Phần hoa văn được vẽ lại tỉ mỉ bên phía phần mộ ông Lê Phát An |
1.
Nhà thờ Hạnh Thông Tây tọa lạc trên đường Quang Trung, thuộc hạt Gò Vấp, TGP TPHCM, được xây dựng năm 1921 (hoàn thành năm 1924), dưới thời linh mục Matthêu Hồ Tấn Đức làm cha sở, do ông bà Denis Lê Phát Andâng cúng kinh phí (ông Lê Phát An là con trưởng của ông Lê Phát Đạt - tức ông Huyện Sĩ - người bỏ tiền xây dựng nhà thờ Chợ Đũi, còn gọi là nhà thờ Huyện Sĩ). Kiến trúc nhà thờ theo trường phái Byzantine, lấy cảm hứng từ mẫu Vương Cung Thánh Đường Vitale của thành phố Ravenna - Ý, nay qua bao mùa nắng gió, thời gian âm thầm in vết mờ phai lên đôi chỗ trong và ngoài ngôi thánh đường được xem là nằm trong số những công trình Công giáo đẹp của Sài Gòn. Việc sửa sang cũng từng được thực hiện vài lần, và gần đây nhất là hồi tháng 4 năm 2024.
Chuyện bắt đầu từ lần linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn, cha sở Hạnh Thông Tây có ý định phục hồi các bức phù điêu 14 Chặng Đàng Thánh giá bên trong nhà thờ. Những phù điêu này nguyên thủy trước đây sơn màu cát, sau được phủ sơn giả đồng trong lần sửa chữa cách đây gần 20 năm, hiện giờ đã bị xỉn đen và khó để nhìn ra các chi tiết. Vì vậy, mong muốn giúp người tham dự, đặc biệt là các em thiếu nhi dễ hình dung các hình ảnh và ý nghĩa những chặng Đàng Thánh Giá, cha ngỏ ý nhờ ông Vũ Thái Sơn là giảng viên trường Đại học Mỹ Thuật TPHCM đã nghỉ hưu - một giáo dân trong xứ - vẽ lại.
Họa sĩ Vũ Thái Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng các “nghệ nhân không chuyên” đang vẽ lại các chi tiết trên trần nhà |
Vì toàn bộ ít nhiều đã bị hư hại hay sứt mẻ qua thời gian, nên ngoài việc vẽ màu lại trên các phần sẵn có, các chỗ bị bể, hay chắp vá từ trước, được ông Sơn đắp thêm thạch cao, nắn giũa lại, sau đó vẽ bằng sơn dầu. Ròng rã trong 3 tháng thì hoàn tất, các bức phù điêu như được khoác lên màu áo mới sau nhiều năm bị phủ bụi mờ. Những tưởng công việc được giao tới đây là hoàn thành, nhưng khi chặng Đàng Thánh Giá cuối cùng được treo lên, nhận thấy được sự khập khiễng so với hai bức phù điêu lớn hai bên phía trước gian cung thánh - thời điểm đó cũng đang khoác lớp sơn giả đồng - nên cha Tuấn đã quyết định cho sơn lại luôn.
Đây là hai bức phù điêu khá nổi tiếng của nhà thờ Hạnh Thông Tây, một bức tạc lại cảnh Đức Mẹ hiện ra với thánh nữ Bernadette Soubirous tại Lộ Đức; bức kia là hình ảnh Thánh Giuse hấp hối, có Đức Mẹ và Chúa Giêsu bên cạnh, rất hiếm thấy trong nghệ thuật thánh. Chất liệu của hai bức phù điêu này gần giống nhau, ngoài là viền đá quý vân đỏ, bên trong các chi tiết được đắp bằng xi măng, nguyên thủy có tông màu trắng nhẹ, được gia giảm sáng tối để nhìn chân thực. Sau này khi sơn nhũ đồng, qua thời gian cũng bị xỉn màu, ngả đen, và không thể phục hồi màu nguyên trạng,
“nên cách duy nhất để cứu vãn là vẽ màu sơn dầu lên các chi tiết của tranh”, ông Sơn giải thích.
