Cầu Hiền Lương cũ bắc qua sông Bến Hải, tinh Quảng Trị được xây dựng lần đầu năm 1928, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, được làm bằng gỗ, đóng cọc sắt, rộng 2m, trọng tải chỉ đủ cho người đi bộ.
Năm 1943, cầu được nâng cấp, xe cơ giới loại nhỏ có thể qua lại. Năm 1950, cầu được xây dựng lại bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Tồn tại được hai năm thì cầu bị phá do chiến tranh. Năm 1952, cầu được xây lại hiện đại hơn, gồm 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê tông cốt thép, dầm cầu bằng thép, mặt lát bằng gỗ, rộng 4m, hai bên có thành chắn cao 1,2m, trọng tải cầu tối đa là 18 tấn. Cuối năm 1954, cầu nằm trong khu giới tuyến quân sự tạm thời hai miền Bắc Nam, và bị chiến tranh đánh sập năm 1967. Đến năm 1974, vùng bắc Quảng Trị được giải phóng, nhà nước ta xây dựng lại cầu thép dài 186m, rộng 9m, có hành lang cho người đi bộ rộng 1,2m. Năm 2002, cầu được phục chế theo nguyên bản cầu được xây năm 1952 – một chứng tích lịch sử của sự chia cắt đất nước.
Cầu Hiền Lương mới được xây dựng ở phía tây cầu Hiền Lương cũ, dài 230m, rộng 11,5m, được thi công bằng công nghệ đúc đẩy – một phương pháp hiện đại nhất lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Cầu này do nằm trên quốc lộ I nên hầu như ngày nào cũng có du khách đến tham quan khu di tích Hiền Lương, gây nguy cơ ùn tắc giao thông. Do vậy, cuối năm 1972, nhà nước đã cho xây dựng tuyến quốc lộ I, tránh đi qua khu di tích Hiền Lương. Tuyến đường mới này có cầu vượt qua sông Bến Hải nằm cách cầu Hiền Lương khoảng 2 km về phía thượng du được thiết kế xây dựng với kết cấu dầm bản bê tông chịu lực. Cầu có 5 nhịp, mỗi nhịp dài 20m, phần đường xe chạy trên cầu rộng 10m, lề bộ hành mỗi bên rộng 3m, đường dẫn 2 phía cầu dài gần 160m kết nối trung tâm thị trấn Vạn Giã với Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Linh, tạo thêm điều kiện đi lại Bắc Nam.
HẢI VÂN