Có lẽ, Trung tâm Hành hương Tắc Sậy có số tượng ảnh khắc họa chân dung cha P.X Trương Bửu Diệp - người đang được Giáo hội tiến hành những bước cuối cùng để tuyên phong chân phước - nhiều nhất nước. Nhẩm đếm có đến trên 30 tượng lớn, hơn 100 tượng nhỏ và khoảng 50 tranh ảnh của cha, với nhiều chất liệu và hình thái nghệ thuật khác nhau, từ khắc gỗ, khắc đá, đúc thạch cao, đúc nhựa… đến tranh vẽ bút sắc, sơn dầu, tranh thêu, sơn mài...
Tượng điêu khắc gỗ cao 2.5m do Duy Chinh thực hiện là một trong những tượng được đặt sớm nhất ở trung tâm |
Những ngày cuối năm, dù ai cũng bận rộn, nhưng Trung tâm Hành hương Tắc Sậy vẫn rất đông khách đến thăm viếng. Sau thông tin Bộ Phong Thánh công bố sắc lệnh công nhận cuộc tử đạo của đấng Tôi Tớ Chúa là cha P.X Trương Bửu Diệp - đánh dấu bước tiến quan trọng trong tiến trình phong thánh - những người yêu mến cha dường như hướng về đây nhiều hơn. Thời điểm nào trong ngày cũng có khách từ phương xa tìm đến. Ngoài kiến trúc đẹp mắt, khuôn viên rộng thoáng, cơ sở vật chất khang trang, trung tâm này hiện còn là nơi lưu giữ rất nhiều hiện vật, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và quá trình mục vụ của cha Phanxicô trên vùng đất lau sậy, đước mắm hơn 8 thập niên trước.
Trước hết, hãy nhìn lại đôi nét về giáo đoàn Tắc Sậy qua chiều dài 100 năm hiện diện, để thấy rõ hơn sự gắn bó của cha Diệp với người dân miền này, cũng là nơi an nghỉ sau cùng của ngài: Năm 1925, họ đạo Tắc Sậy được thành lập và tháng 8.1926, linh mục Phaolô Trần Minh Kính được cử về làm cha sở đầu tiên. Đến tháng 3.1930, cha P.X Trương Bửu Diệp đến thay cha Kính. Trong thời gian coi sóc, cha đã chuyển nhà thờ từ phía trong ra ngoài mặt tiền như vị trí hiện tại. Cha mất ngày 12.3.1946, lúc 49 tuổi, sau 16 năm làm mục vụ ở Tắc Sậy, được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo - ngày đó còn là họ lẻ của Tắc Sậy.
Nhiều người được ơn và dâng tặng tượng cha Diệp |
Năm 1969, hài cốt cha được dời về phía sau nhà thờ Tắc Sậy. Hai mươi năm sau, ngôi nhà mồ của cha được trùng tu và khánh thành ngày 4.6.1989, vào lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, bổn mạng họ đạo. Kế đến, trong tuần tĩnh tâm thường niên của các linh mục địa phận, Đức cha Emmanuel Lê Phong Thuận, Giám mục giáo phận Cần Thơ - nơi họ đạo Tắc Sậy thuộc về - đã nâng Tắc Sậy lên thành Trung tâm Hành hương cha P.X Trương Bửu Diệp vào ngày 21.1.1997. Để nhà thờ và phần mộ cha Trương Bửu Diệp tôn nghiêm và khang trang hơn, ngày 24.2.2004, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi nhà thờ mới đã được tổ chức. Đến ngày 4.3.2010, Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên chủ sự thánh lễ di dời hài cốt của cha Diệp lần 2, chỉ cách chỗ cũ khoảng vài chục mét và cũng ở trong khuôn viên nhà thờ Tắc Sậy như đang thấy.
Trung tâm Hành hương cha Diệp ngày nay được kể gồm cả ngôi thánh đường Tắc Sậy uy nghi lẫn các khu vực dành riêng cho việc tôn kính cha Diệp, tất nhiên là luôn cả khu nhà bao trùm trên phần mộ của ngài. Các tượng, ảnh cha được đặt để ở nhiều vị trí khác nhau. Tập trung nhiều nhất, nhiều mẫu nhất là ở phòng truyền thống và phòng xin khấn. Chân dung lấy nguyên mẫu từ tấm ảnh cha Diệp chụp sau lễ chịu chức. Xin mở ngoặc nói thêm, tấm ảnh gốc này là món quà cha gởi tặng một số bà con và vài giáo dân, được họ lưu giữ lại. Đây được coi là mẫu ảnh duy nhất của cha, được các nghệ nhân, họa sĩ tái hiện lại dưới nhiều hình thức như tượng bán thân, tượng toàn thân, hay tượng cha ở các tư thế đứng, ngồi, quỳ…, nhưng gương mặt thì đều giống nhau.
