Một góc làng gốm Phù Lãng. Ảnh: CTV |
Phù Lãng là một ngôi làng cổ có nghề làm gốm nổi tiếng ở xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nằm bên bờ sông Cầu nước chảy lơ thơ, Phù Lãng vẫn mang vẻ đặc sắc của làng nghề gốm cổ, đó là những con đường làng có những bức tường xây gạch xen với tiểu sành phế phẩm qua hàng chục hàng trăm năm vẫn đứng vững với màu sành tím đỏ, đó là những sản phẩm gốm xếp cao bên đường làng hay sát tường nhà trong sân vẫn ánh lên màu men da lươn vàng óng bền bỉ, đó là những đống củi nung gốm xếp cao hàng mét từ xưa tới nay vẫn thế, cảnh quan không nơi nào có. Sắc nâu vàng óng da lươn của gốm Phù Lãng không lẫn vào đâu được luôn mang theo hồn quê bình dị mà thâm trầm, không ồn ào bóng bẩy như các sản phẩm gốm sứ khác nhưng nó lại gợi lên sự đầm ấm trong màu men như màu áo nâu của người thôn nữ xưa.
Lịch sử làng gốm Phù Lãng có từ rất sớm, tương truyên nghề gốm men nâu khởi phát từ thời nhà Lý do ông Lưu Phong Tú đi sứ sang nước Tống rồi học được nghề làm gốm mang về truyền lại cho dân làng đôi bờ sông Lục Đầu, rồi truyền về Vạn Kiếp (Hải Dương), vào đầu thời Trần (thế kỷ 13) nghề được truyền đến đất Phù Lãng tính đến ngày nay đã tới 700 năm có lẻ. Cùng thời kỳ đó có ông Hứa Vĩnh Kiều truyền nghề gốm sứ men trắng cho Bát Tràng Hà Nội và ông Đào Trí Tiến truyền nghề gốm sành không men nâu đỏ cho làng Thổ Hà Bắc Giang.
Người ta làm ra gốm Phù Lãng từ đất sét đỏ pha trắng, trước kia lấy đất sét này từ mỏ đất gần bến đò Cung Kiệm, Quế Võ, Bắc Ninh; nay mỏ đất sét này đã cạn kiệt nên người ta phải tìm ở nơi khác, một trong những nơi đó là cánh đồng làng Bùi Bến, Yên Lư, Yên Dũng, Bắc Giang đối diện với mỏ đất cũ bên kia giòng sông Cầu. Đất lấy về phải là loại đất có độ dẻo, sau đó được phơi đến khi bạc màu, trộn lẫn các lần đất phơi trước đó, đập thành những viên nhỏ bằng quả táo rồi cho vào ngậm nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất nhuyễn mịn. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay vuốt thành sản phẩm. Ngoài các sản phẩm được chế tác trên bàn xoay chủ yếu là đồ gia dụng, còn có các sản phẩm được chế tác bằng khuôn đúc hoặc thủ công, chủ yếu là các sản phẩm gốm mỹ nghệ. Khi sản phẩm se có thể đem đi tráng men.
Kỹ thuật làm men ở đây rất độc đáo. Men được làm từ tro gỗ cứng, thường là lim, sến, táu và nghiến, những loại cây này khi đốt, tàn tro trắng như tàn thuốc lá, trộn với vôi bột, sỏi nghiền nát và bùn phù sa trắng theo một tỷ lệ nhất định. Tỷ lệ các thành phần là bí quyết, rồi để khô, đập nhỏ, gạn qua rây bột, pha nước thành chất lỏng quánh, có màu vàng như vật ong. Loại men này được quét lên sản phẩm gốm rồi đem phơi khô, khi đó, sản phẩm gốm sẽ có màu trắng đục.
Công đoạn cuối cùng chính là nung. Điều đặc biệt là cho tới nay gốm Phù Lãng vẫn được nung bằng củi, chính việc nung bằng củi đã tạo ra nét đặc trưng của mặt da gốm Phù Lãng không lẫn với gốm sản xuất từ các nơi khác, đó là hình như dấu vết của lửa táp còn lưu lại trên mặt gốm. Nung là bước vô cùng quan trọng để đảm bảo hình dạng và màu sắc của sản phẩm. Nhiệt độ lò nung phải đạt 10000C, như vậy lớp da ngoài mới đanh mặt, nhẵn bóng và chắc. Sản phẩm xếp vào lò phải đảm bảo tiết kiệm tối đa không gian trong lò vì chi phí một mẻ đốt lò thường rất lớn. Sản phẩm gốm được đun liền ba ngày ba đêm, lượng nhiệt trong lò cũng phải được điều chỉnh tăng dần nhiệt độ đến ngày thứ hai khi gốm chín, rồi từ từ giảm nhiệt độ. Đến ngày cuối cùng gốm nguội dần, khi nguội hoàn toàn người ta lấy sản phẩm ra khỏi lò và bắt đầu công việc phân loại.
Từng công đoạn, từ chọn đất, tạo hình, tráng men đến nung gốm đều được các thợ gốm chăm chút cẩn thận, cầu kỳ cho đến khi chọn ra sản phẩm gốm đạt chất lượng.
Sản phẩm gốm Phù Lãng gồm ba loại chính: đồ gồm dùng trong hoạt động tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương và các đồ thờ cúng; đồ gốm gia dụng rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, từ lọ, bình, ang, chum, vại, chậu, ấm đun nước, nồi niêu đến điếu bát, bình vôi vv; đồ gốm trang trí, gồm bình trang trí, lọ cắm hoa, tranh gốm...
Gốm Phù Lãng có sắc thái riêng biệt, những sản phẩm gốm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu… người ta gọi chung là men da lươn. Nét nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kẹp, màu men tự nhiên, bền và lạ, dáng của gốm mộc mạc khỏe khoắn, mang vẻ đẹp nguyên sơ của đất và lửa, nhưng vẫn thấy nét điêu luyện trong điêu khắc tạo hình.
Không như Thổ Hà đã đánh mất nghề làm gốm cổ truyền người dân Phù Lãng đã thành công trong việc bảo tồn và phát triển nghề gốm tưởng như bị mai một trong cơn lốc cạnh tranh của các giòng gốm hiện đại hơn. Một lớp nghệ nhân mới được hình thành trong lớp trẻ Phù Lãng, họ học trong các trường mỹ thuật về và thổi sức sống mới cho gốm Phù Lãng nhưng vẫn giữ được vẻ mộc mạc chân quê của sản phẩm. Ngày nay làng gốm Phù Lãng là điểm du lịch thú vị cho những người muốn tìm về cội nguồn nghề gốm, có thể tham quan xưởng gốm, thậm chí có thể tự tay mình chế tác ra sản phẩm để làm kỷ niệm và tận hưởng trải nghiệm thú vị của nghề làm gốm.
ST