Chủng viện Minh Hòa ngày nay trực thuộc giáo phận Đà Lạt. Xưa kia là cao nguyên Trung bộ thuộc giáo phận Ðông Ðàng Trong (1844). Những năm 1907, cả vùng đất Bình Thuận và Lâm Ðồng bây giờ được sát nhập vào Nam Kỳ lục tỉnh và thuộc giáo phận Tây Ðàng Trong, rồi giáo phận Sài Gòn (1924). Năm 1920, giáo xứ Ðà lạt được thành lập. Giáo phận Đà Lạt được trao cho Ðức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, với 81 linh mục triều và dòng coi sóc 77.324 giáo dân trên tổng số 254.669 người
Chủng Viện Minh Hòa với tên gọi khác là nhà thờ Thánh Mẫu. Chính thức thành lập từ ngày 23/02/1967. Vào ngày 22/4/1980 lấy tên chính thức Chủng viện Minh Hòa khi hợp nhất Tiểu chủng viện Simon Hòa và Cư xá Đại chủng viện Minh Hòa
Chủng viện Minh Hòa hơn 55 năm hình thành và phát triển đáp ứng nhiệm vụ xây dựng tôn giáo niềm tin dân tộc phụng sự nước nhà.
Các Ðức cha đã và đang cai quản giáo phận Ðức cha cố Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, Giám mục tiên khởi
Ðức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Ðức cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc
Đức cha Antôn Vũ Huy Chương
Nhiệm vụ tôn giáo: Ngày nay, Chủng viện Minh Hòa trở thành nơi đào tạo “Giáo chức mục tử” nhiệt thành đáp ứng các chức vụ tôn giáo phụng sự sứ mệnh tôn giáo của dân tộc. Chủng viện Minh Hòa đào luyện mục tử về đạo đức, đời sống phù hợp lối sống Công giáo với ba chiều kích: giáo dục, huấn luyện và đồng hành.
Giáo dục: là đưa ánh sáng, là nhìn vào con người thật sự của kẻ thụ giáo ngõ hầu hiểu biết và từ bỏ đi những tư tưởng, những tâm tình và hành động không xứng hợp với ơn thiên triệu; tựa Ixraen xưa 40 năm thanh luyện trong sa mạc, tựa như chàng thanh niên nọ được Chúa mời gọi bán hết của cải mà bố thí cho người nghèo đoạn đến theo Người.
Huấn luyện: là hun đúc nên con người mới theo khuôn mẫu hoàn hảo là Đức Giêsu Kitô. Nếu như giáo dục được xem như chết đi cho con người cũ thì huấn luyện là phục sinh, là uốn nắn nên con người mới xứng đáng là môn đệ, và hơn thế nữa, là người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành.
Đồng hành: “trong công cuộc đào tạo linh mục tu sĩ, vai trò số một là Chúa Thánh Thần, vai trò số hai là ứng sinh, vai trò thứ ba là người đồng hành. Nếu đảo lộn trật tự này, nhất là coi thường vai trò số một và số hai, người thụ huấn sẽ “nín thở qua cầu” và vô cùng bất hạnh”. Chủng viện Minh Hòa không ngoài việc đào tạo các linh mục đã và đang xây dựng đời sống giáo dân đi đôi với sự nghiệp xây dựng đất nước bằng những hành động thiết thực bằng quỹ hoạt động từ thiện bác ái “Caritas Đà Lạt” như:
Chương trình vi tín dụng: Giúp đồng bào dân tộc thiểu số nông thôn tiếp cận với nguồn vốn-kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau thoát nghèo tạo điều kiện phát triển bền vững.
Quỹ khuyến học: mang sứ mạng “loan báo Tin Mừng cho muôn dân” nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các con em đồng bào giáo dân được đến trường, xóa mù chữ góp phần nâng cao dân trí và thoát nghèo. Xây dựng đời sống tinh thần ngày càng đi lên.
Sửa nhà ở cho người nghèo: là một hành động thiết thực ví như câu tục ngữ “an cư lạc nghiệp” giúp giáo dân có chỗ ở “ nương thân, che nắng, đỡ mưa” từ đó tinh thần mới đi lên là động lực phát triển kinh tế xây dựng niềm tin vào tôn giáo.
