Văn hóa nghệ thuật

Ngôi nhà thờ nằm giữa “tám mối phúc”

Cập nhật lúc 05:20 18/02/2025
Trong một chuyến đi ngang qua Bảo Lộc, tôi ngạc nhiên khi thấy trên bản đồ xuất hiện hình ảnh một ngôi giáo đường nằm chính giữa, xung quanh là những con đường tỏa ra, trông như một hình bát giác khổng lồ… Người quen ở đó cắt nghĩa: Hồi quy hoạch lập xứ, các cha có ý chỉ về tám mối phúc thật!
Nhìn bản đồ quy hoạch ban đầu của giáo xứ khiến tôi liên tưởng đến câu nói “mọi con đường đều dẫn về La Mã”
Nhìn bản đồ quy hoạch ban đầu của giáo xứ khiến tôi liên tưởng đến câu nói “mọi con đường đều dẫn về La Mã”
Thuở khai hoang cơ cực
Nơi có lối kiến trúc độc đáo này là giáo xứ Mân Côi Tân Hà, giáo phận Đà Lạt. Xứ đạo này được thành lập khoảng 70 năm trước, từ hai vị thừa sai dòng Chúa Cứu Thế người Canada là cha Patrice Gagné (cha Lợi) và cha Françoise La Liberté (cha Thái).
Tìm hiểu kỹ hơn, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Phi Dzũng, Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ, cũng là hậu duệ của một trong 12 gia đình đầu tiên cùng hai vị thừa sai nói trên di cư từ miền Bắc đến đặt chân trên vùng đất này. Ông Dzũng cho biết, theo quyển hồi ký của người bác ghi lại, thuở khai hoang ấy đầy cơ cực, nhà nào cũng lên đường với hai bàn tay trắng, chỉ có đức tin vào Chúa và bám víu vào cỗ tràng hạt Mân Côi. Ngồi trên xe đi hàng trăm cây số chỉ thấy rừng là rừng, không một bóng nhà. Đoàn người lội qua con suối, đến một khu đất cao là nơi cha Lợi đã chọn, mỗi nhà ở tạm trong một túp lều vải.
Những ngày tháng đầu ở chốn rừng âm u, um tùm cây cối và cỏ hoang, những di dân vốn quen ở thành thị, đã phải tập quen với đất rừng, nước suối, ẩm ướt, ve vắt và khổ nhọc. Nhóm người tiên phong khởi sự phát quang, đốn cây làm cầu tre bắc qua con suối dẫn vào khu vực lập làng, rồi dựng lên các ngôi nhà tranh vách lá thay cho những túp lều vải. Những gia đình Công giáo đầu tiên gắn bó với họ đạo do dòng Chúa Cứu Thế phụ trách gồm cư dân Thái Hà ấp và làng Phùng Khoang (Hà Đông), nên tên Tân Hà được đặt để mang dấu tích gốc Thái Hà ấp mới.
Sau nhóm đầu tiên chủ yếu là từ giáo phận Hà Nội, nhiều đợt di cư khác từ giáo phận Thái Bình, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thanh Hóa đến lập nghiệp, sinh sống.
 
