Văn hóa nghệ thuật

Thánh Gioan Tiền hô

Cập nhật lúc 16:32 03/01/2017
Thánh Gioan Tiền hô còn có nhiều tên gọi như Gioan Tẩy giả, Gioan Baotixta… Thánh nhân sinh vào khoảng năm thứ 6 trước công nguyên và mất khoảng năm 36. Ngài sinh tại làng Ein Korem, ở phía tây nam, cách Giêrusalem chừng 10 km. Ein Korem theo tiếng Ixraen có nghĩa là vườn nho. Cho nên nho ở đây phát triển rất xanh tươi.
       Cha mẹ ngài là ông bà Dacarica và Elizabet đã già cả nên khi sứ thần nói với ông Dacarica rằng bà Elizabet có thai, ông Dacarica không tin. Ông liền bị phạt câm cho đến khi Gioan ra đời. Bà Elizabet là chị họ bà Maria và như vậy, ông là anh họ Đức Giêsu. Khi bà Elizabet mang thai tháng thứ sáu, được Đức Maria tới thăm và ngài đã khỏi tội Tổ tông ngay trong lòng mẹ. Như vậy, ngoại trừ Đức Maria, Gioan là người duy nhất không mắc tội Tổ tông khi sinh ra. Khi thánh nhân ra đời, họ hàng định lấy tên cha là Dacarica đặt cho Gioan. Bà Elizabet phản đối đòi đặt là Gioan. Mọi người đi hỏi ý kiến ông Dacarica, ông lấy bảng viết là Gioan (Lc 1, 51-65). Lúc đó, đột nhiên, ông Dacarica nói lại như thường và ông đã ngẫu hứng đọc bài chúc tụng Benedictus: Hài nhi con hỡi, con sẽ đi trước mặt Chúa, báo cho dân Chúa biết, Người sẽ cứu độ và tha thứ cho họ hết mọi tội khiên.

       Gioan là gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước với sự vụ là Tiền hô cho Chúa. Ngài đi rao giảng cho dân chúng, kêu gọi họ hối cải, chờ đón Chúa Giáng sinh. Ngài rửa tội cho Đức Giêsu trên sông Jodan theo nghi lễ đạo Do thái chứ không phải làm Bí tích Rửa tội. Ông luôn nói với dân chúng, ông không phải là Đấng Cứu thế. Ngài đến sau ông và ông không đáng xách giày cho Ngài. Ấy vậy mà khi Đức Giêsu đi rao giảng, ở trong tù, ông Gioan vẫn nghi, nên cho môn đệ đi hỏi Đức Giêsu có phải là Chúa Cứu thế không, hay ông phải đợi một người khác. Có lẽ vì ở trong tù, không được chứng kiến những phép lạ Chúa làm nên ông đâm ra hồ nghi chăng?

      Thánh Gioan được coi là một nhà chân tu khó nghèo khi ngài sống ẩn dật trong rừng, mặc áo lông thú, ăn châu chấu, uống mật ong rừng nên dân chúng tin những gì ông nói. Nhưng điều thánh nhân được ca ngợi nhất là đã dám chết để làm chứng cho sự thật. Lúc đó, vua Herode lấy vợ của em trai mình là bà Herodias. Ông Gioan cho đó là loạn luân nên cực lực phản đối. Vua giận lắm nên bắt ông giam vào ngục. Nhân một lễ hội, con gái của Herodias đến múa hát cho vua xem và vua rất hài lòng, hứa ban cho bất cứ thứ gì con gái đưa ra. Người con gái chạy đi hỏi mẹ là bà Herodias. Bà ta căm thù Gioan cản trở hôn nhân của mình nên xui con gái xin chiếc đầu của Gioan đặt trên đĩa và nhà vua phải thực hiện.

      Thánh Gioan được Đức Giêsu khen là người trọng nhất trong các người nam trên trái đất. Giáo hội cũng mừng kính sinh nhật ông vào ngày 24/6. Như vậy chỉ có Đức Giêsu, Đức Maria và thánh Gioan là được kính ngày sinh nhật.

      Năm 2010, tạp chí National Geographic đăng tin, các nhà khảo cổ Bulgari đã tìm thấy thánh tích của thánh Gioan Tiền hô khi tìm thấy chiếc hòm đá trong đó có một số xương sườn, răng, xương đầu tay phải trong đó có ghi rõ tên thánh nhân. Trường Đại học Oxford đã dùng phương pháp Cacbon để đo và xác định đúng là xương của người đàn ông thế kỷ thứ nhất.

 

Một góc nhà thờ St Jonh Baharim

     Trên thế giới có rất nhiều nhà thờ kính thánh nhân nhưng đáng kể là nhà thờ ở chính quê của ngài tại Ein Kerem, Ixraen. Nhà thờ có tên là St. Jonh Baharim. Nhà thờ hiện do các cha dòng Phanxicô coi sóc. Nhà thờ được xây bằng đá, không trát. Cổng có chữa đề bằng tiếng Do thái. Nhà thờ là bảo tàng về các ghi chép cuộc sống của thánh nhân. Bên cạnh là nhà thờ Đức Mẹ thăm viếng được xây chính là nơi Đức Mẹ gặp bà Elizabet xưa. Từ Nazaret đến đây chừng 130km vì vậy xưa Đức Maria đi bằng lừa tới đây mất chừng mười ngày. Nhà thờ có rất nhiều bảng ghi bản Magnificat bằng các thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt.
 
BÍCH HẢI
Thông tin khác:
Thánh Giuse (29/12/2016)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: DÂY PALLIUM (28/12/2016)
Cổ vật thánh thiêng (26/12/2016)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: CHÌA KHÓA (26/12/2016)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo:CHỮ VIẾT TẮT JHS (23/12/2016)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: BẺ BÁNH (22/12/2016)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: NẾN MÙA VỌNG (21/12/2016)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: THÁNH PHÊRÔ (20/12/2016)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: IHS (19/12/2016)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log