Tác phẩm “Giáng sinh”. Ảnh: TL |
Nguyễn Gia Trí lúc đầu theo học trường y sau mới vào trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Nhưng học được một năm, ông lại bỏ. Khi trường mở khoa sơn mài, ông mới quay lại học và là sinh viên khóa 7 (1931-1938) của trường.
Ngay trong năm tốt nghiệp, nhà trường tổ chức triển lãm tranh của hai sinh viên là Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân. Khán giả không tiếc lời khen ngợi tranh của họ. Tô Ngọc Vân nhận xét tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí: Lối vẽ sơn ta không còn là mỹ nghệ nữa mà qua bàn tay Trí nó thành mỹ thuật thượng đẳng.
Sơn mài khác sơn dầu ở chỗ là mặt tranh sơn mài rất phẳng. Khi vẽ miếng vải lụa trên đó, một con ruồi đậu lên, người ta cũng có cảm tưởng miếng lụa bị lõm xuống. Nguyễn Gia Trí bỏ rất nhiều công nghiên cứu thử nghiệm chất liệu sơn mài. Ông nghiên cứu các màu “âm tính” như màu vàng, son, đen. Sơn mài trải qua nhiều công đoạn như vẽ, sơn, ủ mài rất tỷ mỷ. Ông vẽ như nhập thần. Trong bóng đêm, ông vẫn vẽ. Vợ ông hỏi: Tối thế, ông có trông thấy gì đâu mà vẽ? Ông đáp: tôi đâu có vẽ bằng mắt. Ông sáng tạo ra một màu “vỏ trứng” mà cho đến nay chưa ai học được. Màu vỏ trứng lúc như lớp men rạn, lúc ma mị như ánh sáng đêm hoa đăng, lúc đông đặc như đá cẩm thạch, lúc rắn chắc như kim cương. Khi mỏng như sương sớm, lúc huyền ảo như rêu phong tường cổ…
Đến năm 1940, tranh của ông ở làng Thịnh Hào, Ngã Tư Sở nổi tiếng và tranh của ông cũng chỉ có khách Tây mới đủ tài chính mua. Họ lặn lội qua quãng đường ướt để vào mua tranh ông. Có lần, ông bị chiến binh Pháp bắt vì nghi ông mua vũ khí cho Việt Minh, chính ông công sứ Pháp ở Hà Nội Cresson đã bảo lãnh cho ông tại ngoại và gọi ông là “Thiên tài châu Á” (Genie Asiatique). Tranh của ông thường có người đặt hàng trước. Trong bộ sưu tập của ông có 2 bức tranh về Công giáo và đều thuộc chủ đề Giáng sinh.
Bức thứ nhất có tên “Giáng sinh”. Bức này Nguyễn Gia Trí thực hiện năm 1941 do một phụ nữ Pháp đặt hàng để tặng dòng nữ Đaminh Sài Gòn. Bức tranh có kích thước 1,3m x 2,27m. Ông sử dụng ánh sáng vàng, xanh lục xen kẽ với những màu bạc tạo ra khung cảnh lung linh, huyền ảo. Điều lạ kỳ là bức tranh được vẽ với tinh thần “hội nhập văn hóa Việt” rất tài tình dù điều này xảy ra trước Công đồng Vatican II tới hơn 20 năm. Tất cả những nhân vật ở đây từ thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, Chúa Hài Đồng, Ba Vua, Các Thiên Thần đều rất Việt và trang phục áo the, khăn sồi như người Việt, rất gần gũi chứ không phải nhưng người ngoại quốc. Cảnh vật từ cây cối, con trâu trắng cũng thế. Bức tranh này được đưa về trụ sở dòng ở Lyon năm 1955. Về sau, dòng Đaminh lại xin đưa về Sài Gòn. Nó cũng có vài lần sửa chữa, phục chế và hiện nay trưng bày tại Đại chủng viện Huế.
Tác phẩm “Ba Vua” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Ảnh: CTV |
Bức thứ hai có tựa đề “Ba Vua”. Bức này Nguyễn Gia Trí thực hiện theo đề nghị của Tổng thống Ngô Đình Diệm làm quà biếu Tòa Thánh Vatican. Ông vẽ năm 1960 có kích thước 70 cm x 110cm. Nhưng vì lý do tế nhị nào đó, tác giả không giao cho người đặt hàng mà tặng cho một bác sĩ. Sau năm 1975, nó được chuyển qua Pháp rồi lại quay về nhà họa sĩ. Về sau, gia đình bán cho một nhà sưu tập tranh ở thành phố Hồ Chí Minh. Các nhân vật ở đây cũng vẫn theo xu hướng Việt hóa. Ba Vua, mỗi người một vẻ. Màu sắc ở đây chủ đạo là màu vỏ trứng huyền diệu của Nguyễn Gia Trí. Có người đã đếm được 22 sắc độ màu.
Tranh Giáng sinh của Nguyễn Gia Trí đem lại một phong cách hội họa mới cho đề tài Công giáo ở Việt Nam.