Các nhà sử học đánh giá, long sàng ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là kiệt tác điêu khắc của người Việt. Ảnh: Thái Bá |
Sập đá (Long sàng) ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, trong quần thể di tích cố đô Hoa Lư, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là bảo vật quốc gia được cho là xuất hiện từ thời Lê-Trịnh. Sập đá trước nghi môn ngoại được tạo thành từ một tảng đá nguyên khối, hình hộp chữ nhật, mặt sập 187cm x 127cm, chân đế 134cm x 196cm. Mặt sập đươc chạm khắc nổi hình con rồng cuộn mình và một hình sư tử giữa hai chi sau của rồng. Đầu rồng to, miệng đang há ngậm viên ngọc, răng và sừng sắc nhọn. Bốn chi của rồng được nhân cách hóa là 4 bàn tay phụ nữ mềm mại cầm sừng và vít đầu rồng. Bốn chân sập mang hình quỷ dạ xoa dữ tợn. Từng đường nét của những hình họa này cũng được trạm khắc rất tỉ mỉ để làm nổi bật uy quyền của hình rồng trên mặt, bên cạnh đó nói lên sự huyền bí của chốn linh thiêng. Ngay trước bái đường có thêm một chiếc sập đá nữa. Mặt sập cũng được chạm khắc nổi hình rồng cuộn, xung quanh đầy những họa tiết. mặt sập là đá nguyên khối 188cm x 138cm x 18cm. Chân đế là 9 khối đá cũng được chạm khắc tỉ mỉ.
Sập đá (Long sàng) được khai quật 7/2020 tại xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, đang được Bảo tàng tỉnh Ninh Bình quản lý. Sập được tạo tác từ đá xanh nguyên khối hình hộp chữ nhật165cm x 128cm x 53cm, nằm sâu dưới mặt đất ruộng. Mặt trên sập được làm nhẵn, xung quanh sập chạm khắc trang trí nhiều họa tiết hoa văn như: rồng chầu, hoa thị, hoa cúc cách điệu. Họa tiết rồng chầu thân mập, đuôi thẳng, thể hiện sự mạnh mẽ,. Góc bốn chân sập được trang trí hình mặt linh thú cách điệu (có nhiều giả thuyết đây là mặt hổ phù). Ba chân của sập liền với thân, một chân được tạo tách rời, sau đó gá lắp vào thân. Đây là sập đá phục vụ việc tế lễ. Phong cách tạo tác tổng thể cũng như trang trí các đồ án hoa văn rất giống các sập đá ở đền thờ Vua Đinh, Vua Lê (thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư). Các sập đá kể trên có thời Lê Trung Hưng (1533-1789).