Cha Phanxicô Trần Bình Trọng, người có nhiều năm làm quản nhiệm Tắc Sậy và coi sóc Trung tâm Hành hương cho biết: “Trong các tượng cha Diệp ở trung tâm thì bức tượng bán thân khắc chữ “Gia đình họ Lê tạ ơn cha” đang đặt ở phòng truyền thống và tượng gỗ cao 2.5m phía trước mộ cha do điêu khắc gia Duy Chinh thực hiện vào cuối 2008 là hai tượng có sớm nhất ở Tắc Sậy”. Ngoài ra, cũng theo cha Trọng, trong hàng trăm tượng với đủ các vật liệu như gỗ, thạch cao, xi măng, đá… thì có giá trị nhất về chất liệu có lẽ là pho tượng đúc hình cha Diệp trong tư thế đang ngồi có chiều cao trên 1m bằng đồng để trong phòng xin lễ.
Pho tượng đúc bằng chất liệu đồng (bìa phải) hiện là bức có chất liệu giá trị nhất |
Một vòng xem thật kỹ từng bức tượng cha cả lớn lẫn nhỏ ở Tắc Sậy, chúng tôi nhận ra mỗi tượng đều có sự tỉ mỉ, sắc sảo và thần thái riêng, nhưng có một điểm chung là gương mặt của vị chủ chăn từng hết lòng vì đàn chiên này luôn toát lên sự phúc hậu và đường nét thánh thiện. Khoảng một nửa số tượng có khắc tên hoặc lời cảm ơn khi nhận được lời cầu bầu cùng Chúa từ cha. Chắc hẳn, đằng sau mỗi bức tượng, mỗi bức tranh về cha Diệp đều có một câu chuyện riêng tư của một người, một gia đình hay cộng đoàn nào đó, với những hoàn cảnh hay vui buồn ẩn chứa. Họ có một điểm chung là lòng mến mộ, sự tin cậy cũng như niềm hy vọng khi đến Tắc Sậy; và không phải hết thảy họ đều là người Công giáo. Chúng tôi lần đọc: một gia đình ở Bến Tre được ơn dâng tặng bức tượng gỗ nhỏ để trong lồng kiếng, dưới chân tượng là đôi dòng thông tin từ người tặng, đơn sơ, giản dị; rồi những bức tranh ghi chú chủ nhân đến từ Đồng Nai, Bình Dương; những tượng bán thân của người từ Vũng Tàu, Ban Mê Thuột dâng… Tất cả nói lên sự kính mến và sức lan tỏa những ơn ích hay điều thiện lành mà nhiều người nhận được từ đây.
Trong trung tâm cũng có khu vực bày trí những tượng nhiều kích cỡ, chất liệu mà người dâng cúng thể hiện bằng chính sản phẩm nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn một công ty bonsai cây cảnh dâng mẫu cha Diệp đứng giữa những hòn non bộ, một công ty sản xuất gỗ thì tạc chân dung cha bằng gỗ, một công ty mỹ nghệ lại khắc hình trên đá quý… Phần tranh ảnh cũng phong phú, là tranh vẽ, tranh thêu, tranh khắc gỗ, tranh khảm xà cừ, nhũ vàng… Về tạo hình, phổ biến nhất là mẫu cha đứng, một tay giơ cao thánh giá, một tay cầm cuốn Kinh Thánh. Đặc biệt, có những tượng lớn đặt gần nhà mồ thiết kế dáng cha đang ngồi mở một cuốn sổ và có một cây bút thật để sẵn. Vài người đến viếng đã ghi lời khấn của mình vào sổ này. Những nguyện ước chồng chất lên nhau theo thời gian, dày kín niềm tin…
Dù các pho tượng lớn của cha Diệp được đặt để ở nhiều vị trí khác nhau trong nội vi trung tâm và nhà thờ, song gần như không bức nào “cô đơn”, vì khách hành hương ai cũng cố nán lại trước từng tượng hay dãy tượng, dâng một điều nguyện ước thầm kín, trong tiếng cầu kinh rì rầm xung quanh.
Đăng Khôi
Nguồn cgvdt