Văn hóa nghệ thuật

Di tích tử đạo Việt Nam nơi xứ người

Cập nhật lúc 12:35 01/12/2020
Theo lịch Phụng Vụ, ngày 24/11 hằng năm chúng ta mừng lễ Kính các Thánh Tử đạo Việt Nam một cách trọng thể, để tri ân cùng nhìn lại lịch sử Giáo hội quê hương trải qua hơn ba thế kỷ bị cấm cách, có trên 130.000 người đã hy sinh vì đức tin.
Di tích nhà thờ thánh Phaolô tại Macau. Ảnh: CTV
Di tích nhà thờ thánh Phaolô tại Macau. Ảnh: CTV

Các ngài can đảm chấp nhận mọi hình thức: Người lãnh bá đao, kẻ bị lăng trì, đấng phải trảm quyết, có vị chết rũ tù... Linh hồn về nước trời lãnh triều thiên vinh hiển, thân xác còn lại may mắn thì được giáo dân bí mật chôn cất gìn giữ tại quê nhà, có người bị ném biển, hoặc buông sông mất tích, hay âm thầm theo chân các nhà truyền giáo mang ra nước ngoài.

Tại Việt Nam, các địa phương đã khắc tượng họa hình, xây dựng trung tâm hành hương, cải táng lập lăng mộ, dựng tượng đài để mừng kính và gìn giữ di tích xương cốt các Thánh một cách quý trọng.

Nơi xứ người, từ khi bắt đầu rao giảng Tin Mừng tại vùng Á Đông, các nhà truyền giáo đã chọn Macau (Áo-môn) làm nơi dừng chân, vì vào năm 1557 nước Tàu đã giao vùng đất này, làm thuộc địa của Bồ Đào Nha cai quản, biến thành trung tâm thương mại quốc tế, và chính Macau cũng là nơi khởi đầu truyền bá Kitô giáo, cho khu lục địa Trung Hoa, cả miền Viễn Đông từ Nhật Bản tới Việt Nam và các nước vùng phụ cận, khi Tòa Thánh Rôma thiết lập giáo phận Áo Môn, do Đức Giám mục D. Leonard cai quản vào năm 1576.

Áo môn, danh từ Hán Việt, tức O Moon, Ngao Men. Người châu Âu gọi là Ma Cao, Macau, Amacao. Trụ sở Dòng Tên ở Đông Á cũng thiết lập ở đây vào năm 1564 gồm cả Học viện huấn luyện các tu sĩ tới chức linh mục, nhà tập bên cạnh nơi mà hầu hết các tu sĩ Dòng Tên người Việt Nam vào thế kỷ XVII -XVIII đều được đào tạo tại nơi này. Chính cha Đắc Lộ (1593-1660) cũng đã qua lại 6 lần trong thời kỳ giảng đạo ở Việt Nam, bởi vậy khi thầy giảng Anrê Phú Yên (1625-1644) người chứng thứ nhất tử đạo vào ngày 26/07/1644 tại Chợ Củi, thi hài cho vào hòm di chuyển về Hội Anngay, sau đó nhờ ông Joao de Figueroa chủ tàu người Bồ Đào Nha, bí mật đưa hài cốt thầy Anrê rời Việt Nam.

Trên đường di chuyển mặc dù sóng gió nhưng nhờ Thánh nhân phù hộ con tàu sang Áo Môn cập bến bình an vào sáng15/8/1644 trước sự đón rước long trọng, chuông trống trong thành phố vang lên, súng đại bác nổ chào mừng cùng với cờ hoa rợp trời của dân chúng cung nghinh hòm xác thánh đưa vào dâng lễ Tạ ơn tại ngôi Đền thờ Thiên Chúa Thánh Mẫu, quen gọi nhà thờ Thánh Phaolô của các cha Dòng Tên. Kể từ đấy “Thi hài Thầy Anrê được đặt tại khán đài bàn thờ Thánh Thể, bên cạnh di cốt của nhiều vị tử đạo Nhật Bản... Hài cốt thầy Anrê vẫn được gìn giữ cẩn thận tại đó cho đến năm 1835. Ngày 26/01 năm ấy, nhà thờ Thánh Mẫu bị hỏa hoạn thiêu hủy hoàn toàn chỉ để lại mặt tiền trơ trọi, nay là một thắng cảnh du lịch của Áo Môn. Trong lúc hỏa hoạn, may mắn thay người ta đã chạy được hài cốt các vị tử đạo, song vì hoảng hốt nên để lẫn lộn cả. Từ đó đến nay, hài cốt vị tử đạo Việt Nam vẫn được giữ tại nhà thờ Chánh tòa Giám mục Áo Môn, trong phòng nguyện Thánh Thể, cùng với di tích các vị Tử Đạo Nhật Bản, đựng trong mười tám cái bình sứ, không phân biệt được của vị nào.” (Trích theo Người Chứng Thứ Nhất của Phạm Đình Khiêm, Xb 1959 trang 180-181).