Tủ thuốc cho người nghèo: Là việc xây dựng tủ thuốc ở vùng kinh tế mới và vùng dân tộc thiểu số mang tên “Tủ thuốc gia đình” với những loại thuốc thông thường có thể trị bệnh: cảm sốt, đau nhức, ghẻ lở, giun sán, ho, sốt rét, tiêu chảy, thuốc bổ
Chén cơm cho người già neo đơn: Thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” nhằm giúp các cụ neo đơn trên 60 tuổi mỗi tháng 10 kg gạo. Chương trình bác ái này đã đem lại nhiều an ủi và niềm vui cho các cụ già cũng như những tông đồ góp phần phục vụ.
Chủng viện Minh Hòa cũng là nơi “toát ra một bầu khí đạo đức, hiếu khách và hiếu học”. Từ lẽ đó việc du lịch, tham quan tại Chủng viện Minh Hòa cũng được khuyến khích từ những tầm nhìn khác biệt.
Chủng viện Minh Hòa được thành lập từ những năm 60 của thế kỉ XX và được lưu giữ đến ngày nay. Vì thế, Chủng viện Minh Hòa không chỉ là nơi tu học, còn là điểm đến du lịch tâm linh, tiềm ẩn những nét đẹp dịu hiền thơ mộng của một thoáng Đà Lạt nhẹ nhàng, bình yên.
Chủng viện Minh Hòa được bao bọc bởi rừng thông xanh và hàng tùng cổ thụ, đan xen ở trung tâm chủng viện là thánh đường với nét kiến trúc sáng tạo độc đáo
Chủng viện nổi bật bởi nét kiến trúc sáng tạo mang đậm tính dân tộc khi kết hợp với lối kiến trúc đô thị hiện đại trên nền vật liệu truyền thống (gỗ, đá, gạch). Giáo đường chính là kiến trúc theo kiểu cổ điển tối giản vận dụng gỗ thiên nhiên tạo nên chốn giáo đường thuần Việt, gần gũi hơn với lối nhà ở của người Việt.
Kiến trúc nổi bật của Đại chủng viện Minh Hòa khi xây dựng thánh đường theo lối kiến trúc nhà “Rông” (không gian sinh hoạt cộng đồng thấm đẫm tinh thần hòa thuận tôn giáo, thôn xã Việt Nam) nổi bật của mảnh đất Tây Nguyên. Kiểu nhà chữ A, mái ngắn - mái dài, góc nhọn ở đỉnh để phù hợp với thời tiết mùa mưa của Đà Lạt.
Đường nét kiến trúc của thánh đường mang đậm sắc thái Á Đông, không gian nơi giáo đường đầy tính trang nghiêm nhưng cũng không kém phần thơ mộng và ấm áp với tông màu trầm ấm. Lại thoáng mở gần gũi với thiên nhiên.
Không gian bên trong thánh đường thông thoáng với hệ thống cửa kính hứng ánh sáng, tất cả mang tông màu trầm toát lên vẻ đẹp trang nghiêm đầy bí ẩn. Khi bước qua khỏi cánh cửa lớn làm bằng gỗ thấy ngay mái vòm ngôi nhà thờ cao vút.
Hai bên là những hàng cột gỗ uy nghi và sang trọng, tạo cho người ta có cảm giác như đang bước vào không gian cổ xưa, một chốn hoài niệm, đẫm màu của thời gian
Không gian bên ngoài Không gian bên ngoài là khoảng trời rộng lớn, đơn giản, bình yên bởi sự tách biệt hoàn toàn với trung tâm nên nơi đây thực sự yên bình thư thả. Khuôn viên xanh màu của cây, của cỏ, sắc màu từ hoa, cái gió của cao nguyên mát lạnh.
Ngoài việc tham quan, tại đây cũng là nơi tổ chức lễ, không gian sinh hoạt cho các tín đồ, nơi thư thả để mọi người tìm đến sự bình yên, thư giãn lẫn học tập. Mỗi sớm và chiều không gian rộng lớn của chủng viện ngập tràn làn sương mờ che phủ những dãy thông đang dần lớn, đến đây cứ mỗi sớm mai là được ngắm nhìn hoa vàng trên làng cỏ xanh tươi. Chủng viện Minh Hòa nơi tĩnh lặng, tôn nghiêm, chốn giáo đường thanh tịnh mà động lòng biết bao du khách.
CHU KHẢ KIÊN