Văn hóa nghệ thuật

Hai thắng cảnh chùa Hương

Cập nhật lúc 15:58 25/03/2021
Chùa Hương ở Hà Tĩnh tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Can Lộc.
Một thoáng chùa Hương Tích. Ảnh: CTV
Một thoáng chùa Hương Tích. Ảnh: CTV
Chùa Hương ở Hà Tĩnh tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Can Lộc. Đây là quần thể di tích văn hóa tôn giáo Việt Nam, với nhiều ngôi chùa thờ Phật, một vài ngôi đền thờ Thần, trong đó cả cả những ngôi đền mang tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu, được mệnh danh là “Hoan Châu đệ nhất danh lam”, xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia (theo sách “Hương Sơn báu quyển”). Chùa được xây dựng từ đời Trần (đồng thời với chùa Yên Tử). Khi Trần Nhân Tông lên tu ở chùa Hoa Yên (Yên Tử), dân cư vùng Hoan Châu đến thắp hương ở chùa Hương Tích. Tại chân núi có suối chảy vào hồ nước mênh mông với tên Hương Tuyền. Từ năm 1990, vào dịp 18/2 âm lịch hàng năm (đúng như lịch trẩy hội chùa Hương ở Hà Nội) hàng ngàn phật tử du khách từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái, Ðà Nẵng... vượt dốc núi dài khoảng 4km để cùng nhau khai hội Chùa Hương Tích Hà Tĩnh. Ngày nay, việc hành hương du lịch Chùa Hương Tích Hà Tĩnh đã thuận tiện hơn trước, do có thêm tuyến cáp treo để lên chùa và để ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình.

Chùa Hương ở Hà Nội là một “phiên bản” đầy ý nghĩa của Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh. Theo cuốn “Hương Sơn thiên trù thiền phả”, một vị hòa thượng được lệnh của chúa Trịnh (sau khi đi tuần thú) xác định địa điểm và cho xây dựng Chùa Hương tại Hà Nội (từ đời Lê Huy Tông dưới niên hiệu Chính Hòa (1680-1704). Vào thời vua Lê - chúa Trịnh, phần lớn vua chúa có quê ở xứ Thanh (xem Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái) nên các phi tần, mỹ nữ đa số được tuyển chọn ở miền Hoan Châu, Ái Châu. Hàng năm các cung phi, cung nữ Thanh - Nghệ thường đi lễ hội Chùa Hương Tích Hà Tĩnh trên núi Hồng Lĩnh vào ngày 18/2 âm lịch bằng đường thủy qua cửa Hội Thống (gần Cửa Lò). Mỗi lần những “người đẹp” đi xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân (tuy đã bố trí lính vệ phục vụ dọc đường), do đó chúa Trịnh mới gọi một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi Hà Tây (Hà Nội) để xây Chùa Hương thứ hai mà thờ vọng, để các “người đẹp” đi trẩy hội gần hơn. Nhờ “sáng kiến” của chúa Trịnh mà nước ta có hai Chùa Hương..
 
HẢI VÂN
Thông tin khác:
Bình yên ở Lung Ngọc Hoàng (22/03/2021)
Trở nên đền thánh mới (19/03/2021)
Một chuyến thăm nhà thờ núi Nha Trang (10/03/2021)
Bảo tàng hấp dẫn (08/03/2021)
Thắng mọi cơn cám dỗ (05/03/2021)
Phú Quốc, Côn Đảo (01/03/2021)
Bệnh của anh biến khỏi (26/02/2021)
Ngày Tết cùng nhau đọc lại bài thơ “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ (23/02/2021)
Ngôi nhà vàng độc nhất Tây Đô (07/01/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log