Văn hóa nghệ thuật

Đất với người

Cập nhật lúc 10:13 27/02/2017
Người Việt Nam từ rất xa xưa đã thấy mối tương quan vừa tự nhiên vừa cơ học giữa đất với người nên đã có những nghi lễ cúng Đất đi liền với tế Trời và đã xưng hô Đất là Mẹ Đất hay Đẻ Đất.
Cái duyên giữa đất với người không chỉ có thế, để bảo đảm cuộc sổng và phát huy sự sống con người cần phải có rất nhiều dụng cụ cần thiết, trước hết là những đồ chứa đựng, đất đã lên tiếng trả lời bằng những sản phàm được chế ra từ “đất” với tên gọi chung là Gốm.
 
Đã có một bộ phim “ăn khách”: Đất và người - bộ phim tâm lý xã hội, kịch bản của Khuất Quang Thụy, do đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phạm Thanh Phương gồm 24 tập, bộ phim nói về mối tương quan mâu thuẫn giữa 2 dòng họ Trịnh và Vũ trên một mảnh đất làng quê chân chất: làng Giếng Chùa còn nhiều hủ tục và mê tín. Sự mâu thuẫn khi lên đến đỉnh điểm thì chỉ có thể hóa giải được bằng cuộc tình duyên nồng thắm, chân thật của một đôi nam nữ tân thời thuộc 2 dòng họ: Vũ Thanh Tùng và Trịnh Xuân Đào.

Khác với đề tài trên, ở đây Đất với người muốn nói lên mối tương quan gắn bó giữa người và đất, tương quan gần gũi và chặt chẽ đến nỗi sống luôn có nhau và chết cũng chẳng lìa nhau. Câu chuyện bắt đầu từ Thánh Kinh. Thuở khai thiên lập địa, sau khi đã tạo tác đất trời và muôn vật trong đó, cuối cùng Thiên Chúa đã tạo dựng con người bằng cách “lấy đất nhào với nước cho dẻo rồi nắn lên hình người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và nắm đất đã trở thành con người có sinh linh giống hình ảnh Chúa” (sách Sáng thế đoạn 2, câu 7). Thế là xác con người từ đất mà ra còn hồn thì từ Chúa mà đến.

Con người được tạo ra đã phải nhờ tới đất, chỗ con người đặt 2 bàn chân, ngả tấm lưng cũng là đất rồi thực phẩm để nuôi dưỡng con người cũng từ đất mà ra. “Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây sinh hoa trái, trông thì đẹp ăn thì ngon với cây trường sinh ở giữa vườn và cây biết lành’ biết ‘dữ’. Một con sông chảy ra tưới khu vườn... Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden để cày cấy và canh giữ đất đai... Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: hết mọi trái cây trong vườn ngươi cứ ăn nhưng trái cây biết ‘lành’ biết ‘dữ’ thì đừng ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết, trở về lòng đất mẹ” (sách Sáng thế đoạn 2, câu 9-18).

Người Việt Nam từ rất xa xưa đã thấy mối tương quan vừa tự nhiên vừa cơ học giữa đất với người nên đã có những nghi lễ cúng Đất đi liền với tế Trời và đã xưng hô Đất là Mẹ Đất hay Đẻ Đất. Cái duyên giữa đất với người không chỉ có thế, để bảo đảm cuộc sống và phát huy sự sống con người cần phải có rất nhiều dụng cụ cần thiết, trước hết là những đồ chứa đựng, đất đã lên tiếng trả lời bằng những sản phẩm được chế ra từ “đất” với tên gọi chung là Gốm. Nói tới gốm người ta thường hiểu theo nghĩa hẹp là những sản phẩm bằng đất, đem nung trong lửa với nhiệt độ cao. Thật ra theo nghĩa rộng nhất gốm có 2 loại: Gốm nung và gốm không nung, mỗi thứ có đặc tính, quy trình chế tác và công dụng khác nhau.

Phần I: GỐM NUNG

1.1. Định nghĩa


Céramic: of or pertaining to products made from Clay and similar materials as pottery, brick ect... Gốm thuộc về hay có liên quan tới những sản phẩm được làm từ đất sét và những vật liệu tương tự như đồ đất nung, gạch,... (Tự điển The Random House Dictionary of the English Language - Canada Random House, 1967).