Mỗi người chịu trách nhiệm một khu vực khác nhau |
2.
Hai bức phù điêu giá trị sau khi được hoàn thiện, đã củng cố thêm quyết tâm làm mới lại toàn bộ các bức họa trên tường của những người thực hiện công trình. Đầu tiên là bức “Đồi Canvê” - bức tranh cao nhất ở chính giữa gian cung thánh, ngay phía trên Nhà Tạm. Tình trạng chung của các bức tranh tường trong nhà thờ là đều bị mục và có thể rã bất cứ lúc nào. Thử hình dung, phần tường ngày xưa được đắp một lớp sỏi, sau đó đắp thêm lớp vữa vôi, rồi phủ lớp sơn nền, sau đó vẽ tranh lên. Nay tường lâu ngày bị thấm nước, muốn vẽ lại tranh phải thực hiện chống thấm bên trong lẫn bên ngoài trước, cộng thêm việc bơm keo để gia cố lại lớp sơn tường, tránh trường hợp các mảng vôi bị bong ra, chi tiết cũ bị hư hao, mất đi các nét vẽ của tranh gốc. Có 2 điểm mới của Đồi Canvê sau khi được vẽ lại, thứ nhất là chi tiết chim bồ câu được điều chỉnh để đứng thẳng, đầu hướng về phía trên hình Thánh giá Chúa, so với trước kia phần đầu bị rụt lại và nhìn ngang sang hướng bên trái; thứ hai, quân lính phía sau cũng được ông Sơn vẽ thêm để phông sau đầy đặn và hợp lý hơn.
Hoàn thành xong tranh chính Đồi Canvê thì giáo xứ quyết định làm mới luôn phần bên trong, nên đến lượt các bức tranh khác xung quanh mái vòm, dọc theo hai bên lòng nhà thờ, gồm tranh các Tổng lãnh thiên thần, tranh các thánh sử hay những vị thánh nổi tiếng trong lịch sử Giáo hội Công giáo… được vẽ lại, một cách tỉ mỉ và công phu, làm thay da đổi thịt, dầu ban đầu không nằm trong dự tính của bất kỳ ai.
Khi đã hoàn thiện các tranh tường thì tiến hành dát vàng những hoa văn trên các góc cột và phần trần nhà thờ. Thực ra, hoa văn dát vàng nguyên thủy đã có, nhưng những lần trùng tu trước không phục hồi vì trần nhà khá cao, khó làm. Lần trùng tu này được trang bị giàn giáo chắc chắn, kỹ lưỡng và cao đụng đến trần, nên phần việc còn lại tương đối là cơ bản và không cần quá khéo tay, chỉ là mất nhiều thời gian vì có rất nhiều chi tiết lớn nhỏ. Vậy là phải huy động giáo dân thiện chí và có “hoa tay”. “Công trình sẽ không hoàn thành nếu thiếu sự cộng tác của bà con nơi đây, họ đều là những người phục vụ âm thầm và nhiệt thành…” - ông Sơn thú nhận.
Phục chế lại bộ phù điêu 14 Chặng Đàng Thánh Giá |
3.
Khi thấy ông Sơn ngày ngày làm một mình, vài người thường xuyên lui tới giúp nhà thờ đã đề nghị được cộng tác, phụ giúp các công việc trong khả năng, ông cảm kích: “Thấy giáo dân bỏ thời gian đến phụ giúp thì mừng lắm, rồi người này rủ người kia, tôi mời các cô vô luôn, ban đầu là dặm keo, dát vàng đơn giản thôi, mấy anh nhà có máy thì mang lên xịt phủ bóng. Xong công đoạn này, tôi hỏi mọi người có giúp vẽ hoa văn được không, rồi cho vẽ thử, mấy cô năng khiếu thì tách ra, cho kèm thêm 1-2 cô khác, họ vẽ phụ mình”. Việc dát vàng lên trần nhà vàgian cung thánh do đó mà được tiến hành bởi nhiều đôi tay hơn. Công việc đơn giản gồm các khâu như quét keo lên chi tiết cần dát, áp từng lá vàng lên phần keo vừa quét, sơn tiếp lớp keo bảo vệ lên đợi khô, cuối cùng là phủ bóng. Một đội ngũ khoảng chục người cùng góp sức.
