Đào Nhật Tân có nhiều loại. Đào bích, bông to, dày cánh, nở rộ, màu hồng thắm. Đào phai cho cánh kép, nở rộ. Đào thất thốn gắn với tên "đào tiến vua" hoa to nhất, đỏ nhất, bền nhất. Để đáp ứng nhu cầu mọi khách hàng, dân trồng đào còn ghép các loại đào với nhau. Có cây ghép 2 loài, 3 loài, 5 loài hoa, phổ biến là đào ghép 3 loại gồm bích đào, đào phai, đào trắng. Dưới bàn tay chăm sóc của những nghệ nhân, những cây đào lụa độ tuổi từ 30-60 năm, thân bị sâu mục không khác củi mục vẫn đâm chồi, nảy lộc thành những thế độc đáo. Hàng năm, trước Tết vài tháng, người trồng đào dồn sức chăm cho cây đào ra hoa cho đúng độ; từ 20 tháng Chạp trở đi, khắp các nẻo đường Hà Nội ngập tràn sắc đào, ngàn vạn cành đào được người mua đem về làm đẹp cho những căn phòng. Những ngày Tết nam thanh nữ tú đổ về các vườn đào chụp ảnh. Do nhu cầu chơi hoa lớn, đào Nhật Tân đã được trồng nhiều ở ngoại thành và các tỉnh bạn.
Hoa Mai Anh Đào Đà Lạt có thân cây như đào mận, hoa lại giống hoa mai. Chính vì nửa mai nửa đào nên có tên Mai Anh Đào. Vào đầu mùa khô, Mai Anh Đào rụng lá, ngủ đông. Vào dịp Tết Nguyên đán, Mai Anh Đào tỉnh giấc, nở hoa đồng loạt, cây nào cũng khoe sắc từ gốc đến ngọn. Cả Đà Lạt khoác tấm áo hồng khổng lồ. Những nơi đậm sắc Mai Anh Đào nhất là đường Trần Hưng Đạo, ven bờ hồ Xuân Hương và Thiền Viện Trúc Lâm được mọi người tìm tới. Sau khi ngắm hoa Mai Anh Đào, du khách có thể chọn một quán cà phê nào đó vừa để nghỉ ngơi vừa để xem lại những tấm hình đã chụp và thật tuyệt khi nghe giai điệu bài hát “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên được cất lên “Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa/ Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa/ Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương/ Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào tôi vấn vương/ Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai”.