Riêng thủ cấp Anrê Phú Yên được cha Đắc Lộ luôn giữ bên mình, thời gian sau năm 1645 bị trục xuất đã mang theo về Tòa Thánh, hiện nay còn lưu giữ ở trụ sở Dòng Tên tại Rôma.

Liên quan đến địa danh Macau, tác giả Đàm Văn Tiếu có bài viết “Hài Cốt các vị tử đạo Việt Nam tại Macau” cho biết đã tìm thấy nơi này vào trường hợp hết sức bất ngờ, trong chuyến du lịch trước đây khoảng 20 năm khi đến thăm Hồng Kông và tới Macau nhằm để giải trí ở mấy sòng bài,nhờ lần theo bản đồ hướng dẫn ông tìm đến thăm nhà thờ Thánh Phaolô, đã hân hạnh nhìn thấy hài cốt các Ngài ở đây. Từ đó về sau “Mỗi lần đến đây đánh bài để tiêu khiển, chúng tôi luôn đến thăm di cốt của 14 vị tử đạo ở Việt Nam đang được lưu giữ cẩn thận trong những hộc kiếng, nơi căn phòng có máy điều hòa không khí, dưới tầng hầm của Thánh đường thánh Phaolô, nằm trên đường Rua de S. Paulo, Macau. Đây là di tích lịch sử Thánh đường được xây cất thật sớm ở những năm đầu 1600, nhưng bị thiêu hủy nhiều lần, nay chỉ còn bức tường mặt tiền và căn hầm lưu giữ di cốt các vị tử đạo Việt Nam và Nhật Bản để cho du khách đến viếng. Trên tấm bia chúng tôi thấy ghi tên từng vị tử đạo Việt Nam, nhưng chỉ ghi theo tên Thánh, chứ không ghi theo tên gọi Việt Nam và được khắc trên bia: Domingo, Tomas, Pedro, Caio, Joao, Bendicto, Martinha, Agostinha, Inacio Fitongotia, Martinha, Pedro Dang, Vicenie, Aoeixa và Andre. (Theo Nguyệt san Trái tim Đức Mẹ số 492 tháng 12/2018 trang 28)

Tác giả bài báo còn tỏ bày cảm xúc “Từ thật lâu, chúng tôi không biết thưa trình với ai về việc này, vì với tâm tư của người Công giáo Việt Nam, mỗi lần đến thăm viếng di cốt của các Ngài, chúng tôi vẫn thấy Giáo hội mình còn thiếu sự quan tâm, thiếu sự kính trọng đặc biệt đối với di cốt của các Ngài...Trong khi hàng năm Giáo hội Việt Nam vẫn tổ chức lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam một cách trọng thể, thì riêng các Ngài hầu như lại bị bỏ quên ở nơi đây. Bị bỏ quên ở một thành phố, mà hễ nhắc tới tên Macau là người ta liên tưởng ngay tới chuyện cờ bạc và ăn chơi tội lỗi...Vậy chúng ta có thể làm gì để tôn kính các vị anh hùng tử đạo ở đây?”. Một câu hỏi đáng để mọi thành phần người Công giáo ở Việt Nam suy nghĩ.

Với thời gian năm tháng, mọi sự tưởng chừng như lớp bụi thời gian sẽ che mờ tất cả, nhưng những di cốt của các ngài phải được thế hệ con cháu lưu giữ một cách trân quý, như lời Thánh Giêrônimô dạy rằng: “Chúng ta không thờ phượng, nhưng hãy tôn kính xương thánh của các vị tử đạo để thờ phượng Thiên Chúa cách xứng đáng hơn vì các Thánh Tử đạo là của Chúa”. Trong tâm tình đó, ta hãy mộ mến và tôn kính cùng noi gương các Thánh, những bậc tiền nhân, để sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo hội vững mạnh và một xã hội công bằng nhân ái.
 
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Phải tỉnh ở sẵn sàng (01/12/2020)
Nét đẹp văn hóa Vu Lan (30/11/2020)
Ông chủ trao nén bạc (26/11/2020)
Sập đá bảo vật quốc gia (26/11/2020)
Phải hướng về Thiên Chúa (25/11/2020)
Thánh lễ Ngày thế giới người nghèo: tuân thủ luật lệ thôi thì chưa đủ (16/11/2020)
"Ba Đình" tên lịch sử (12/11/2020)
"Ba Đình" tên lịch sử (03/11/2020)
Trung tâm hành hương Đền Thánh Phêrô Lê Tùỳ (29/10/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log