Nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ (phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, nay là phường Hố Nai, tỉnh Đồng Nai), gần khu chợ Thánh Tâm, có một xưởng sản xuất không quá lớn, với những sản phẩm kim loại sáng bóng, kiểu dáng bắt mắt. Theo dân địa phương mách nhỏ thì xưởng này đã hoạt động gần 70 năm, đã trở thành một địa chỉ quen thuộc cho các nơi cần đồ phụng vụ nhà thờ.
Anh Lương Thành Lục, chủ cơ sở, đưa chúng tôi tham quan xưởng và tìm hiểu quy trình sản xuất. Không gian xưởng khá nhỏ với đủ các loại máy móc, thiết bị và bày biện nhiều sản phẩm phụng vụ bằng kim loại như chén thánh, mặt nhật rất cầu kỳ, chi tiết. Anh Lục là thế hệ thứ hai nối nghiệp, và tính đến nay cũng đã có 36 năm gắn bó với nghề.
Mỗi đơn hàng, mỗi yêu cầu của khách đều được anh Lục chăm chút tỉ mỉ, đầy tâm huyết. Chính tinh thần ấy khiến sản phẩm của anh không chỉ rực rỡ mà còn tràn đầy sức sống. Những hình ảnh thánh giá, Chúa, Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh… trên từng món đồ thánh đều sống động qua các tạo hình tinh xảo, phức tạp.
Anh nhiệt tình chia sẻ về các công đoạn sản xuất:
“Đầu tiên là đúc hoặc gò, tùy thuộc vào vật liệu. Chén lễ thường được đúc từ đồng hoặc bạc. Mỗi vật liệu có thách thức riêng, như đúc bạc đòi hỏi sự cẩn thận tuyệt đối để tránh sai sót. Gò cũng yêu cầu kỹ thuật cao, từ cắt, tạo hình các miếng đồng, bạc, đến hàn mối nối sao cho mịn màng, không lộ dấu vết. Mọi khâu đều phải tập trung cao độ”. Việc đúc đôi khi gặp lỗi là điều bình thường, và mỗi lần như vậy phải làm lại từ đầu.
Để tạo ra những sản phẩm tinh xảo, thợ chạm khắc phải có nhiều năm kinh nghiệm. Các hoa văn, họa tiết như hình Chúa Giêsu, các thánh hay các vân lá hoa phải được chạm trổ một cách tỉ mỉ, mang lại vẻ đẹp trang trọng và linh thiêng. Ngoài ra người thợ cũng phải thường xuyên tìm những họa tiết mới cho những sản phẩm đẹp, hài hòa trong phụng vụ thánh.
Những chiếc chén lễ sau khi hoàn tất phần nguội sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, trước khi phủ lên lớp vàng. Đây cũng là công đoạn cuối cùng, gọi là khâu “làm đẹp” cho sản phẩm cũng được.
“Công đoạn này đòi hỏi sự tập trung cao, vì thợ phải kiểm tra kỹ để vàng bám đều và không bị trầy xước, đảm bảo tính hoàn hảo” - theo anh Lục.
Anh Lục hồi tưởng về thời thơ ấu, khi những âm thanh chạm khắc kim loại đã in sâu vào tâm trí. Cha anh, một nghệ nhân chạm khắc quê gốc Kiên Lao, giáo phận Bùi Chu - vùng đất nổi tiếng với nhiều làng nghề, đặc biệt là đúc và chạm đồ đồng - đã mang tinh hoa nghề truyền thống đến lập nghiệp ở mảnh đất phương Nam. Từ nhỏ, anh đã tiếp xúc với nghề, và theo thời gian, tình yêu dành cho nghề cha ông ngày càng rõ nét. Chàng thiếu niên năm ấy sớm bộc lộ năng khiếu, nhưng không tránh khỏi khó khăn ban đầu. Cha anh, một thợ lành nghề nhưng nghiêm khắc, thường xuyên sửa sai mỗi khi anh cẩu thả dù chỉ một chi tiết nhỏ.
“Nhờ vậy mà tay nghề tôi vững vàng, và nhờ cha mà có tôi hôm nay”, anh Lục tâm sự.