ITALIA – Theo chương trình đã ấn định, lúc 3 giờ chiều thứ Năm Tuần Thánh 13-04, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rời Santa Marta đến nhà tù Paliano, thuộc tỉnh Frosinone, giáo phận Palestrina, để cử hành Thánh Lễ Tiệc ly của Chúa.
Đến nơi lúc 4g15, ngài gặp gỡ các tù nhân, sau đó cử hành Thánh Lễ. Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã rửa chân cho 12 tù nhân – trong đó có ba phụ nữ và một người Hồi giáo, người này sẽ lãnh nhận bí tích Thánh tẩy vào tháng Sáu tới; một người Argentina, một người Albania và sáu người Italia. Trong số các tù nhân này, có hai người bị kết án tù chung thân, còn những người khác sẽ mãn hạn tù trong khoảng từ năm 2019 đến năm 2073.
Sau bài Phúc âm, Đức Thánh Cha đã có bài giảng ngắn – không soạn sẵn – như sau:
* * *
Chúa Giêsu đã ăn bữa tối cùng với các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly và, Phúc Âm nói, Người biết giờ của Người đã đến,giờ phải bỏ thế gian này mà về với Chúa Cha. Người biết rằng Người sẽ bị phản bội và sẽ bị Giuđa giao nộp vào ngay đêm ấy. “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình, những kẻ còn ở trong thế gian, và Người yêu họ đến cùng”. Thiên Chúa yêu thương như thế này: yêu đến cùng. Và Người hiến mạng sống mình cho từng người trong chúng ta, và Người tự hào về điều này và muốn điều này bởi vì Người là tình yêu: “Yêu đến cùng”. Điều ấy không dễ dàng, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân; tất cả chúng ta đều có những giới hạn, khiếm khuyết, và rất nhiều thứ khác. Mọi người chúng ta đều có thể yêu thương, nhưng chúng ta không giống như Thiên Chúa, Đấng yêu thương đến cùng mà không xét đến những hệ quả. Và Người đã làm gương, để chúng ta hiểu được điều này. Đấng là “đầu”, là Thiên Chúa, đã rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân là một tục lệ của thời đó, phải làm trước bữa trưa và bữa tối, vì thời đó đường không được trải nhựa và người đi đường chân dính đầy bụi. Vì thế, một trong những cử chỉ khi đón một người vào nhà, và dùng bữa, là rửa chân cho người ấy. Đó là việc làm của các nô lệ, nhưng Chúa Giêsu đã đảo ngược công việc và chính Người làm điều ấy. Simon không muốn để cho Thầy làm, nhưng Chúa Giêsu đã giải thích cho ông rằng cần phải như thế, vì Người đến thế gian để phục vụ, phục vụ chúng ta, trở nên nô lệ cho chúng ta, để ban sự sống của Người cho chúng ta, để yêu thương đến cùng.
Hôm nay, khi tôi đến đây, có nhiều người trên đường nói rằng: “Đó là Đức giáo hoàng, ngài là đầu, là người đứng đầu Giáo hội...” Chúa Giêsu là đầu của Hội Thánh; đúng thế! Đức giáo hoàng là hình ảnh của Chúa Giêsu và tôi cũng muốn làm điều tương tự như Chúa đã làm. Trong nghi thức này, cha xứ rửa chân các tín hữu. Có một sự đảo ngược: người xem ra là người lớn nhất phải làm công việc của người nô lệ, nhưng là để gieo tình yêu, gieo yêu thương giữa chúng ta. Hôm nay tôi không bảo anh chị em hãy đi và rửa chân cho nhau: nói thế hẳn chỉ là đùa vui. Nhưng tôi sẽ nói đến biểu tượng, đến hình ảnh: tôi sẽ bảo anh chị em rằng nếu có thể giúp đỡ, thì hãy làm một công việc phục vụ ở đây, trong nhà tù này, cho người bạn tù của mình, anh chị em hãy làm điều đó.
Bởi vì đó là tình yêu, cũng giống như rửa chân vậy. Đó là làm người phục vụ người khác. Có lần khi các môn đệ tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất, quan trọng nhất, Chúa Giêsu liền bảo: “Ai muốn làm người quan trọng, phải trở nên nhỏ bé và làm đầy tớ của mọi người”. Và đó là điều Người đã làm; Thiên Chúa đã làm điều đó với chúng ta. Người phục vụ chúng ta. Người là đầy tớ – của mọi người chúng ta, là những người đáng thương, tất cả chúng ta! Nhưng Người cao cả; Người tốt lành. Và Người yêu thương chúng ta như chúng ta là. Vì thế, khi cử hành nghi thức này, chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa, đến Chúa Giêsu. Đây không phải là một nghi thức tầm thường, mà là một cử chỉ để tưởng nhớ những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta. Sau đó, Người cầm lấy bánh và ban cho chúng ta Thân mình của Người; cầm lấy chén rượu và ban cho chúng ta Máu của Người. Tình yêu của Thiên Chúa là như thế đó. Hôm nay chúng ta hãy chỉ suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa.
(WHĐ, 15.04.2017)
Minh Đức chuyển ngữ