Ngoài việc vẽ chính tranh chân dung các thánh, ông Sơn phụ trách việc pha màu và hướng dẫn cách vẽ. Tranh các thánh tổng cộng có 26 bức, 4 thánh sử ở khu vực mái vòm và 22 thánh dọc theo hai bên nhà thờ. Giáo dân cộng tác thì giúp vẽ các họa tiết ở các cột lớn nhỏ, hoa văn xung quanh các tranh và dọc theo hai bên bờ tường.“Hồi đầu mới tham gia, ai cũng sợ vẽ sai hết, rồi động viên nhau. Ai biết vẽ thì kèm người chưa biết, ai không vẽ được thì cho làm khâu khác, xịt sơn chẳng hạn. Lâu dần quen việc rồi thì nhịp nhàng, thuần thục hơn. Nhiều khi cũng áp lực lắm, thấy nhiều việc phải làm quá không biết bao giờ mới xong, có hôm bỏ việc nhà chạy vô phụ, đổi lại mình xác định làm việc cho nhà Chúa, nên ai cũng thấy vui!”, bà Nguyễn Thị Lộc, thành viên tham gia đội vẽnhớ lại. Còn đây là tâm sự của ông Sơn: “Hồi đầu cũng cho vẽ đi vẽ lại không biết bao nhiêu lần. Mình ngồi đâu họ ngồi đó, vừa vẽ vừa canh họ, phải kiên nhẫn từng nét cọ, chỉ sợ người ta nản rồi bỏ thôi. Pha màu cho họ vẽ cũng cực lắm, vẽ được thì ít mà vẽ hư là nhiều, tông đậm nhạt, màu thì nham nhở, hình chạy tùm lum, sau này từ từ rút kinh nghiệm rồi quen dần”.
Nói đến màu, khác với các phù điêu và các bức tranh chính, các họa tiết trên tường, cột được vẽ bằng màu Acrylic, ông Sơn mua nguyên liệu về tự pha với bột titan, vì ngoài thị trường không có màu như mong muốn. Ông giải thích thêm, ngày xưa được vẽ màu Azo, vì là màu bột nên gặp nước rất dễ bị tan chảy. Lần này sử dụng Acrylic là màu nước gốc cao su, khi khô lại sẽ không hòa tan được nữa, giữ được bền. Có một chi tiết thú vị là một số cô có thêm nghề vẽ móng, trang điểm…, nên đáp ứng được những yêu cầu nâng cao, như các chi tiết cần chuyển tiếp từ màu này sang màu kia, cần có năng khiếu, khéo léo, tập trung và tính thẩm mỹ để diễn tả được đúng ý đồ của tổng thể. Các cô cũng được hướng dẫn thêm cách đi màu, thay đổi sắc độ sáng tối, sao cho các hoa văn nổi bật và sinh động...
Với nhiều ngày ròng rã, công trình cũng đã hoàn thành tốt đẹp nhờ công khó, sự hy sinh của bao người, ai ai cũng đều mừng vui. “Đây như một món quà Chúa gởi đến, nhất là những người đã cộng tác để thi công, vì từ đầu, không ai nghĩ ngôi thánh đường sau khi sửa sang sẽ nên hình nên dạng thế này”, cha Giuse Phạm Đức Tuấn khẳng định. Những ngày miệt mài tô vẽ từ 6 giờ rưỡi sáng đến 9-10 giờ khuya, nét cọ đơn sơ được vẽ nên từ những hy sinh lặng lẽ, làm nên một bức tranh chung rất đẹp: đẹp từ ngôi thánh đường đến sự hiệp nhất, chung lòng của những người con trong xứ đạo xưa cũ này.
Anh Thư
https://www.cgvdt.vn