Thật ra, trong chuyến đi công tác của Ban chấp hành Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng và Tạp chí Non Nước lúc đến Quy Nhơn vào cuối tháng 9 năm 2018, thì địa điểm Tiểu chủng viện Làng Sông không có trong lịch trình thăm viếng.
Tuy nhiên, giờ phút chót do tác động của các lý do như thời tiết, sức khỏe của các thành viên trong đoàn nên các địa điểm tham quan có leo núi như Tháp Bánh Ít, Núi Bà Hỏa đành gác lại dịp khác. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương, một thành viên trong đoàn lang thang trên mạng vào khuya hôm trước, được sự mách nước của bạn văn chương báo chí đã tìm hiểu về Tiểu chủng viện Làng Sông qua những bài viết và hình ảnh. Thu Hương đưa ra lời đề nghị với trưởng đoàn vào sáng sớm hôm sau.
Khi trưởng đoàn là nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng và Tổng biên tập Tạp chí Non Nước hỏi ý kiến của anh em trong đoàn. Mọi người đều nhất trí đi thăm Tiểu chủng viện Làng Sông với những "lý do" mà nhà văn Nguyễn Thị Thu Hương thuyết phục. Thế là, chúng tôi dành nguyên cả buổi chiều hôm đó để "khám phá" Tiểu chủng viện Làng Sông thay cho leo núi ở Tháp Bính Ít và Bà Hỏa, vì buổi sáng chúng tôi đã quá mệt nhòa với Cầu Thị Nại - Đồi cát Phương Mai - Eo Gió và Tịnh xá Ngọc Hòa (nơi có tượng Phật Bà hai mặt cao nhất Việt Nam).
Trời đã cuối thu, nhưng nắng chiều cứ hãy còn gay gắt, oi nồng như tiết trời tháng hạ. Bước chân vào khuôn viên Tiểu chủng viện Làng Sông, chúng tôi như bước vào khu rừng thu mát mẻ, êm đềm. Chút nắng, chút gió và tiếng lá reo vui dưới chân mang lại cảm giác ngọt ngào và dễ chịu đến lạ thường. Tâm hồn tự nhiên lắng dịu, thư thái và ngập tràn cảm xúc…
Nằm giữa một cánh đồng lộng gió bên vùng sông và ruộng ngập nước ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - cách trung tâm thành phố Quy Nhơn chừng hơn 10km, Tiểu chủng viện Làng Sông có tuổi thọ hơn 170 năm và vắt dài qua 3 thế kỷ với không biết bao nhiêu sự biến động của lịch sử. Cho đến nay, không ai biết và cũng không có tư liệu nào ghi lại một cách chính xác thời điểm xây dựng Tiểu chủng viện Làng Sông. Trên tấm đá ngay dưới chân tượng Chúa đặt giữa sân phía trước nhà thờ ghi: "Chủng viện Làng Sông do thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể thành lập trong khoảng từ năm 1841 - 1850". Nếu tính 1841 - 2018 thì Tiểu chủng viện đã có bề dày thời gian đến 177 năm. Điểm đặc biệt mà Tiểu chủng viện Làng Sông thu hút chúng tôi đến, chính vì nơi đây là một trong 3 cơ sở in ấn chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam: Nhà in của giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) - Nhà in của giáo phận Đông Đàng Trong (Quy Nhơn) và Nhà in của giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội).
Lang thang trong khuôn viên Tiểu chủng viện, chúng tôi ngắm cảnh, và tìm những góc chụp đẹp nhất cho riêng mình vừa để làm lưu niệm, vừa để làm tư liệu. Từng bước chân xê dịch trong khuôn nhẹ nhàng như sợ làm xao động âm thanh vang ra từ nhà thờ, nơi các sơ đang tập hát trên nền nhạc đệm piano dặt dìu, êm ái…
Thật may mắn, khi đi dọc bên ngoài hành lang, chúng tôi gặp một nữ tu trẻ. Với giọng Bắc nhẹ nhàng, hỏi thăm chúng tôi là ai, từ đâu đến. Khi được biết chúng tôi là những người của văn chương và báo chí, nữ tu này mời chúng tôi đi theo và mở cửa phòng trưng bày về cơ sở in ấn cổ xưa của Chủng viện Làng Sông.
Thời đó, cơ sở in ấn của Tiểu chủng viện có các tên gọi: Imprimerie de Làng Sông, Imprimerie de la Mission de Quy Nhơn hoặc Imprimerie de Quy Nhơn. Ba tên gọi này đều chỉ là một Ấn quán của giáo phận Đông Đàng Trong - Quy Nhơn. Mục đích ban đầu của việc in ấn là tuyên truyền tôn giáo và giáo dục. Nhưng ngay lập tức, nhà in đã trở thành địa chỉ tin cậy của các loại sách khác như giáo khoa, địa lý, lịch sử, tiểu thuyết, kịch, thơ ca, tạp chí… kể cả in những lời "sấm truyền" và in lịch hàng năm. Học giả nổi tiếng thời bấy giờ là Trương Vĩnh Ký cũng đã từng in sách ở Nhà in Làng Sông.
