Những ngày giáp Tết là những ngày rất bận rộn nhưng cũng rất vui tươi, náo nhiệt với biết bao công việc chuẩn bị cho đón chào năm mới trong đó có việc đi chợ Tết. Đã từ rất lâu rồi, việc đi chợ tết không chỉ đơn thuần là để mua bán, sắm sửa những thứ cần thiết cho ngày tết mà còn là một thú vui tao nhã để thưởng ngoạn, được đắm chìm trong không khí Tết đang đến gần. Đó cũng được xem như một nét văn hoá rất đặc sắc trong đời sống của người Việt. Xin hãy cùng chúng tôi sống lại không khí đó qua bài thơ CHỢ TẾT của nhà thơ Đoàn Văn Cừ.
Chợ Tết
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép
đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.
Một thầy khoá gò lưng trên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lý bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đang chít cũng bung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà,
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha.
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm,
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
Báo Ngày nay - 1939
Phải nói ngay rằng bài thơ là sự tái hiện một phiên chợ Tết bất hủ của Đoàn Văn Cừ và nó đã là hình ảnh đi vào tâm trí của nhiều thế hệ độc giả như một bức tranh toàn bích chỉ có thể tìm thấy ở làng quê Việt Nam ngày xưa. Đó chính là cái hồn quê dân tộc. Ở đó người đọc cảm nhận được một hồn thơ dạt dào sức sống, rất chân thực nhưng cũng đầy thi vị và lãng mạn.
Chúng ta có thể nhận ra cấu trúc không gian của bài thơ là sự hài hoà đan xen giữa khung cảnh thiên nhiên và con người. Bài thơ được chia thành ba khổ gắn với sự chuyển động của thời gian, không gian và những hoạt động của con người trong một phiên chợ Tết. Ở khổ 1 (gồm15 dòng) là một bức tranh thiên nhiên sống động trong đó có hình ảnh đoàn người đang “tưng bừng” ra chợ. Khổ 2 (23 dòng) được xem là trung tâm của bài thơ được tác giả dành để quan sát, miêu tả con người trong những cử chỉ, dáng điệu, âm thanh cùng những hoạt động của họ. Đây là phần sôi động, náo nhiệt nhất của phiên chợ Tết. Khổ 3 là 6 câu thơ còn lại và cũng là khép lại bài thơ bằng việc miêu tả cảnh vật thiên nhiên với không gian tĩnh lặng, có cái gì đó ảm đạm đúng với tâm trạng của con người khi tan chợ, mọi người ra về trong nỗi niềm bâng khuâng man mát.
Trở lại khổ đầu của bài thơ ngay từ những câu thơ đầu tiên tác giả đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về một buổi sáng sớm tinh mơ khi cả làng chìm trong ánh bình minh. Ở đây bằng sự quan sát rất tinh tế như một hoạ sĩ tài hoa, tác giả đã dựng lại một bức tranh về một làng quê tuy rất dân dã, thân thuộc nhưng cũng rất thơ mộng thông qua các hình ảnh vô cùng tiêu biểu, đẹp đẽ, sống động. Đặc biệt các hình ảnh đó được tác giả dùng nghệ thuật nhân hoá làm cho cảnh vật trở nên có hồn bằng các từ như sương trắng thì “đỏ dần”, sương hồng lam thì “ôm ấp”, con đường “viền trắng” mép đồi, tia nắng “nháy hoài”, núi “uốn mình”, đồi “thoa son”…Điều đó làm cho chúng ta cảm nhận rất rõ về sự chuyển động của không gian và thời gian, bức tranh quê càng ngày càng sáng dần lên.
Trên nền bức tranh ấy là sự xuất hiện của con người. Đó là đoàn người từ các ấp “tưng bừng ra chợ Tết” với tâm trạng rất “vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc”. Đó là những “thằng cu áo đỏ chạy lon ton” chắc là chúng vui lắm vì được mặc áo mới theo người lớn ra chợ. Đó là các cụ già “chống gậy bước lom khom”, họ là những bậc cao niên, từng trải nên dáng điệu có vẻ khoan thai đĩnh đạc. Các “cô yếm thắm” thì có vẻ thẹn thùng, e lệ, làm duyên giữa chốn đông người nên “che môi cười lặng lẽ”. Còn em bé kia chắc lần đầu được theo mẹ đi chợ nên còn ngượng ngùng “nép đầu bên yếm mẹ”. Chỉ những nét chấm phá thế thôi nhưng đó là những hình ảnh rất chọn lọc, rất tiêu biểu, nhà thơ “hoạ sĩ” Đoàn Văn Cừ đã phác thảo một bức tranh quê tuyệt mỹ, lay động lòng người nhất là những người lớn tuổi đã từng sinh ra và lớn lên trong các làng quê như thế mà ngày nay chúng ta không còn tìm thấy ở các làng quê Việt Nam. Nông thôn Việt Nam bây giờ đang trở thành nông thôn mới, hiện đại và tân kỳ thậm chí đang dần “đô thị hoá”.
