Nhà thờ Đức Bà Paris đã tồn tại 850 năm. Ảnh: CTV |
Nhà thờ Notre Dame de Paris
Giống như các Vương cung thánh đường tại Rôma, nhà thờ Notre Dame de Paris cũng chật ních người xếp hàng dài vào thăm. Điểm nổi bật đầu tiên là các ô kính màu trang trí trong các cửa sổ lớn của Đền thờ. Tất cả đều sặc sỡ, phong phú và mỹ thuật. Hai bức ngăn dọc gian Cung thánh trình bày các tích trong Kinh Thánh Cựu và Tân Ước bằng thể loại nghệ thuật phù điêu tầm cỡ thế giới như ở Rôma. Đền thờ vẫn giữ được tòa giảng ở giữa nhà thờ. Nơi đây, Đức Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng, Giám mục tiên khởi Việt Nam đã diễn giảng hùng hồn bằng tiếng Pháp, khiến cả tín hữu Paris và ngoại quốc có mặt đều ngỡ ngàng, thán phục.
Chúng tôi không đủ thời gian để lên thăm ngọn tháp nhà thờ mà chỉ chụp ảnh kỷ niệm trước mặt tiền nhà thờ. Ở giữa quảng trường rộng lớn này có một vị trí quan trọng được coi là trung tâm của Paris. Vị trí đó được đánh dấu hoa văn bằng đồng, hầu như ai cũng đặt chân lên đây để cầu may có hy vọng được trở lại Paris.
Nhìn từ góc độ này, nhà thờ Đức Bà Paris được kết cấu 2 ngọn tháp vuông mặt tiền. Giữa là vòm cuốn bằng đá nhiều lớp, mỗi lớp có nhiều phù điêu tượng các thánh vừa trang nghiêm truyền thống, lại vừa mang đậm nét nghệ thuật thánh.
Tháp đôi Nhà thờ Đức Bà Paris
Những ngọn tháp theo lối kiến trúc Gothique tạo nên những góc cạnh nhiều tầng có chiều sâu và không gian nổi do chính các ngọn tháp tạo nên.
Nhà Hội Thừa sai Paris MEP
Trên đường trở về, chúng tôi ghé thăm trường Đại học Công giáo Paris, nơi cha Khuê và các cha Việt Nam du học, sau đó tập trung ở nhà MEP và xin dâng thánh lễ đầu tiên tại đây. Đây là thánh lễ đầu tiên tại Paris, khó khăn nhất là không có sách lễ tiếng Việt Nam. Mỗi người cố gắng nhớ lại một câu của Kinh nguyện Thánh Thể để làm sao có thể dâng thánh lễ bằng tiếng Việt. Loay hoay mãi mà cũng không nhớ hết một cách chính xác và đầy đủ, cuối cùng cha Thắng, linh mục sinh viên thuộc Tổng giáo phận Hà Nội đang du học ở đây đã đem đến cho chúng tôi cuốn sách lễ Rôma để chúng tôi dâng lễ bằng tiếng Việt.
Hành hương Lộ Đức
Đúng theo chương trình, buổi tối chúng tôi lên đường đi Lộ Đức (Lourdes) Khoảng cách Paris - Lourdes là 820km, và thời gian tàu điện chạy là 8 tiếng. Chúng tôi dùng bữa tối tại Paris rồi lại chuẩn bị lên tàu vào 23h14’. Một đêm thanh bình trên tàu trôi qua, ngoại trừ vào giờ cuối cùng xuống ga, thầy Được mới phát hiện ra mình để rơi điện thoại di động trên tàu. Thầy xuống toa dưới, tìm ghế của mình thì mới biết toa này đã bị cắt đi Tây Ban Nha hồi đêm. Mất điện thoại là như người bị cô lập, nhưng còn là may vì nếu thầy ngủ quên chút nữa thì cả người cũng bị cắt sang Tây Ban Nha - thật là hú vía ! Vương cung thánh đường Đức Bà Lộ Đức luôn đông đảo khách hành hương. Ảnh: Duy Thông |
Vừa tới ga Lourdes, chị Thanh Vân và hai chị người Pháp, người Philippin đã đón chúng tôi tại nhà ga. Ba chiếc xe taxi đủ đưa chúng tôi về trung tâm huấn luyện của Tu hội trợ tá Tông đồ quốc tế. Tại đây chúng tôi gặp những người đến từ Hàn Quốc, Myanma, Tây Ban Nha, Salvador, Uganda, Bangladest, các chị phục vụ tận tình và vô vị lợi.
Sau bữa ăn sáng, ba chị tiếp tục đưa chúng tôi thăm Vương cung thánh đường Đức Bà Lộ Đức. Lòng chúng tôi rộn mừng mỗi lúc xe đến gần hơn địa danh thiêng thánh đã trở thành trung tâm hành hương của toàn thế giới.
Nhà thờ Đức Bà Lộ Đức hiện ra trên đỉnh núi, sát chân núi là dòng sông Gave với cây cầu vắt ngang sông và dẫn đến hang Đức Mẹ hiện ra cùng chị Benadette năm 1958. Thật là cảm động và linh thiêng. Linh mục Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com