Gốm: những sản phẩm làm từ đất sét và những hỗn hợp của nó với các phụ gia vô cơ hoặc hữu cơ, được nung qua lửa (Từ điển Bách Khoa Việt Nam Hà Nội 2002 - mục từ gốm).

1.2. Phân loại gốm nung.

Gốm gia dụng như đĩa, bát, bình lọ, chum, vại...

Gốm kiến trúc như gạch ngói...

Gốm nghệ thuật như tượng, phù điêu, những đồ trang trí...

Gốm kỹ thuật như gốm cách điện, gốm chịu nhiệt...

1.3. Quá trình phát minh gốm nung

Theo tác giả Từ điển Bách khoa Việt Nam thì gốm nung ra đời vào thời đồ đá mới trên dưới 10.000 năm trước Công nguyên. Đây là niên hiệu được xác định qua bằng chứng lịch sử là những mảnh gốm cổ được khai quật. Nếu ngược dòng tới đầu nguồn xa hơn nữa thì các nhà khảo cổ và nhân chủng học cho tới nay cũng chưa xác định được con người biết làm gốm từ bao giờ, chỉ suy đoán rằng con người biết đến gốm ít lâu sau khi biết dùng lửa cách nay trên 50.000 năm. Biết dùng lửa là một biến cố trọng đại nhất của con người vì nó làm thay đổi cuộc sống. Sống giữa muôn vật nhưng chỉ con người biết dùng lửa để tạo điều kiện sống thuận lợi cho mình. Sở dĩ có được như thế là vì con người hơn loài vật cái trí khôn hay linh hồn. Ban đầu con người chỉ biết đến lửa thiên nhiên do núi lửa phun trào hay do sét đánh gây những đám cháy. Con người tìm cách giữ lửa bằng những thanh củi nối tiếp nhau hay những đống mùn ủ than... tới giai đoạn con người có thể lấy lửa bàng cách đập các cục đá lửa vào nhau hay dùng 1 que gỗ xoay mạnh và lâu trên một điểm của một thanh gỗ khô, lực ma sát đã sinh nhiệt và cuối cùng là lửa. Đây là bước tiến bộ vượt bực của con người, có thể mất cả chục nghìn năm sau khi khám phá ra lửa thiên nhiên.

1.3.1. Một phát hiện tình cờ

Khi đã giữ được lửa, con người nhúm lửa để sưởi ấm trong hang lạnh lẽo, ẩm ướt, sau đó là nhúm lửa để nướng những con thú săn được, đốt cháy lông, làm cho da thịt mềm, dễ ăn hơn và nhất là bớt “bệnh đường ruột” hơn. Từ lòng bếp, người ta thấy lửa nóng đã làm biến thể đất đổi ra màu đỏ hay xám và cứng gần như đá, đó là chất gạch và sành. Những hòn đất để kê đồ nướng cũng hóa cứng, có màu đỏ hay xám. Đó là phát hiện đầu tiên về gốm của người tối tối cổ.

1.3.2. Nhu cầu di chuyển

Khi nguồn thức ăn quanh chỗ cư trú đã vơi, con người có nhu cầu di chuyến tới một nơi thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm lương thực. Rời hang này chuyển qua một hang khác có khi ở khá xa, cái khó khăn nhất là mang theo lửa, đốt một thanh củi mang theo thì thường không ổn vì luôn gặp mưa to, gió lớn. Ban đầu chắc con người tận dụng vỏ của những quả đề đựng than hồng nhưng mấy khi thành công vì vỏ cũng cháy luôn, kể cả may mắn có được cái vỏ dừa đi nữa. Do nhu cầu thúc bách, sẵn có chút hiểu biết tác dụng giữa lửa và đất, lửa nung đất mềm hóa cứng thậm chí không thấm nước nữa (nung lâu, nhiệt độ cao, đất hóa sành). Con người lấy đất dẻo, nắn món đồ có lòng sâu như mảnh gáo dừa cho vào bếp để nung... và họ đã có một món đồ chứa đựng tuyệt vời, việc đầu tiên là đựng than hồng để di chuyển xa, sau đó dùng để múc nước, chứa đồ ăn, thức uống khi không phải chuyển lửa.