Thời điểm ra đời chính xác của nhà in đến nay chưa rõ. Căn cứ xác định thời khoảng xây dựng nhà in dựa theo tư liệu báo cáo của Giám mục Eugène Charbonnier về tình hình giáo phận Đông Đàng Trong - năm 1873. Báo cáo ghi rõ: "Giáo phận có 3 nhà thuốc và 1 nhà in". Từ đó các nhà nghiên cứu kết luận, Nhà in Làng Sông ra đời trước năm 1872 (và tất nhiên là sau năm 1841).
Về mặt kỹ thuật, đây là một xưởng in typo. In typo còn được gọi là in đúc, nghĩa là các chữ và hình ảnh trên khuôn in typo được đúc hoặc khắc cao hơn các phần không in. Khi chà mực qua bề mặt khuôn in, các phần tử nằm cao hơn sẽ bắt mực. Khi ép khuôn in lên mặt giấy, chữ và hình ảnh sẽ hiện ra. Các máy in typo này đều được sản xuất tại Pháp và chuyển theo tàu về lắp ráp tại Việt Nam. Ngày nay, kỹ thuật in typo đã trở nên lỗi thời và lạc hậu, vì sự chậm chạp và tính độc hại từ kim loại chì được dùng làm khuôn in.
Lịch sử Nhà in Làng Sông cũng lắm gập ghềnh và bi tráng. Ban đầu nhà in được thành lập (trước 1872) và điều hành bởi Giám mục Eugène Charbonnier. Đến năm 1885 thì bị chiến cuộc phá hỏng. Năm 1904, nhà in lại được tái thiết hiện đại hơn bởi cha Damien Grangeon Mẫn. Từ ngày tái thiết cho đến khi cáo chung (1904 - 1935), nhà in trải qua 3 đời giám đốc điều hành là các cha Paul Maheu, cha Charles Dorgeville và cha Perreaux. Trong khoảng hơn 60 năm vừa hoạt động, vừa biến động, Nhà in Làng Sông cũng đã góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp giáo dục, truyền bá chữ Quốc ngữ, văn học nghệ thuật, lịch sử, địa lý… trong thời kỳ phôi thai về chữ viết của người Việt hiện đại.
Để hình dung về sức vóc và khả năng hoạt động của Nhà in "cổ" Làng Sông, xin dẫn ra đây tư liệu báo cáo của nhà in vào năm 1922: In 1000 đầu sách các loại, 18.000 tờ báo định kỳ, 32.000 ấn phẩm khác, riêng báo Lời Thăm mỗi số 1500 bản. Tổng lượng trang in trong năm gần 3,5 triệu trang. Đây quả là một con số ấn tượng thời bấy giờ. Hiện trong căn phòng bảo tàng mini này vẫn còn lưu giữ được một số sách và bìa sách có tuổi thọ kéo dài hơn thế kỷ. Những con số in trên bìa sách đã nói lên điều đó.
Qua chuyện trò với nữ tu, chúng tôi được biết để trở thành một nữ tu ở đây, người nộp đơn cũng phải có vài điều kiện nhất định, như về văn hóa phải học hết cấp 2, tuổi đời không quá 35, chưa một lần lập gia đình và hoàn toàn không bị một sức ép nào để phải xa lánh. Trừ những người được giao nhiệm vụ liên lạc với thế giới bên ngoài, các sơ không sử dụng điện thoại riêng, không facebook, không blog… Tất cả đều dùng chung một email mà ai cũng biết password để đăng nhập khi cần cho công việc của Chủng viện.
Ở đây hoàn toàn không thu tiền và cũng không kêu gọi sự ủng hộ của khách đến tham quan dưới mọi hình thức. Ngoài thời gian dành cho công việc của nhà thờ, các nữ tu phải lao động để sống. Nhà thờ có đất trồng rau cung cấp cho bếp ăn hàng ngày. Rau trồng còn để tặng cho người nghèo, vì chị em nữ tu không có tiền giúp đỡ họ. Thỉnh thoảng chúng em còn ra ngoài làm những công việc từ thiện khác…
Chia tay Tiểu chủng viện. Bước chân ra về. Nắng chiều đã êm dịu hơn. Lòng tôi chợt ngập tràn sự băn khoăn khó tả. Những câu hỏi cứ âm vang trong thinh không mờ mịt của sự nhận biết. Vì sao người nữ tu trẻ ấy lại có đủ tâm nguyện và sự cam đảm để xa nhà, xa quê, từ chối mọi sự cám dỗ của công danh, tiền tài, địa vị, tuổi trẻ, tình yêu… Từ chối mọi nhu cầu vật chất, tinh thần thời hiện đại như smart phone, máy tính bảng, laptop, facebook, Zalo, Goggle… mà nhiều người tuổi trẻ bảo với nhau rằng nếu thiếu chúng thì đời chẳng còn ý nghĩa gì hết.
Tiếng chuông và tiếng kinh cầu nguyện buổi chiều tà ngân vang phía sau lưng. Câu trả lời cho thắc mắc vẫn còn bỏ ngỏ phía trước và chắc là, mãi mãi không thể nào một người bình thường như tôi có thể hiểu được tại sao như thế. Thôi thì cứ tạm bằng lòng với một chữ duyên. Cuộc sống con người chuyện thế này, thế nọ đều khởi nguồn từ… duyên. Duyên và nghiệp tạo ra kết quả. Cũng giống như người nữ tu trẻ kia có duyên với Thiên Chúa và chúng tôi đến thăm Tiểu chủng viện Làng Sông này cũng là do duyên vậy.
MAI HỮU PHƯỚC