Đoàn khách du lịch tham quan Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Thanh Diệp |
Đây là thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Tấm bia có thừ thế kỷ thứ 4 ở đây mang dòng chữ ghi tên vua Bhadravarman người đầu tiên dựng đền để dâng cúng vua thần Siva-Bhadresvara (đền bằng gỗ về sau bị hỏa hoạn). Vào thế kỷ thứ 7, vua Sambhuvarman cho dựng lại đền và đặt tên mới là Sambhu-Bhadresvana tồn tại cho tới nay. Các triều vua sau đều có công tu sửa và xây đắp đền tháp để thờ các vị thần của mình. Với 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá được xây dựng từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIII, khu vực Mỹ Sơn trở thành trung tâm trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Những đền thờ chính đều có thờ bộ linga, hình tượng của thần Siva, đấng bảo hộ của các dòng vua Chăm. Năm 1898, di tích Mỹ Sơn được học giả người Pháp tên là M.C. Paris phát hiện. Từ đó, phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Mỹ Sơn lần lượt được người Pháp thu gom, chuyển về Đà Nẵng và trưng bày tại Bào tàng Điêu khắc Chămpa. Từ năm 1981 đến năm 1991, khu di tích Mỹ Sơn được bảo quản và tu sửa từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty P.K.Z. (Ba Lan). Tháng 12/1999, khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO tôn vịnh là Di sản văn hóa thế giới.
“Hội An di sản văn hóa thế giới” nằm bên Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển. Từ thế kỷ XVI nơi đây đã nổi tiếng là thương cảng sầm uất với tên gọi Faifoo, rất quen thuộc với các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Bồ Đào Nha, Italia…Hiện tại, Hội An được coi là thành phố cổ, có tới 1.360 di tích thuộc danh mục được bảo tồn, nằm ở 12 xã phường, mật độ di tích bình quân đến 26 điểm/km2. Khu phố cổ là tâm điểm, nằm trọn trong phường Minh An, rộng khoảng 2km2, gồm: Chùa Cầu, Nhà cổ, Hội quán, Bảo tàng, Nhà thờ họ... xây dựng vào thế kỷ XIX và XX; các ngôi nhà cổ kiểu nhà ống, mặt tiền hẹp, có khi thông hai phố, chiều cao không quá 2 tầng, tường gạch bao phía ngoài, phía trong là ván gỗ; mái dốc, lợp ngói âm dương, khung chịu lực bằng gỗ, liên kết bằng móng và chốt, chạm khắc tinh tế, trang trí nội thất theo phong cách cổ của dân cư Việt pha trộn ít nhiều phong cách người Nhật, người Hoa... Tại đây còn lưu giữ được vốn cổ về văn hóa đa màu sắc từ tập quán, ẩm thực đến lễ nghi, tín ngưỡng. Hội An còn có nét hấp dẫn riêng là vào ngày rằm các gia đình không dùng điện mà dùng đèn lồng, tạo nên nét cổ huyền ảo. Tháng 12/1999, Hội An được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới.