Văn hóa nghệ thuật

Nơi chôn cất các thánh tông đồ

Cập nhật lúc 22:36 21/01/2019
Sau nhiều năm tìm kiếm, các nhà khảo cổ học đang dần hé lộ những manh mối về nơi an táng các vị tông đồ của Chúa Giêsu.

Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều thông tin khảo cổ về các vị thánh tông đồ được công bố, đặc biệt vào dịp lễ Phục Sinh hoặc các ngày lễ quan trọng của Công giáo, theo National Catholic Register.

 

Thánh Phêrô

Suốt 100 năm qua, giới khảo cổ học đều chung một quan điểm về vị trí các ngôi mộ của thánh Phêrô, Phaolô và Gioan. Khoảng năm 64, thánh Phêrô bị hành hình ngược trên thập tự giá tại đấu trường Nero trên đồi Vatican. Các Kitô hữu thời đó bí mật tìm thi hài ngài và chôn cất tại nghĩa trang gần đó. Khoảng năm 326, hoàng đế Constantine cho san bằng phần còn lại của đấu trường cũng như ngọn đồi và xây dựng một thánh đường lớn với bàn thờ cao bên trên phần mộ của vị thánh. Thế nhưng sau nhiều thế kỷ trùng tu và xây dựng lại, không ai còn biết chính xác vị trí của phần mộ. Tương truyền, hài cốt của thánh Phêrô vẫn nằm bên dưới bàn thờ của ngôi thánh đường, nhưng chưa ai từng được thấy.

Năm 1939, trong lúc làm mộ cho Đức Giáo Hoàng Piô XI tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, các công nhân bất ngờ phát hiện một hầm mộ từ thế kỷ thứ 2. Kết quả khảo sát sau đó tiết lộ một nghĩa trang trong tình trạng hoàn hảo từ thời La Mã cổ đại. Ngay bên dưới bàn thờ, các nhà khảo cổ học tìm được một ngôi mộ khiêm tốn, bên trong chứa hài cốt của một người đàn ông lớn tuổi nhưng vẫn tráng kiện. Vô số hàng chữ khắc trên mộ đều là lời cầu nguyện gởi đến thánh Phêrô, cùng dòng chữ Hy Lạp “Phêrô ở bên trong”. Sau nhiều năm cho nghiên cứu, năm 1968,  Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố hài cốt trong mộ thuộc về thánh Phêrô.

 

Thánh Phaolô

Sau khi thánh Phaolô tử đạo, Hoàng đế Constantine cho xây một thánh đường bên trên mộ phần của ngài ở Via Ostia. Năm 2009, sau thời gian dài nghiên cứu, các nhà khảo cổ học Vatican kết luận rằng hài cốt bên trong một cái quách bên dưới bàn thờ của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành thật sự là thánh tích của thánh Phaolô. Thời điểm đó, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nói rằng: “Các chuyên gia đã tiến hành xác định đồng vị của các mảnh xương nhỏ trích xuất từ hài cốt, và kết quả cho thấy xương thuộc về một người từng sống giữa thế kỷ thứ nhất và thứ hai. Điều này xác nhận đây là những phần còn lại của thánh tông đồ Phaolô”.

 

Thánh Gioan

Theo nhiều sử liệu, thánh Gioan qua đời ở Ephesus - nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ - vào khoảng năm 100. Đến thế kỷ thứ 4, sau khi hoàng đế Constantine chấm dứt sự bách hại đối với Kitô giáo, các Kitô hữu tại Ephesus xây một nhà nguyện bên trên phần mộ của thánh nhân. Thế kỷ thứ 5, hoàng đế Justinian thay thế nhà nguyện bằng một nhà thờ tráng lệ. Sau khi khu vực này bị người Thổ đánh chiếm, thánh đường bị biến thành đền thờ Hồi giáo và tồn tại cho đến khi hoàng đế Thiếp Mộc Nhi, vua của người Đột Quyết - Mông Cổ chinh phục và tàn phá nơi này năm 1402. Trong thập niên 1920, các đội ngũ khảo cổ học từ Hy Lạp và Áo đã tiến hành khai quật phần còn lại của cấu trúc tôn giáo và tìm được mộ phần của thánh Gioan bên trong. Tuy nhiên, ngôi mộ hoàn toàn trống không, và cho đến nay chưa có ai biết được hài cốt của ngài thất lạc nơi nào.

 

Thánh Anrê

Thánh Anrê, môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, là em của thánh Phêrô. Hai vị thánh đều làm nghề đánh cá tại làng chài ven biển Galilee.  

Tương truyền sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Anrê đến vùng đất mà hiện nay là Nga và Ukraine. Khi đã cao tuổi, ngài đến Hy Lạp và tử đạo tại thị trấn Patras. Các tín hữu tại đây đã chôn cất thánh tông đồ ở địa phương, nhưng đến năm 357, phần lớn hài cốt của ngài được bốc dỡ về Constantinople. Năm 1204, đội quân Thập tự chinh Ý đã chiếm nhà thờ Thánh Anrê và mang thánh tích về Amalfi, nơi được lưu giữ đến ngày nay. Năm 1964, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trao lại một số thánh tích của thánh Anrê cho Giáo hội Chính Thống giáo Hy Lạp, và một lần nữa họ bảo quản trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Anrê được xây bên trên ngôi mộ ban đầu ở Patras.

