, tản mát đã 21 năm; nhớ ơn bố đã vui cười bên Chúa; niềm vui mừng của mẹ dâng trào; nhớ đến phúc tổ tiên ông bà, nhớ bao nhiêu người giữa hai bên đã hy sinh. Không hỏi han, bàn bạc những vấn đề chính trị, quan điểm giữa hai bên.
Từ chối đi vượt biên
Sau ngày dâng thánh lễ mở tay (Tạ ơn), tôi tiếp tục đi thăm và dâng thánh lễ nơi bà con, họ hàng ở Vũng Tàu trong các ngày dầu sôi lửa bỏng nhất, ngày 28-29/4/1975. Trước đó, cho đến hôm nay, đang có một trại tạm cư khắp nơi về sân nhà thờ Bến Đá rất đông, cũng có số đông linh mục. Bất ngờ, sau đêm 30/4, tất cả đã xuống tàu ra biển, sáng sớm hôm sau, tôi qua nhà thờ, thấy quang cảnh vắng tanh, cha xứ cũng đã đi xa. Nhìn ra biển, tôi chỉ thấy những cột nước biển tung tóe lên cao cùng với những tiếng nổ đạn pháo long trời xuống biển. Mấy ngày hôm sau, mấy nhà bên cạnh rủ tôi xuống ghe đánh cá nhà đi theo, tôi từ chối với suy nghĩ, mình vừa chịu chức linh mục, chẳng dính dấp bên nào, công tội cũng không; hơn nữa mình là linh mục cho giáo dân, ở đâu mà chẳng có giáo dân. Thậm chí, tôi đã mặc áo dòng đen đi qua lại trên sân nhà thờ Bến Đá để giáo dân thấy còn linh mục đây. Cầu Cỏ May, huyết mạch Sài Gòn -Vũng Tàu bị giật sập, tôi phải nằm lại Vũng Tàu lâu hơn.
Cuộc đời và ơn gọi
Và trên tất cả, người mục tử mang tên Augustinô Nguyễn Sơn Đoài đã không quản ngại bao khó khăn vất vả để chọn cho mình con đường nhỏ hẹp, lắm chông gai là dấn thân cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong nhiều vai trò. Không biết tình cờ hay do duyên phận mà khi bắt đầu cuộc đời mục tử (1975) cũng là lúc cha Augustinô tham gia các hoạt động xã hội. Từ một “ông cha cầu thủ bóng đá” đến Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Phó chủ tịch Hội đồng hoà giải của xã, ứng cử Hội đồng nhân dân huyện, tỉnh, Phó chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Trà Vinh,…
Với những cương vị đầy mới mẻ và khó khăn đối với một vị mục tử mà cha Augustinô đã đảm nhiệm có nhiều người đồng tình ủng hộ nhưng cũng có không ít người chỉ trích, chê bai… Nhưng xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa, vị mục tử khiêm nhường luôn đặt những việc mình làm trong tinh thần yêu thương phục vụ đoàn chiên, dưới ánh sáng Công đồng Vatican II và sự thật nơi mình.
Quả vậy, cha Hai Lúa miền Tây không chỉ là vị mục tử của riêng các giáo dân mà ngài đã trở thành vị mục tử của nhân dân, của cả người Khmer lẫn người Kinh, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng.
Bốn mươi mốt năm linh mục (1975 - 2016), ông cha “cầu thủ” bóng đá ngày nào đã từng đem lại tiếng hò reo cho hàng vạn khán giả trên sân cỏ. Một người khỏe mạnh chưa từng biết đến một viên thuốc, hay thăm khám bác sĩ cho tới tận 6 tháng trước ngày ra đi, đã âm thầm chiến đấu bệnh tật hiểm nghèo. Ngài không tỏ ra đau đớn trước sự hành hạ của căn bệnh. Khi sứ vụ của ngài đã hoàn tất, Thiên Chúa đã lặng lẽ đưa ngài về hưởng phúc trường sinh.
CÚC NGUYỄN
Linh mục Augustinô Nguyễn Sơn Đoài, sinh ngày 8/5/1945, tại giáo xứ Trung Đồng (Nam Trung, Tiền Hải, Thái Bình).
1954 vào Nam (theo người thân đắt đi chơi, cha mẹ ở lại Bắc).
1958 - 1966: Tu học Tiểu chủng viện.
1967-1975: Đại chủng viện Xuân Bích Vĩnh Long.
15/4/1975: Thụ phong linh mục.
1975 - 1993: Linh mục phụ tá Họ đạo Mặc Bắc, giáo phận Vĩnh Long.
1975 - 2016: Mục vụ giới trẻ - xã hội: tham gia phong trào Đoàn phục vụ vận động viên đội tuyển bóng đá, bóng chuyền xã Long Thới - huyện Tiểu Cần và nhiều phong trào đoàn thể xã hội khác…
1993 - 2005: Chánh sở Họ đạo Phước Hảo.
2000 - 2016: Cộng tác viên báo Người Công giáo Việt Nam.
2005 - 2016: Chánh sở Họ đạo Cổ Chiên (Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh).
Cha đã được Chúa gọi về lúc 21g30 ngày 22/11/2016. Hưởng thọ 71 tuổi, 41 năm linh mục. |