1.3.3. Phát triển

Phát minh tuyệt vời này cứ ngày càng lan rộng nơi các nhóm dân cư, thế là người ta có một loại chén (bát) thô sơ nhất để dùng trong việc ăn uống. Thừa thắng xông lên với đầu óc sáng tạo không ngừng, nhiều nhu cầu của cuộc sống đòi hỏi con người đã tạo ra những hũ, chum để đựng hạt, chứa nước... và nhiều vật dụng hữu ích khác.

Nghề chế tạo gốm có lẽ đã bắt đầu như vậy, thế hệ này chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm cho thế hệ kia, cho tới ngày nay nghề làm gốm đã trở thành công nghệ hiện đại phổ cập trên toàn thế giới. Nước nào cũng có gốm sứ từ đồ gia dụng bình dân tô, chén, đĩa tới những tác phẩm nghệ thuật cao cấp.

2. Những lò gốm nổi tiếng xưa nay

Đông Tây đều có những lò gốm sứ nổi tiếng thế giới: Trung Quốc có Cảnh Đức Trấn, Pháp có lò Limoges, Nhật Bản có lò Immari, Thái Lan có Sawankhaloc - Soucothai, Việt Nam có gốm Chu Đậu, Thăng Long, Bát Tràng, Thố Hà, Phù Lãng, Vạn Ninh, Gò Sành, Cây Mai, Lái Thiêu, Biên Hòa, Vĩnh Long,...

3. Kỹ thuật chế tác gốm

Con người càng ngày càng văn minh tiến bộ, công nghệ chế tác gốm cũng tiến bộ hơn. Để có được những sản phẩm đẹp, bền và giá trị nghệ thuật kinh tế cao. Cách chung việc chế tác gốm nung gồm 5 công đoạn.

3.1. Chọn đất nguyên liệu: đất có độ kết dính cao như đất sét, đất thịt, sau khi có nguyên liệu rồi thì cần nghiền nát, cho vào bể lọc các tạp chất, hong ráo nước tới độ thủy phần 55-65 ppm (thông số kỹ thuật chuyên môn) thì có thể bắt đầu công đoạn tạo hình.

3.2. Tạo hình: nắn bằng tay hoặc kết họp với sự trợ lực của bàn xoay chân đạp hay tự động để tạo hình các sản phẩm.

3.3. Hong khô cho tới khi thủy phần đạt 30-35 ppm mới trang trí, nhúng men và xếp vào lò nung.

3.4. Nung bằng nhiều nhiên liệu: rơm rạ (gốm Chăm Bàu Trúc), củi, than, gaz. Nhiệt độ từ 1.100°C đến 1.600°C. Thời gian từ 20-30 giờ, sau đó giảm nhiệt dần để “om” thời gian tương tự.

3.5. Dỡ lò, loại bỏ các phế phẩm.

4. Giá trị của gốm

Về mặt tinh thần gốm là văn hóa của nhân loại, giá trị không thể đo lường được, về mặt vật chất, cụ thể là giá trị kinh tế, nghề gốm tạo công ăn việc làm cho biết bao nhiêu người, nuôi sống biết bao nhiêu người từ cổ chí kim và mãi sau này nữa. Có nhũng món đồ gốm mang giá trị kinh tế rất cao: chiếc bát (chén) bà Từ Hy Thái Hậu dùng ăn cơm, đấu giá cả chục triệu dollars. Chiếc đĩa Céladon đời Tống đấu giá tại Sotheby’s Hồng Kông gần 27 triệu USD (hình). Có khi một mảnh gốm giá trị bằng cả một gia tài kếch xù.

