Sông Ngàn Phố thuộc địa phận H.Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ảnh: Hà Hoa |
Ngàn Sâu và Ngàn Phố là hai con sông gắn vó với nhân dân các huyện phia tây tỉnh Hà Tĩnh, bắt nguồn từ các dòng suối nhỏ phía đông Trường Sơn cao 1000m. Sông Ngàn Phố có nghĩa là phố giữa rừng dài 70km, chảy gần như theo hướng Tây-Đông tới ngã ba Tam Soa (xưa có bến Tam Soa), nơi giáp ranh huyện Hương Sơn và huyện Đức Thọ thì hợp lưu với sông Ngàn Sâu dài 130km từ các huyện Hương Khê, Vũ Quang chảy từ phía Nam lên để tạo thành sông La, một phụ lưu của sông Lam. Sông Ngàn Sâu có các phụ lưu là sông Tiêm, sông Ngàn Tươi. Ngồi dưới gốc ngô đồng cổ thụ của hai con sông lắng nghe tĩnh lặng của dòng sông, tán ngô đồng tỏa bóng trong đêm sừng sững. Mặt nước phẳng lặng không hề gợn sóng trong mùa khô, dữ dội trong mùa mưa. Tháng 8 đến Ngàn Sâu, Ngàn Phố như đã chạm tay vào mùa thu xanh đôi bờ miên man. Từ chợ Thượng ngược bến Tam Soa lênh đênh trên mái chèo khua Ngàn Phố hay từ Rú Nầm, Rú Vằng xuôi xuống cầu Tràn, bến Đợi, bến Đón, bến Đưa. Một chiều trên sông văng vẳng điệu ví dặm, ví đò đưa cất lên giữa hun hút, rưng rưng chạm vào tâm tư người lữ khách đứng bên bờ vọng phía xa xăm.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) là vị tổ ngành y học Việt Nam quê Hải Dương, chọn vùng Hương Sơn, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh nơi có hai dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn phố ở tỉnh Hà Tĩnh làm quê hương thứ hai để thưởng thức cảnh đẹp và khai thác cây rừng bạt ngàn làm thuốc chữa bệnh cho dân. Tại đây, ông làm nhà cạnh rừng đặt tên hiệu “Hải Thượng Lãn Ông”. Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xứ Bầu Thượng quê mẹ. “Lãn ông” nghĩa là “ông lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, của quyền thế, tự do nghiên cứu y học. Mùa thu năm Bính Tý (1756), Lê Hữu Trác ra Kinh đô mua một số phương thuốc gia truyền, trở về Hương Sơn đóng cửa để đọc sách, vừa học tập và chữa bệnh. Mười năm sau tiếng tăm của ông đã nổi ở vùng Hoan Châu (Nghệ Tĩnh). Sau mấy chục năm tận tụy với nghề nghiệp, Hải Thượng Lãn Ông đã nghiên cứu rất sâu lý luận Trung Y qua các sách kinh điển: Nội Kinh, Nam Kinh, Thương Hàn, Kim Quỹ; tìm hiểu nền y học cổ truyền của dân tộc; kết hợp với thực tế chữa bệnh phong phú của mình, ông hệ thống hóa tinh hoa của lý luận Đông y cùng với những sáng tạo đặc biệt qua việc áp dụng lý luận cổ điển vào điều kiện Việt Nam, đúc kết nền y học cổ truyền của dân tộc.