 

THÁNH GIACÔBÊ TIỀN

Năm 44, thánh Giacôbê Tiền đã tử đạo tại Giêrusalem. Thi hài của ngài đã được chuyển đến miền bắc Tây Ban Nha và được chôn cất tại một nghĩa trang Kitô giáo. Tương truyền, ngôi mộ chìm vào lãng quên cho đến tận năm 814, khi một ẩn sĩ tên Pelayo đi theo một vì sao đến một cánh đồng và tìm được hài cốt của ngài. Giờ đây, thánh tích được thờ kính tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Giacôbê ở Santiago de Compostela. Một điều thú vị là bên dưới nhà thờ, các nhà khảo cổ học tìm được một nghĩa trang Kitô giáo vào thế kỷ thứ 1.

 

THÁNH GIACÔBÊ HẬU

Thánh Giacôbê Hậu được xem là vị giám mục đầu tiên của Giêrusalem và tử đạo tại đây. Ngài đã bị ném khỏi mái của đền thờ, nhưng vì vẫn còn sống nên bị đánh đập và ném đá đến chết. Thánh Giacôbê Hậu được chôn cất trên núi Ôliu nhìn xuống Giêrusalem. Thế kỷ thứ 3, Hoàng đế Justinian II chuyển thánh tích của ngài về Constantinople. Và trong một giai đoạn nào đó của lịch sử, thánh tích tiếp tục dời về nhà thờ Các Thánh Tông Đồ tại quận Trevi, Rome (Ý). Ngày nay, thánh tích của thánh Giacôbê Hậu được đặt bên cạnh thánh tích thánh Philipphê.

 

PHILIPPHÊ

Tháng 7.2011, các nhà khảo cổ học tại Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã phát hiện nơi nhiều khả năng từng là mộ phần của thánh Philipphê ở thành phố cổ Hierapolis, hiện gọi là Pamukkale. Chiếc quan tài bằng đá có niên đại từ thế kỷ thứ nhất được tìm thấy bên trong đống đổ nát của một nhà thờ từ thế kỷ thứ 4 - 5. Theo Sách Tông Đồ Công Vụ, khoảng năm 80, ngài bị bắt tại Hieropolis rồi bị treo ngược lên cây, đinh đóng xuyên chân và cuối cùng là bị chém đầu.

Địa điểm chôn cất thánh Philipphê trở thành điểm hành hương của các tín hữu thời xưa, và giới khảo cổ học sau đó đã khai quật được con đường dẫn đến Martyrium, tức đền tử đạo. Đền thờ này đã bị phá hủy vì động đất và hỏa hoạn vào thế kỷ thứ 7. Sau đó, thánh tích được chuyển đến Constantinople trước khi về Rome, đặt cạnh thánh Giacôbê Hậu trong nhà thờ Các Thánh Tông Đồ đến nay. Khi mở quan tài ở Hieropolis, các chuyên gia chẳng tìm thấy gì bên trong, có thể do hài cốt của thánh nhân đã được chuyển hết về Rome.

 

THÁNH TÔMA

Nhiều tài liệu ghi lại thánh Tôma là vị đi xa nhất trong nhóm 12 môn đồ kề cận Chúa Giêsu. Ngài rao giảng Lời Chúa ở Ấn Độ, và tử đạo tại đây dưới ngọn giáo của một người theo Ấn giáo. Ngày nay, một phần hài cốt của thánh Tôma được thờ kính tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Tôma ở Chennai, Ấn Độ. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, đa số phần còn lại của thánh tích được đưa về Edessa ở vùng Lưỡng Hà. Năm 1258, thánh tích lại lên đường đến Ortona (Ý) và được đặt vào chiếc tráp vàng tại nhà thờ Thánh Tôma.

 

THÁNH BATÔLÔMÊÔ

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, thánh Batôlômêô truyền giáo đến Armenia, nơi ngài bị hành hình bằng cách lột da. Năm 809, thánh tích của ngài được chuyển từ mộ phần ở Armenia về Lipari (hòn đảo ngoài khơi nước Ý) trước khi đến Benevento ở miền nam vào năm 838. Đến năm 983, Hoàng đế La Mã Otto III cho xây dựng nhà thờ Thánh Batôlômêô trên đảo Tiberina bên dòng sông Tiber và đưa một phần thánh tích của ngài về đây.

 

THÁNH MATTHÊU

Thánh Matthêu gieo hạt giống Tin Mừng ở Ethiopia và tử đạo trong lúc cử hành thánh lễ. Đến năm 954, thánh tích ngài được dời khỏi mộ phần ở Ethiopia đến TP Salerno ở Ý. Hiện thánh tích được thờ kính trong hầm mộ Salerno, bên dưới Vương Cung Thánh Đường Thánh Matthêu.

 

THÁNH SIMON NHIỆT THÀNH VÀ THÁNH GIUĐA TAĐÊÔ

Thánh tích của hai thánh Simon Nhiệt Thành và Giuđa Tađêô vẫn nằm bên trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Tương truyền hai vị thánh tông đồ cùng nhau truyền đạo tại Ba Tư và tử đạo: thánh Giuđa Tađêô bị đánh chết bằng dùi cui còn thánh Simon Nhiệt Thành bị cưa sống. Cả hai có thể đã được chôn cất tại Ba Tư, và hiện vẫn chưa rõ bằng cách nào thánh tích của hai thánh nhân được chuyển về Rome.

 

LING LANG

Thông tin khác:
Vội vã trở lại tìm người (17/01/2019)
Nét đẹp Công giáo (11/01/2019)
Từ nhà đạo đến đờn ca tài tử (11/01/2019)
Di tích quốc gia đặc biệt (05/01/2019)
Hội ngộ đầy hoành tráng (04/01/2019)
Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (28/12/2018)
Thánh địa Giêrusalem (28/12/2018)
Điểm lạ con người đến (14/12/2018)
Đức Maria vô nhiễm và tranh của G. Tiepolo (11/12/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log