Ở khổ thơ thứ hai, tác giả dành nhiều sự quan sát để miêu tả các hoạt động diễn ra ra trong phiên chợ Tết. Đó là cảnh “người mua bán ra vào đầy cổng chợ”. Ở đây chúng ta được thưởng thức 10 cảnh rất vui về hoạt động của con người với những âm thanh, cử chỉ cùng sắc màu. Và điều đặc biệt là những sản vật, hàng hoá được mang ra chợ để mua bán trao đổi đều là những thứ đặc trưng của ngày Tết, thế cho nên mới gọi là “CHỢ TẾT”. Đó là anh hàng tranh với đôi bồ đựng đầy tranh Tết, là thầy khoá gò lưng trên phản viết thơ xuân, là cụ đồ miệng nhẩm đọc câu đối đỏ, là chú hoa man bán hàng mã, rồi người bán cam, bán gạo, bán gà… Bức tranh dân gian “Chợ Tết” của Đoàn Văn Cừ mang vẻ đẹp vừa bình dị thân thuộc, vừa rực rỡ sắc màu. Tác giả đã làm sống lại cảnh vật và cuộc sống nơi đồng quê đậm đà màu sắc văn hóa dân gian với tất cả tấm lòng yêu thương nồng hậu. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ chỉ màu sắc của ngòi bút nghệ thuật Đoàn Văn Cừ rất giàu có, tinh luyện: trắng, đỏ, hồng lam, viền trắng, xanh, biếc, thắm, vàng, tía, the xanh, thoa son,... Đọc đoạn thơ, ta như được đắm mình trong không khí vui tươi, nhộn nhịp, được đi chợ Tết cùng bà con các ấp hơn mấy chục năm về trước. Ở đây tác giả ít tập trung miêu tả việc mua bán mà chủ yếu miêu tả khung cảnh của chợ Tết. Điều này cũng dễ hiểu bởi đi chợ Tết không chỉ là để mua sắm mà còn để thưởng ngoạn, giao lưu với cái nghĩa đi “xem chợ”, đi “chơi chợ”. Đó cũng là điều thú vị mà ngày nay vẫn đang là sở thích của rất nhiều người. Đúng là nhà thơ đã dựng lên một bức tranh rất sinh động, nhưng cũng rất đỗi thân quen của một phiên chợ Tết những năm tháng cũ. Đó cũng chính là cái hay và cái tài tình của nhà thơ.
Khổ thơ thứ ba là 6 câu thơ cuối cùng khép lại bài thơ cũng là khép lại một phiên chợ Tết bằng những câu thơ đượm một nỗi buồn man mát khi “người quê lũ lượt trở ra về” trong tiếng chuông chùa “văng vẳng đánh” trên con đường “làng hẻo lánh”. Đó cũng là lúc “ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê” và “lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Một ngày nhộn nhịp đã qua đi, không gian trở lại yên tĩnh có phần đìu hiu gợi một nỗi nhớ nhung, luyến tiếc. Có lẽ đó cũng là tâm trạng rất chung của mọi người khi tan chợ, họ ra về trong nối niềm bâng khuâng khó tả.
Kết thúc bài viết này, tôi xin mượn lời nhận xét của nhà phê bình nổi tiếng là Hoài Thanh-Hoài Chân rằng: “Những hình ảnh cuộc đời Việt Nam xưa còn lưu lại trong thời nay chẳng bao lâu sẽ mất hết. Nếu ta không gấp gáp ghi chép lấy thì rồi chẳng còn biết tìm kiếm vào đâu. Gần đây đã có một ít nhà văn viết tiểu thuyết ưa thuật chuyện đồng quê nơi nương náu cuối cùng của dĩ vãng. Những đời sống ở đồng quê có một nhịp nhàng riêng, thể văn tiểu thuyết không thể diễn ra được. Phải có thơ. Trong các nhà thơ đồng quê, không ai có ngòi bút dồi dào mà rực rỡ như Đoàn Văn Cừ.” Quả đúng như vậy, bài thơ viết về “chợ Tết” ở một miền quê dân dã ra đời cách đây đã 80 năm vẫn được coi là bài thơ tiêu biểu nhất luôn sống mãi trong tâm trí người đọc qua biết bao thế hệ.
Hà Ngọc