Câu chuyện Vương Khải và Thạch Sùng thời xưa làm chứng - Vương Khải và Thạch Sùng đều là đại gia giàu “nứt đố, đổ vách”, trong nước ngoài vua ra thì không ai bì kịp. Một hôm nhân một cuộc chạm trán với nhau hai ông đã ngoéo tay chấp nhận một cuộc thách đố, đúng hơn là một canh bạc “một mất một còn, được ăn cả, ngã về không”. Quy luật cuộc chơi là mỗi bên đưa ra một món đồ bất kể mà bên kia cũng có là huề, nếu bí không có thì đành chịu thua và mất hết tài sản cho người thách. Bắt đầu cuộc thách đố bằng việc “oản tù tì” cho công bằng, xem ai thách trước, Thạch Sùng là người thách đầu tiên, có đông đảo phú hào, nhân sĩ chứng giám như trọng tài, Thạch Sùng đưa ra một món ngọc bích vô cùng quý giá, Vương Khải đáp ứng ngay. Đến lượt Vương Khải đưa ra viên kim cương cực lớn và cực đẹp, Thạch Sùng cũng có. Thạch Sùng đưa ra một bình vàng nặng cả tấn, Vương Khải cũng có ngay. Vương Khải đưa ra chiếc ngà voi dài 2 m, Thạch Sùng đáp ứng bằng một cặp tương tự. Đến lượt Thạch Sùng đưa ra cô vợ thật tươi mát, trẻ đẹp, Vương Khải cũng cho vợ bé ra trình diện, bên 8 lạng, người nửa cân, chẳng ai chịu thua ai. Cuối cùng Vương Khải nghĩ: đưa vàng bạc châu báu ra mà thách thì không thể thắng được đối phương, liền dùng chiêu “độc” đưa ra một miếng “mẻ kho” đế thách (tức là một mảnh gốm do nồi đất bị vỡ), Thạch Sùng cứng người, đứng chết trân, cho gia nhân lục lọi (dĩ nhiên có giám sát) không tìm đâu ra đành thúc thủ chịu thua. Dân chúng hò hét vỗ tay vang trời chúc mừng đại gia Vương Khải. Vương Khải mở đại tiệc đãi tất cả dân làng trong 3 ngày, rượu thịt thoải mái. Còn Thạch Sùng chỉ vì thiếu miếng “mè kho” đành nuối hận giao hết tài sản cho Vương Khải, dắt vợ con tay không ra khỏi nhà sau đó Thạch Sùng thất vọng tự tử chết, hóa thân thành con Thạch Sùng bám trên tường, trần nhà chặc lưỡi liên hồi: “Tiếc quá! Tiếc quá”.

Chắc chắn đây chỉ là câu chuyện người xưa tưởng tượng ra để dạy bài học luân lý: Đừng chủ quan, khinh thường những chuyện nhỏ, người ta nói: “lỗ dò, lỗ mọt có thể làm đắm con thuyền”. Trong chuyện Tam Quốc, Đổng Thừa bắt gặp đứa tôi trai đang “tú tỉ” với đứa tớ gái, ông đã trừng phạt hơi nặng tay, nửa đêm nó trốn sang trại Tào Tháo, khai rõ mọi chuyện... thế là Đổng Thừa phải gánh hậu quả khủng khiếp: cả nhà phải chết tức tưởi dưới lưỡi gươm của Tào Tháo.

Miếng “mẻ kho” đánh đổi cả gia tài chỉ là giá trị ảo nhưng giá trị thật còn lớn hơn gấp bội đó là hình ảnh miếng gốm “mẻ kho” đã đi vào chuyện dân gian, kho tàng văn hóa muôn đời của cả nhân loại, sống trên đời cũng vậy, cẩn thận không bao giờ thừa: “Cẩn tắc vô ưu” mà!

 
(Còn nữa)

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết
Thông tin khác:
Cảm xúc miền đất thánh (23/02/2017)
Thánh nữ Cartarina thành Siena (22/02/2017)
Cảm xúc miền Đất thánh (20/02/2017)
Thánh Vinhsơn (13/02/2017)
Nhà thờ Thất Tinh với những dấu ấn Chúa làm (10/02/2017)
Dòng sứ trứ danh một thời (18/01/2017)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: NGHI THỨC RẢY (06/01/2017)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: MÀU SẮC TRONG PHỤC VỤ (05/01/2017)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: NHẪN NGƯ PHỦ (04/01/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log