Sản phẩm của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nghìn năm tuổi không chỉ khẳng định vị thế ở thị trường trong nước mà còn có mặt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo thần phả đình làng Chuôn Ngọ thì nghề khảm trai có từ thời nhà Lý (1010 - 1225) và tổ nghề là Trương Công Thành, ông đã đã tạo nên những tác phẩm chạm khảm trai đầu tiên ở làng Chuôn Ngọ, rồi truyền lại cho dân làng. Nghề khảm chữ, khảm tranh trên mặt gỗ ra đời từ đó. Qua thời gian, người thợ khảm Chuôn Ngọ mầy mò và tìm kiếm thêm nhiều nguyên liệu khảm trai được bổ sung thêm, không chỉ có nhiều loại vỏ trai (trai cánh, trai vân, trai ngọc môi vàng…) mà còn có nhiều loại vỏ ốc quý (vỏ ốc khảm xanh, vỏ ốc thoi, vỏ ốc đỏ...), mẫu mã đa dạng hơn và chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.
Nghề khảm gồm có 6 công đoạn: Vẽ mẫu bức tranh; cưa trai; đục gỗ; gắn trai vào gỗ; mài khảm, thể hiện đường nét; dùng bột đen làm rõ các chi tiết của bức tranh. Những năm gần đây nghề tranh khảm trai Chuôn Ngọ đã phát triển đến đỉnh cao với việc xuất hiện một lớp nghệ nhân khảm vẽ truyền thần chân dung. Việc khảm vẽ theo tích cổ, vốn chiếm phần lớn công việc ở làng nghề, thì chỉ cần công phu luyện rèn là có thể thành nghề, nhưng những nghệ nhân tài hoa thật sự phải là người theo việc khảm vẽ truyền thần, sáng tạo những mẫu tranh mới về phong cảnh hoặc làm tranh theo ý tưởng của khách hàng...
Những năm qua, nhờ có sự phát triển của du lịch làng nghề mà nhiều du khách đã biết danh tiếng làng nghề và tới thăm, tận mắt chứng kiến tài hoa của những người thợ Chuôn Ngọ. Tại đây có rất nhiều tác phẩm được trưng bày. Trong số hoành phi, câu đối được tạo tác tuyệt đẹp, nổi bật là bức đại tự khảm lớn được tạo hoàn toàn bằng chất liệu xà cừ (ốc đỏ), chạm khảm 4 chữ Hán lớn “Công cái hoàn vũ” (Công đầu bảo vệ bờ cõi). Đây là một cách giới thiệu rất ấn tượng về trình độ tay nghề người thợ Chuôn Ngọ.