Với lối kiến trúc đặc biệt, giáo xứ Tân Hà có thuận lợi về mặt không gian, giao thông, luôn được chọn là nơi tổ chức các sự kiện lớn trong giáo phận Đà Lạt - ảnh: Nguyễn Phi Dzũng
Với lối kiến trúc đặc biệt, giáo xứ Tân Hà có thuận lợi về mặt không gian, giao thông, luôn được chọn là nơi tổ chức các sự kiện lớn trong giáo phận Đà Lạt - ảnh: Nguyễn Phi Dzũng
70 năm vẫn giữ nguyên kiến trúc
Theo ông Dzũng, ban đầu mỗi gia đình được cấp 800m2, ai cũng dựng nhà ở giữa, xung quanh trồng ngô, khoai, rau, su su… để có thức ăn hằng ngày. Bảo Lộc cách mặt biển cả ngàn thước nên lạnh quanh năm, cha Lợi lại đi xin áo dạ cho mọi người mặc chống rét, rồi tìm khung sắt để dựng lên ngôi thánh đường trên một khu đất cao.
Cả làng ngày ấy chỉ vỏn vẹn 100 người, lấy nhà thờ giáo xứ làm trung tâm. Từ đây tỏa ra 8 con đường dọc chính, chia mặt đồi làm 7 khu, được quy hoạch như hình mạng nhện. Từ 8 đường chính lại có những con đường ngang nối 7 khu rất trật tự và khoa học. Các cha và nhóm người tiên phong chủ ý quy hoạch giáo xứ như hình bát quái trong văn hóa Đông phương, xứ đạo trở thành một mạng liên kết bền vững, âm dương hòa hợp, trong mong muốn vạn vật vạn sự tương sinh phát triển tốt. Ngôi thánh đường ở vị trí trung tâm ý nói tám hướng, muôn phương đều quy về một đức tin. Tám con đường cũng gợi nhớ đến tám mối phúc thật. Dù tám mối nhưng chung quy hướng về một giới răn quan trọng nhất là “mến Chúa, yêu người”.
Theo đồ án kiến trúc, xung quanh nhà thờ là các nhà xứ, nhà hội, trường học, trạm phát thuốc, nhà máy điện, xưởng học nghề, ký túc xá… Mỗi khu lại có các đường ngang phụ, nhà ở dọc hai bên những con đường ngang này.
Nhà thờ giáo xứ Tân Hà hiện nằm yên bình ở vị trí trung tâm của mô hình “bát quái”, bên cạnh là trường giáo lý Chân Lý và khuôn viên rộng lớn của cộng đoàn Tân Hà, thuộc dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt.
Cũng giống như ngôi giáo đường qua ba lần xây dựng và tu sửa vẫn giữ lại mặt tiền, tháp chuông và bức tường đá giờ cũng như ban đầu, lối kiến trúc quy hoạch độc đáo của giáo xứ Tân Hà không thay đổi sau 70 năm. Bà con giáo dân sinh ra và lớn lên ở nơi đây được thừa kế mảnh đất do tiền nhân để lại và vẫn giữ nguyên vẹn đến tận hôm nay.
Ông Dzũng kể, trong những ngày cơn sốt bất động sản nổi sóng, cũng có nhiều người dân lân cận và ngoài tỉnh đến hỏi mua nền đất phân lô ở Tân Hà. Tuy nhiên, người dân đều có nguyện vọng giữ lại đất của gia đình vì mong muốn gìn giữ nét kiến trúc riêng cho đời sau.
 Từ tâm lan tỏa, tứ phương hướng về
Tân Hà hiện là một giáo xứ lớn của giáo phận Đà Lạt với 5.671 người, 1.300 hộ gia đình. Bà con giáo dân sinh sống và phát triển trên mảnh đất núi đồi cao nguyên xanh mướt, khí hậu quanh năm ôn hòa.
Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, một giáo dân sinh sống lâu năm tại giáo xứ cho biết, kinh tế của bà con hiện đã cải thiện rất nhiều trên nền tảng nghề nông, trồng trà, cà phê, nuôi tằm truyền thống đã đổi mới qua kinh doanh. Nhà nào cũng tạo điều kiện cho con cái học hành tại các trường đại học lớn trên cả nước, lĩnh hội tri thức để trở về về phục vụ tại địa phương. Họ luôn tâm niệm rằng thế hệ thanh thiếu niên là chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức, phát triển các giá trị tâm linh truyền thống trong thời đại mới.
Mỗi người dân làng Tân Hà đều quý trọng từng tấc đất, từng nét di sản mà các thế hệ cha anh đã gìn giữ. Họ tự hào với nét quy hoạch độc đáo vốn có của làng Tân Hà. “Nếu như ngày xưa, cha ông lấy trọng tâm là đức tin để vươn xa kiến thiết cho cuộc sống, thì ngày nay, giáo dân Tân Hà mong con cháu dù có ở đâu, làm gì, phương trời nào cũng đều một lòng hướng về gốc đạo”, ông Dzũng khẳng định.
Thảo Thanh - Hải Yến
Nguồn cgvdt.vn
Thông tin khác:
Vùng đất biên cương “nở hoa” (17/02/2025)
Nơi thánh Inhaxiô Loyola trải nghiệm về linh thao (15/02/2025)
Lăng mộ của các tổ phụ ở Hebron (14/02/2025)
Quyển Kinh Thánh cổ đầy đủ nhất thế giới (13/02/2025)
Họ đạo cổ 100 năm và nơi lưu giữ nhiều tượng ảnh cha P.X Trương Bửu Diệp (13/02/2025)
Nâng tầm nghệ thuật chơi sách (12/02/2025)
Đền thánh Đức Mẹ Các Thánh Tử Đạo tại New York chính thức được công nhận là Đền thánh Quốc gia (09/02/2025)
10 bức tượng Ðức Kitô đẹp nhất thế giới (07/02/2025)
Phát hiện manh mối di truyền của một nền văn minh trong Kinh Thánh (06/02/2025)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log